Trước đó, ba điểm di tích tại Đông Triều (Quảng Ninh), gồm đền An Sinh, chùa Am Hoa và di tích Trại Cấp đã được khai quật. Đây là hoạt động phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới.
Các đơn vị tham gia đợt khai quật này gồm: Hội Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh, Viện Khảo cổ học, Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội).
Toàn cảnh khu vực khai quật di tích (Ảnh: Hội Khảo cổ học Việt Nam).
Ba điểm di tích Đông Triều
Theo báo cáo sơ bộ về việc khai quật tại đền An Sinh, các dấu vết sân lát bằng gạch sử dụng kỹ thuật nêm cối, tạo hình đồ án hoa chanh. Cuộc khai quật cũng làm xuất lộ 1 phần của 4 đơn nguyên kiến trúc.
Các đơn nguyên này kết nối liên hoàn với nhau tạo thành một quần thể. Các hố thăm dò được mở ở phía Bắc của kiến trúc và dấu vết ở phía Nam cho thấy, công trình này có quy mô khá lớn.
Dấu vết móng cột đã xuất lộ tại An Sinh cũng cho thấy, móng được đầm chặt bằng sỏi son và đá cát. Kỹ thuật và vật liệu sử dụng để gia cố móng, cột có nhiều nét tương đồng với các công trình trong đền An Sinh, Thái Miếu và một số di tích thời Trần khác ở Đông Triều.
Các nhà khảo cổ cũng thấy dấu vết bó nền của một công trình. Dấu vết còn lại cho phép xác định công trình có mặt bằng hình chữ nhật dài theo hướng đông - tây 8,9 m; rộng theo hướng bắc - nam 6,4 m. Điều này cho thấy dưới thời Trần, kiến trúc trung tâm là một quần thể với nhiều công trình kết nối liên hoàn với một kiến trúc nằm giữa, bao quanh có các lớp kiến trúc và hành lang.
Bên cạnh việc khai quật, Đoàn cũng điều tra lại toàn bộ Đồng Sinh, định vị các điểm có dấu vết di tích và tập trung nhiều di vật. Kết quả, tại Đồng Sinh, ngoài vị trí khai quật còn xác định được 04 địa điểm có dấu vết di tích, di vật.
Cùng với đó, các báo cáo sơ bộ về khai quật tại chùa Am Hoa cho thấy, các kiến trúc có cốt nền khác biệt về độ chênh nhưng các đơn nguyên kết nối liên hoàn tạo thành tổng thể kiến trúc tương đối vững vàng, có mặt bằng chữ công (工). Các đặc điểm nền không cao hơn nhiều so với xung quanh, phần bó nền có phần đơn sơ. Ngay cả những vị trí chênh cốt đòi hỏi kết cấu vững chắc cũng được xếp rất đơn giản. Từ đó, các nhà khảo cổ suy đoán, kiến trúc này không dùng nền đắt mà dùng sàn.
Bên cạnh các di tích, tại đây cũng phát hiện các loại hình di vật, tiêu biểu nhất là Bia Đá, Cây Hương và 1 số đồ gốm men. Các di vật này cung cấp các thông tin quan trọng cho việc xác định danh tính cũng như niên đại của di tích.
Cảnh quan chùa Am Hoa (Ảnh: Hội Khảo cổ học Việt Nam).
Trong đó, bia đá là loại bia tứ diện - long đình, thân bia làm bằng đá xanh, đế làm bằng đá gạo khai thác tại chỗ. Thân cây hương đã bị đập vỡ, đoàn khai quật cố gắng phục nguyên dáng từ 7 mảnh lớn nhỏ. Đoàn khai quật đã cố gắng phục nguyên từ 57 mảnh lớn nhỏ để phục dựng. Theo minh văn trên bia và cây hương, di tích là chùa Am Hoa thời Lê Trung hưng.
Tại Trại Cấp, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết tường bao và tam quan được phát hiện ở phía nam của khu kiến trúc trung tâm, nằm cùng trục chính tâm với kiến trúc trung tâm. Dấu vết móng tường còn lại rộng trung bình 1,3 - 1,6 m. Các dấu vết còn lại cho phép xác định tường được xếp bằng cuội, giữa đầm đất theo kiểu trình tường, mái lợp ngói.
Các nhà khảo cổ cũng thấy dấu vết bó nền của một công trình và bước đầu kết luận, dưới thời Trần, kiến trúc trung tâm là một quần thể với nhiều công trình kết nối liên hoàn với một kiến trúc nằm giữa, bao quanh có các lớp kiến trúc và hành lang.
Chân tảng đá hoa sen mang tính cung đình tại di tích Trại Cấp, niên đại thời Trần (Ảnh: Hội Khảo cổ học Việt Nam).
Thêm bằng chứng thuyết phục cho hồ sơ ghi danh với UNESCO
Trao đổi với PV, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, việc khai quật 3 di tích trên nhằm bổ sung tư liệu, từng bước cập nhật hồ sơ Di sản thế giới Yên Tử để trình vào năm 2023. Các di tích mới tìm được đều là những di tích gốc, mang tính xác thực cao. Có khả năng, Phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu khu vực Đông Triều Quảng Ninh đã được khai quật bởi đoàn khảo cổ.
Cũng tại khu vực Đông Triều, Quảng Ninh, dấu tích của các di tích thời Trần, thời Lê Trung Hưng được tìm thấy ở Trại Cấp và Am Hoa.
Ông cho biết: "3 di tích này chỉ còn dưới dạng phế tích nhưng nó lại mang tính xác thực rất cao, phản ánh những cấu trúc hình thái của các di tích, phản ánh vật liệu đặc trưng kỹ thuật, đặc trưng trang trí của các di tích gắn với điều kiện tự nhiên và địa hình sinh thái đẹp của khu di tích Yên Tử. Các di tích nằm len lỏi trong núi rừng hẻo lánh, nhưng có vị trí đắc địa, cảnh quan đẹp. Đây là những nền tảng giá trị để phát huy thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam - thiền phái gắn chặt với đời sống tâm linh và văn hóa của người dân Đại Việt".
Gạch xếp hình hoa chanh tại di tích phủ đệ An Sinh (Ảnh: Hội Khảo cổ học Việt Nam).
Cũng theo ông Trung Tín, đây là lần đầu tiên tìm thấy khu vực cư trú của quý tộc thời Trần ở An Sinh, cụ thể hơn là của nhân vật lịch sử quan trọng An Sinh Vương Trần Liễu. Ông Trần Liễu là anh của vua Trần Thái Tông. Theo sử sách, ông là nhân vật quan trọng, được tôn như thánh tại vùng đất An Sinh.
PGS- TS Tống Trung Tín cho biết thêm, thành công của lần khai quật này nằm ở những nền móng mang tính cung đình thời Trần. Từ đây, hé lộ phần nào dấu tích của một khu dinh thự lớn, là nơi cư ngụ của An Sinh Vương, có đền thờ ông và mộ táng các vị hoàng đế nhà Trần.
Các di tích tìm được đều là di tích gốc chỉ còn dưới dạng phế tích nhưng nó lại mang tính xác thực cao (Ảnh: Hội Khảo cổ học Việt Nam).
Ông Trung Tín cũng nhận định, việc tìm thấy Am Hoa một mặt bằng hoàn chỉnh thời Lê Trung Hưng có ý nghĩa quan trọng trong hồ sơ, cho thấy những dấu mốc mang tính lịch sử của thiền phái Trúc Lâm. Theo ông Tín, điều này rất có ý nghĩa cho việc xây dựng lịch sử thăng trầm của nhà Trần, của vùng đất khi xây dựng hồ sơ di sản UNESCO.
Theo Hương Hồ/Dân Trí