Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương từ một đứa trẻ chăn trâu nghèo khổ đã vật lộn vươn lên chiến đấu, cuối cùng đã lật đổ được sự thống trị của triều đình nhà Nguyên, trở thành Hoàng đế khai quốc đương thời ở Trung Quốc.
Trong quá trình ông lập ra cơ nghiệp nhà Minh có một công thần lớn nhất trợ giúp, đó chính là Lưu Bá Ôn, được người đời sau cho rằng có thể sánh với nhân vật thần thoại Vũ Hầu Gia Cát Lượng.
Lưu Bá Ôn còn có tên là Lưu Cơ, người huyện Thanh Điền, Xử Châu, nay là huyện Văn Thành, Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc.
Ông bụng đầy kinh luân, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, lại tinh thông thao lược binh pháp, có thể đoán được sự phát triển tương lai của sự vật, liệu sự như thần.
Đời ông giống như một câu chuyện truyền thuyết, lập được công lao hiển hách cho giang sơn Đại Minh, được Chu Nguyên Chương ca ngợi là "Tử Phòng của ta".
Ở đây, Tử Phòng chính là Trương Lương, một mưu sĩ kiệt xuất của Lưu Bang, hoàng đế đầu tiên của triều đình nhà Hán, Trung Quốc.
Là người công thành danh toại, sau này, Lưu Bá Ôn về quê quy ẩn. Trên đường về quê đã làm một việc, dẫn đến một loạt hiện tượng kỳ lạ và để lại cho hậu thế rất nhiều không gian tưởng tượng.
Trên đường về, Lưu Bá Ôn đi qua Du Nguyên, một ngôi làng ở phía nam huyện Vũ Nghĩa, thành phố Kim Hoa, Chiết Giang ngày nay.
Khi đó, ông đã gặp bạn học cũ Du Lai, một người bạn tốt của ông. Hai người đã nói rất nhiều chuyện với nhau và hết sức vui vẻ.
Trong những câu chuyện đó, Lưu Bá Ôn được biết thôn này thường xuyên xảy ra hạn hán và lũ lụt, hoặc hỏa hoạn, bệnh dịch, làm cho người dân rất khổ sở.
Là người quan tâm đến nỗi khổ của người dân, Lưu Bá Ôn quyết định ra tay giúp đỡ giải quyết vấn đề này.
Đây là vấn đề mà người bình thường xem ra không thể giải quyết, nhưng một người tinh thông phong thủ như Lưu Bá Ôn thì không thành vấn đề.
Sau khi nhìn ra được gốc gác của vấn đề, Lưu Bá Ôn cho rằng thôn Du Nguyên vốn là địa phương có phong thủy thật không tồi, nhưng lại bị một dòng suối nhỏ chạy thẳng trong thôn phá hoại.
Thế là, ông đã dựa vào bát quái, âm dương, thái cực để cải tạo dòng suối này thành hình dạng uốn lượn, hình thành bố cục 12 cung hoàng đạo với núi ở xung quanh, ở vị trí của âm ngư Thái Cực đồ có trồng một cây sồi trắng. Hiện nay, cây sồi này đã trải qua hơn 600 năm, cao 27 - 28 m.
Ngoài ra, Lưu Bá Ôn cũng đã điều chỉnh bố cục xây dựng nhà cửa trong thôn, dựa vào hình của 7 ngôi sao Bắc Đẩu để đào ra 7 giếng nước, 7 hồ chứa, đồng thời căn cứ vào bố cục Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ để đưa ra quy hoạch cho kiến trúc trong thôn.
Hơn nữa, ông còn dặn dò Du Lai nhắc nhở người đời sau nếu xây dựng nhà ở thì nhất định phải làm theo cách thiết kế của ông.
Nói ra thì rất kỳ lạ, nghe nói nước trong giếng sẽ trở nên vẩn đục hay trong suốt dựa vào trời nắng hay râm.
Hơn nữa, có người không tin tà thuật sau đó từng muốn lấp đi những hồ chứa này để xây nhà ở, nhưng kết quả là lần nào cũng xảy ra hỏa hoạn.
|
Hồ nước ở thôn Du Nguyên. Ảnh: News.ifeng.com. |
Từ đó về sau, thôn này đã trở thành vùng đất trù phú, tốt về phong thủy, cũng không còn xảy ra tình trạng hạn hán hoặc lũ lụt, cho dù có năm xảy ra đại hạn; ở đó, cứ vào ngày 26.6 hàng năm nhất định sẽ có mưa.
Không chỉ có vậy, ở đó giống như đã đầy linh khí, rất nhiều người đọc sách hậu thế đều nổi tiếng, vào triều làm quan, tổng cộng có tới hơn 260 người, trở thành một vùng địa linh nhân kiệt.
Thôn Du Nguyên còn có rất nhiều truyền thuyết làm cho mọi người phải kính nể tài năng của Lưu Bá Ôn.
Ở góc độ khoa học ngày nay, những hiện tượng này căn bản không thể giải quyết hoặc giải thích, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu.
Việc làm rõ được khả năng thực hiện được "thiên nhân hợp nhất" của người xưa thực sự không phải là một sớm một chiều.
Thôn Du Nguyên đến nay đã trở thành địa điểm du lịch, nhưng điều đáng chú ý là những quy hoạch và kiến trúc của thôn này đến nay đã bị phá hoại rất nhiều.
Chỉ còn vài hồ nước và vài giếng nước, kiến trúc cổ cũng đã không còn gì. Đây là một điều thật đáng tiếc và gây cảnh tỉnh cho địa phương này.
Theo PV /Đời Sống & Pháp Luật