Hôn nhân là một việc hệ trọng trong vòng đời của mỗi con người. Trên thế giới, mỗi đất nước có nền văn hoá khác nhau thì nghi thức của hôn nhân cũng khác nhau.
Cuốn sách “Đám cưới người Việt xưa và nay” của tác giả Bùi Xuân Mỹ giúp bạn đọc hiểu cách lý giải của người xưa về tính chất hệ trọng, thiêng liêng của hôn nhân, về những nét đẹp và ý nghĩa sâu sắc của các cách thức tổ chức đám cưới trong từng giai đoạn lịch sử. Đồng thời cũng giới thiệu những nét độc đáo, khác biệt văn hoá hôn nhân tại từng vùng miền…
|
Sách “Đám cưới người Việt xưa và nay”. Ảnh: Thư viện Hà Nội. |
Sách gồm 3 phần: Phần I: Phong tục cưới hỏi truyền thống. Phần II: Đám cưới ba miền. Phần III: Đám cưới thời nay.
Trong đó, Phần 1 “Phong tục cưới hỏi truyền thống” sẽ đưa người đọc tới các giải đáp, kiến thức, thông tin: Hôn nhân là gì? Những hình thức hôn nhân sớm nhất của loài người (tạp hôn, quần hôn, hôn nhân ngoại tộc, hôn nhân đối ngẫu); Hôn nhân một vợ một chồng và người ta bắt đầu tổ chức hôn lễ từ bao giờ? Tập tục cưới hỏi từ thời Hùng Vương? Vai trò của cha mẹ trong hôn nhân? Nguồn gốc chữ song hỷ trong đám cưới; Đạo lý vợ chồng theo quan niệm Nho giáo; Pháp chế hôn nhân thời phong kiến; Pháp luật phong kiến về tội ngoại tình.
Cùng với đó, người đọc cũng được tìm hiểu về các tập tục, nghi lễ trước đám cưới như: Thách cưới; Chọn giờ tốt, ngày lành; Dạm ngõ và ăn hỏi; Các tục sau lễ ăn hỏi; Chuẩn bị những nghi thức trong lễ cưới; Cưới chạy tang; Quy định về nghi thức hôn lễ trong thời vua Lê Thánh Tông; Chính sách về hôn lễ của nhà Nguyễn; Hôn lễ và các tập tục (lễ vu quy, lễ xin dâu, lễ rước dâu và đưa dâu, lễ cưới và cỗ cưới, tục lệ chuẩn bị phòng tân hôn, lễ thành hôn và lễ hợp cẩn); Các tập tục sau đám cưới (lễ đặt nồi, mâm cơm mời bố mẹ chồng, lễ Lại mặt, tục kiêng kị khi gặp chồng,…); Những đám cưới đặc biệt (tái giá, tục huyền, cưới vợ lẽ, nàng hầu, nô tỳ, thú phạt, tráo hôn, hai lần kết hôn, cưới lại, minh hôn, cắt tiền duyên, đám cưới cung đình.
Phần 2 “Đám cưới ba miền” sẽ đưa độc giả tới những thông tin về tập tục cưới hỏi thú vị ở ba miền Bắc, Trung, Nam qua các thời kỳ. Đó là nghi lễ cưới hỏi ở Bắc Bộ xưa; Cưới hỏi ở Hà Nội qua các thời kỳ; Ra vốn cho dâu; Rước dâu ở Bắc bộ ngày nay; Tục cưới ở Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Cưới hỏi ở Nam Bộ; Món ăn trong tiệc cưới ở Nam Bộ; Cưới hỏi xứ miệt vườn; Cưới hỏi ở Bến Tre, Trà Vinh; Những kiêng kị trong đám cưới Nam Bộ; Những đám cưới đặc biệt (đám cưới tại chùa, hôn lễ của tín đồ Công giáo, hôn phối của tín đồ đạo Cao Đài, đám cưới tập thể, lễ tuyên hôn, đám cưới phương xa, hôn nhân với người nước ngoài).
Với phần 3 “Đám cưới thời nay” cuốn sách lại cho độc giả thấy những việc cần thiết để có một đám cưới hoàn hảo như: Chủ động trong cưới hỏi; Hiểu về luật hôn nhân và việc đăng ký kết hôn; Những việc nên thận trọng trước ngày cưới; Những việc cần lưu ý khi chuẩn bị cưới (chọn địa điểm, thực đơn và dự tính số khách, thiệp mời, trang sức, chụp ảnh, hoa cưới, áo cưới, bánh cưới, phòng tân hôn, tuần trăng mật…).
Ở phần phụ lục là những ghi chép về đám cưới người Việt ở nước ngoài, nghi lễ hôn nhân người việt ở Trung Quốc, Nga, Mỹ.
Có thể thấy, bất kỳ thời đại nào thì lễ tục cũng tiếp thu những diện mạo tinh thần, và cũng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa, kinh tế, chính trị của thời đại đó. “Đám cưới người Việt xưa và nay” cũng đã thể hiện phần nào diện mạo tinh thần, văn hóa của người Việt xưa và nay.
Cuốn sách “Đám cưới người Việt xưa và nay” hiện đang phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn - Thư viện Hà Nội.
Nguyễn Mai