Xét theo câu: “Thủy, hỏa, đạo tặc”, có thể nói chỉ đứng sau lũ lụt, vấn đề hoả hoạn được xem như là một nguy cơ luôn rình rập đe dọa đến đời sống xã hội. Chính vì vậy trong pháp luật Việt Nam thời xưa có nhiều điều luật, quy định hình thức, chế tài xử lý các trường hợp gây ra hỏa hoạn.
Tuy không được ghi chép đầy đủ nhưng sử sách cũng nhắc đến một số trường hợp hỏa hoạn, đặc biệt là các vụ cháy xảy ra ở kinh thành Thăng Long. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết vào một đêm đầu năm Mậu Dần (1278), ở kinh đô xảy ra cháy tại một khu vực, vua Trần Thánh Tông đang ngủ say thì nghe cấp báo, lập tức ông cùng các nội thị tức tốc đến ngay nơi xảy ra hỏa hoạn. Sử viết: “Vua ra ngoại thành xem chữa cháy”, sau đó vua còn định công chữa cháy, ban thưởng theo thứ bậc.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Tiền Phong. |
Một vụ
hỏa hoạn lớn cũng được chính sử nhắc tới như sau: “Ở kinh thành có cháy lớn, cháy lan mất hơn vài trăm nhà, có người chết cháy” (Đại Việt sử ký toàn thư). Vụ cháy này xảy ra vào ngày 11 tháng 5 năm Giáp Dần (1434).
Hay như vụ cháy lớn vào tháng 6 năm Tân Mùi (1631) khiến triều thần phải hộ tống vua Lê Thần Tông lánh ra ngoại thành trú tạm tại nhà một viên quan có tước Hoa Dương hầu, bốn ngày sau khi đám cháy được khắc phục, vua mới ngự giá về hoàng cung. Nguyên nhân hỏa hoạn do sự bất cẩn trong kho huấn luyện quân sự, kho đó ở ven sông Hồng, chúa Trịnh Tráng ngồi “ngự ở Đông Lâu, sai đào sông cho thuyền đánh nhau và tập bắn thì có lửa cháy từ đầu sông. Lửa cháy lan đến cửa bên trái của Vương phủ, phố phường hai bên và các nhà Triều Nguyên, Triều Đường trong thành nội” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong tác phẩm “Bản tường trình về Đàng Ngoài năm 1626” của một giáo sĩ người Ý tên là Giuliano Baldinotti đến Thăng Long khi ấy để xin triều đình cho truyền đạo, ông cũng nhắc đến tình trạng hỏa hoạn như sau: “Trong kinh thành có nhiều ao, vũng nước lớn, cho phép người ta có thể dập tắt ngay đám lửa khi nó cháy bén vào các nhà. Có nhiều đám cháy thiêu huỷ 5, 6 nghìn nóc nhà”.
Đến thời Nguyễn, tuy không còn là kinh đô nhưng Thăng Long vẫn là một trung tâm văn hóa, chính trị lớn chính vì vậy những sự kiện lớn xảy ra đều được sử sách nhắc đến. Về phần hỏa hoạn, có thể kể tới vụ cháy xảy ra vào ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (1828): “Cháy to, bắt đầu cháy từ phố Hàng Mũ, sau đến Kho Gạo, cháy lan vài trăm nhà, người và súc vật phần nhiều bị thương, đều cấp cho tiền tuất và vải trắng” (Quốc sử di biên). Gây thiệt hại rất lớn là vụ nhà xảy ra năm Đinh Dậu (1837), lửa lan khắp 27 phường ở Thăng Long, đốt cháy 1430 căn nhà gây rất nhiều thiệt hại gây chấn động cả nước, quan lại Bắc Thành khi đó phải dâng sớ xin chịu tội. Vua Minh Mạng đã lệnh cho Bộ Hộ chẩn cấp cho mỗi nhà 3 quan tiền 2 hộc thóc, người chết mỗi người 1 lạng bạc 1 tấm vải 2 quan tiền, người bị thương mỗi người 2 quan tiền, cấp thêm cho nhà đông người mỗi nhà 3 hộc thóc, nhà hạng trung 2 hộc, nhà hạng nhỏ 1 hộc thóc, đồng thời cũng cho truy xét kẻ gây hỏa hoạn để trị tội…
Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, từ thực tế quan sát, bậc danh y nổi tiếng này đã tổng kết nguyên nhân gây cháy, cách thức phòng chống bằng một bài thơ ngắn, trong đó có câu nhắc nhở như sau:
Phòng hỏa quan trọng vô cùng,
Giữ gìn cuộc sống, đề phòng hỏa thương.
Chính bởi những thiệt hại to lớn do hỏa hoạn gây ra, luật pháp phong kiến ngoài các quy định về phòng cháy còn có nhiều quy định liên quan đến chữa cháy và xử lý thủ phạm gây ra hỏa hoạn. Thí dụ trong “Quốc triều hình luật” (còn gọi là bộ luật Hồng Đức), tại điều 610 quy định: “Thấy lửa bốc cháy nên báo mà không báo, chạy đến cứu mà không làm thì xử tội nhẹ hơn kẻ gây hỏa hoạn hai bậc. Quan quân canh giữ cung điện, kho lẫm, coi tù đều không được rời vị trí đi cứu hỏa, trái luật thì đánh 80 trượng”.
Tại điều 617 quy định: “Ở kinh thành để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì bị phạt 80 trượng, nếu để cháy lan sang nhà người khác thì phạt 80 trượng và đem bêu riếu trước công chúng 3 ngày, phạt 10 quan tiền sung công; để cháy ở hương thôn thì giảm một bậc tội.
Trong cấm thành nếu làm cháy lan đến nhà tông miếu, cung điện và các kho tàng thì xử tội lưu... Thưởng cho người bắt kẻ gây hỏa hoạn như việc thưởng cho kẻ bắt được trộm cướp”.
Một văn bản pháp luật khác là “Lê triều hội điển” ở phần Hình thuộc có lệ phạt trượng đối với việc gây hỏa hoạn như sau: “Phàm các nơi phố xá, quân phòng trong kinh thành bị hỏa hoạn, tự làm cháy nhà mình, phạt 80 trượng. Làm cháy lây sang nhà người khác, phạt 80 trượng, chịu tội 3 ngày, phạt 10 quan tiền quý. Nếu bị kẻ gian phóng hỏa thì được xá tội”…
Đến thời Nguyễn, nhiều văn bản pháp luật được ban hành, quan trọng nhất là bộ “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là luật Gia Long) cũng có điều luật quy định có xử phạt tội gây hỏa hoạn. Mặt khác một số quy định có liên quan tiếp tục được ban hành, thí dụ vào tháng giêng năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng định lệ cấm trong việc phòng hỏa ở kinh thành, “người gây hỏa hoạn chỉ cháy nhà mình bị đánh 100 trượng, nếu cháy sang nhà khác thì bị phạt tù, đóng gông…”.
Thậm chí có một số trường hợp đích thân vua xử lý kẻ gây hỏa hoạn, thí dụ như câu chuyện về vua Khải Định. Sách "Khải Định chính yếu sơ tập" cho biết, tháng 6 năm Đinh Tị (1917) có viên quan giữ chức Thủ hộ Phó sứ tên là Hồng Ích để xảy ra hỏa hoạn, lửa cháy lan cả vào khu cấm nội, khi báo cáo lại cố ý gian dối giảm bớt thiệt hại. Sau khi tra xét lại, vua Khải Định đã ban lệnh giáng chức của Hồng Ích xuống 4 cấp, các viên quan chức có liên quan người thì bị giáng chức theo bậc khác nhau, người thì bị phạt bổng lộc, lại bị ghi lỗi vào lý lịch.
Lê Thái Dũng