Khi gặp hoạn nạn
Người đời có câu: " Cuộc đời là bọt nước. Chỉ có hai điều như đá tảng: tử tế khi người khác lâm nạn và can đảm trong hoạn nạn của chính mình".
Khi sóng yên biển lặng, xung quanh chúng ta có rất nhiều bạn bè người thân, tay bắt mặt mừng, vui cười thắm thiết, thế nhưng, khi gặp biến cố cuộc đời, liệu trong số bằng hữu ấy, bao nhiêu người có thể ở lại để đương đầu, nâng đỡ, dìu dắt ta qua sóng gió.
Chỉ có chính chúng ta, gia đình và những người bạn thân thật sự mới có thể vực ta dậy sau cơn hoạn nạn cuộc đời. Và cũng nhờ đó, ta mới nhìn thấu được lòng người ngay giả, ai quân tử, ai tiểu nhân, từ đó, học được cách "chọn bạn mà chơi".
Khi lâm bệnh nặng
Lúc còn trẻ, chúng ta có lợi thế về thời gian và sức khỏe, vì thế, đa phần không biết quý trọng, lao mình vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, sử dụng chất kích thích, bạc đãi chính cơ thể của mình. Hoặc cũng có thể, vì ham kiếm tiền, nên làm việc quá độ, khiến thể chất ngày càng suy nhược, đến khi lâm bệnh nặng, nằm trên giường bệnh, mới thấm thía sức khỏe quan trọng đến nhường nào.
Bạn không thể nào cảm thấy hạnh phúc với một cơ thể không khỏe mạnh. Dù tiền bạc, của cải, hay những thú vui kia có hấp dẫn thú vị như thế nào thì cũng chỉ toàn là vô nghĩa.
Vì thế, khi bệnh nặng, chính là lúc cuộc đời dạy bạn cách trân trọng sức khỏe – món quà vô giá của chính bản thân mình.
Khi về hưu
Khi ta ở đỉnh cao danh vọng, chức trọng quyền cao thì luôn được săn đón bởi biết bao nhiêu người. Nhưng một khi quyền lực đã không còn trong tay thì cục diện hoàn toàn thay đổi. Những kẻ xu nịnh trước kia, nay nhìn thấy ta cũng coi như không quen biết. Những người tưởng chừng như anh em thân thiết bỗng cũng hóa xa lạ, lạnh lùng.
Nhiều người sau khi về hưu mới có thời gian ngồi ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Tham gia công tác nhiều năm, vì ham chức ham quyền mà cấp trên chèn ép cấp dưới, vì muốn thăng quan tiến chức mà đồng nghiệp đấu đá lẫn nhau.
Thế nhưng, những thứ đạt được cũng chỉ là vật ngoài thân, người mất đi rồi cũng chẳng mang theo được. Dù là lãnh đạo hay nhân viên, cấp trên hay cấp dưới, đến cuối cùng chẳng phải cũng đều về hưu sao?
Sớm biết chẳng có gì khác nhau thì trước đây hà tất phải tranh đấu?
Hãy làm tốt việc của mình, đối xử chân thành với người khác, đó mới là việc nên làm. Hãy học cách sống khiêm nhường để không bị sự tự cao che mờ mắt, khiến ta trở nên ích kỷ và thiển cận.
Khi trút hơi thở cuối cùng
Trớ trêu thay, lâm chung là lúc con người trở nên thông suốt nhất. Cuộc đời này quá ngắn mà cũng quá dài. Mọi ân oán tình thù đều chỉ như mây khói, ta hà tất phải cố chấp với chúng mà không học cách buông bỏ? Khi đã hiểu được đạo lý ấy cũng là lúc con người có thể nhắm mắt xuôi tay, ra đi thanh thản.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep