Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chết không phải là mất đi

Google News

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nhiều lần nói về cái chết bằng con mắt bình thản và minh triết.

Thien su Thich Nhat Hanh: Chet khong phai la mat diKhoa học về cái chết
Là một người thầy tâm linh, một nhà truyền cảm hứng, một lãnh tụ tôn giáo, những giáo huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành kim chỉ nam sống cho biết bao thế hệ, bao con người ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, ở mọi quốc gia, châu lục.
Một trong những chủ đề được thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nhắc đến, trong các bài pháp thoại lẫn trong nhiều trang viết, chính là Sự Chết.
Với thiền sư, cái chết không đáng sợ, cũng không phải là mất đi. Cái chết chính là tiếp diễn của sự sống, là một phần của sự sống. Đó không chỉ là những lời dạy của Đức Phật từ trong kinh điển, đó còn là sự đúc kết của khoa học, là kinh nghiệm thực tiễn của bậc tu hành đắc đạo. Và, khi người ta đã hiểu rõ về bản chất của cái chết, người ta sẽ sống với một tâm thế bình thản vững vàng, đối mặt với cái chết ung dung, tĩnh tại.
Tại buổi vấn đáp với tăng thân diễn ra vào ngày 24/7/2012 tại xóm Thượng, Làng Mai trong khóa tu mùa hè, khi được hỏi, liệu sự sống có sau khi chết hay không, sư ông Làng Mai đã có một cuộc trả lời sâu sắc về sự sống và cái chết.
Theo sư ông, sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống.
Thiền sư chỉ ra rằng, các nhà sinh vật học khi quan sát cơ thể con người đã nhận thấy rằng cái sinh và cái diệt diễn ra đồng thời. Như vậy, có nghĩa ra, chúng ta đang sống, tồn tại, cũng là đang chết đi trong từng phút, từng giây, từng sát na mà ta tồn tại.
“Trong giây phút này đây, hàng ngàn tế bào trong cơ thể chúng ta đang chết đi. Khi ta gãi trên da như thế này thì nhiều tế bào khô rơi xuống, đó là những tế bào đã chết. Và rất nhiều tế bào chết đi trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Bởi vì chúng ta quá bận rộn nên chúng ta không nhận thấy điều đó thôi. Và nếu những tế bào đó chết cũng có nghĩa là chúng ta đang chết. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta còn lâu mới chết. Ta nghĩ rằng ta còn năm mươi hay bảy mươi năm nữa mới chết, nhưng điều đó không đúng. Cái chết không phải là một cái gì đang chờ đợi ta ở cuối con đường, mà nó đang diễn ra ngay trong giây phút này, ngay bây giờ và ở đây”.
Thiền sư cũng phân tích: “Nói một cách khoa học thì chúng ta có thể nhìn thấy cái sinh và cái diệt đang diễn ra trong giờ phút hiện tại, đó là sự thật. Bởi vì có những tế bào chết đi nên những tế bào mới được sinh ra và vì có những tế bào được sinh ra nên mới có những tế bào chết đi. Chúng nương vào nhau để biểu hiện. Do vậy, chúng ta đang kinh nghiệm sự sống và cái chết trong từng giây, từng phút. Đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ được sinh ra từ ngày tháng ghi trong giấy khai sinh, đó không phải là ngày sinh thật sự. Trước ngày giờ đó thì chúng ta đã có mặt rồi. Trước khi được thụ thai trong bào thai của mẹ thì chúng ta đã có mặt trong cha và mẹ của chúng ta dưới một hình tướng khác. Vì vậy mà có thể nói không có sinh, không có một điểm bắt đầu thực sự, và cũng không có kết thúc”.
“Không diệt không sinh đừng sợ hãi”
Không diệt không sinh đừng sợ hãi là tên một quyển sách nổi tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong quyển sách nay, một câu nói của sư ông đã trở thành câu nói “nằm lòng” của biết bao người: “Tự do muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt”.
Câu nói ấy, đã tóm gọn cả triết lý về cái chết và cách thức mà một bậc thiền sư đắc đạo đối diện với cái chết. Bới vì tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, bởi vì sinh và diệt luôn diễn ra đồng thời, chúng ta chưa sinh cũng chưa hề diệt, vậy thì, cái chết có gì mà đáng phải sợ hãi, đang làm cho người ta kinh hoàng?
Như thiền sư từng nói, trong Khóa tu mùa hè tại Làng Mai năm 2012, rằng khi chúng ta biết sinh và diệt luôn có mặt đồng thời với nhau thì chúng ta không còn sợ hãi cái chết. Bởi vì chính giây phút mà cái chết xảy ra thì sự sống cũng đồng thời sinh khởi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nếu ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng. Khi ta tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt thì ta không còn lo sợ cái chết.
Đó không chỉ là triết lý của đạo Bụt nói về không sinh không diệt, mà còn mang theo những chứng lý khoa học. Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên rằng, mỗi người cần sống đời sống của mình cho sâu sắc hơn để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt.
Khi thấy hiểu sự “không sinh không diệt”, không có nghĩa là cuộc đời trở nên vô vị, ta có thể coi thường sự chết và sự sống. Hiểu không sinh không diệt, là để yêu hơn sự sống, để sống không sợ hãi, thức tỉnh và hạnh phúc.
Và một bí quyết của hạnh phúc mà Sư ông luôn nói đến, trong tất cả những bài pháp thoại hay quyển sách của mình, xuyên suốt mọi triết lý mà Làng Mai đem đến cho đời, đó là “hạnh phúc trong thực tại”. Niềm hạnh phúc được yêu thương, trân trọng và biết ơn vạn vật quanh ta.
“Trái đất của chúng ta là hành tinh đẹp nhất trong hệ mặt trời. Chúng ta nên biết cách tận hưởng những bước chân của mình khi đi trên hành tinh xinh đẹp này, đó là đất Mẹ... Và chúng ta đang hạnh phúc tận hưởng sự có mặt của Mẹ. Mẹ của chúng ta đang có mặt ở bên ngoài và cả bên trong mỗi chúng ta. Khi đi dạo trên đồi, chúng ta có thể tận hưởng từng bước chân của mình, tận hưởng sự có mặt của chính mình và của đất Mẹ, người mẹ vô cùng xinh đẹp. Chúng ta cần đi như thế nào để trong mỗi bước chân, chúng ta có thể tiếp xúc với đất Mẹ một cách sâu sắc. Mỗi bước chân như vậy có thể trị liệu cho chính chúng ta và cho cả đất Mẹ”.
Không sợ hãi cái chết, không coi thường sự sống, hạnh phúc trong thực tại, ba điều ấy, nếu làm được, con người sẽ vững như bàn thạch, tự do như cơn gió, không ràng buộc sinh tử, không bị khổ ải đọa đầy.
Trong thông bạch Ngày Tiếp nối 2012, Sư ông từng ngỏ ý với tăng thân: “Hôm nay chúng ta hãy sống với nhau cho có hạnh phúc, hãy đi đứng, nói cười và tiếp xử với nhau cho có hạnh phúc thì đó mới chính là sự tiếp nối thực sự. Điều đó phải xảy ra từng ngày. Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả”.
Không có cái gì chết, không có gì mất đi cả. Hôm nay, 22/1/2022, tại đất mẹ, Sư ông Làng Mai viên tịch. Tất cả đệ tử của Sư ông, cả những người yêu kính và đang đi trên con đường mà Sư ông đã dạy, ở khắp năm châu, bốn bể, đều hiểu đây không phải là một sự mất mát, thương tâm. Hình hài phàm trần có thể về với cát bụi, nhưng triết lý sống minh triết và tinh thần Thích Nhất Hạnh vĩnh viễn ở lại với cuộc đời, thức tỉnh con người.
Theo Ngọc Mai/Pháp luật Việt Nam