Thiên Địa hội là gì và có liên hệ ra sao với Hội Tam Hoàng?

Google News

Là một hội kín thời Khang Hy, Trung Quốc, khi ấy Thiên Địa hội - hay Hồng Hoa hội (Hồng môn) hoặc Tam Điểm hội - được một nhóm nhà sư ở chùa Thiếu Lâm lập ra với mục đích "phản Thanh phục Minh"...

Bốn câu thơ nghe như trong truyện kiếm hiệp: "Tam điểm ám tàng cách mệnh tông. Nhập ngã Hồng môn mạc thống phong. Dưỡng thành nhuệ thế tùng cừu nhật. Thệ diệt Thanh triều nhất tảo không" lại chính là một đoạn bài "Tam Điểm cách mệnh thi", một bài thơ phản ánh đường lối hoạt động của tổ chức này…

Lịch sử Thiên Địa hội

Theo thời gian, cùng với những thiên tai, biến động chính trị ở Trung Hoa đại lục, các thành viên của Thiên Địa hội như những người tha hương khác, di cư đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do yếu tố địa lý, văn hóa, cộng với việc người Pháp cho tự do buôn bán, hút thuốc phiện nên Thiên Địa hội - sau này đổi tên thành Hội Tam Hoàng - nhanh chóng nhìn ra món lợi béo bở. Từ đó, một nhánh của Thiên Địa hội bắt đầu hình thành và cắm rễ - chủ yếu tại miền Nam Việt Nam.

Thien Dia hoi la gi va co lien he ra sao voi Hoi Tam Hoang?

Lễ cắt máu ăn thề của hội viên Tam Hoàng.

Khởi đầu, lúc mới thành lập ở Trung Quốc, về mặt tổ chức thì người đứng đầu Thiên Địa hội được gọi là Tổng đàn chủ. Dưới trướng Tổng đàn chủ có hai bộ phận là Tiền ngũ phòng và Hậu ngũ phòng, mỗi "phòng" chịu trách nhiệm một tỉnh, chẳng hạn như Nhất phòng ở Phúc Kiến, Nhị phòng ở Quảng Đông, Tam phòng ở Vân Nam, Tứ phòng ở Hồ Nam, Ngũ phòng ở Triết Giang. Ngoài ra còn 5 phân đàn nhỏ ở Cam Túc, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây.

Theo sự phân công của Tổng đàn chủ, Tiền ngũ phòng lo việc ngoại giao, kinh tài, trong đó "Hoạt vụ Phòng" chịu trách nhiệm ám sát các quan chức Mãn Thanh, phục kích những đoàn xe chở quân lương, vũ khí, còn Hậu ngũ phòng lo việc thông tin liên lạc, tuyển mộ người cùng các công tác hậu cần, phổ biến chủ trương, chính sách của Thiên Địa hội đến các "đàn". Nói là mỗi đàn phụ trách một tỉnh nhưng thật ra, đại đa số người thuộc Thiên Địa hội đều tập trung ở những thành phố lớn như Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu…

Đứng đầu mỗi đàn là Sơn chủ (hay còn gọi là Hoàng Long - Rồng vàng) và Phó sơn chủ. Dưới trướng Sơn chủ là Hương chủ lo về tổ chức, kết nạp hội viên. Dưới nữa có Hồng côn (gậy đỏ) thuộc ban võ, phụ trách lực lượng vũ trang; Bạch chỉ phiến (quạt chỉ trắng) thuộc ban văn, phụ trách việc tham mưu, lập kế hoạch; Thảo hài (giày cỏ) làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, trinh sát.

Thiên Địa hội thờ trời làm cha, thờ đất làm mẹ, lấy "phản Thanh phục Minh" làm tôn chỉ, lấy tinh thần "Đào viên kết nghĩa" làm nền tảng. Trên bàn thờ có bài vị của 5 người, gọi là "Hồng môn ngũ tổ", gồm Thái Đức Trung, Phương Đại Hồng, Mã Siêu Hưng, Hồ Đức Đế và Lý Thức Khai. Mật hiệu để những hội viên Thiên Địa hội nhận ra nhau là khi đưa tẩu thuốc mời nhau chẳng hạn, người đưa cầm bằng ngón cái và ngón trỏ, đưa cả hai tay, hai ngón cái hướng lên, nếu người nhận cũng nhận bằng hai tay, ép ngón cái của mình vào ngón cái của người đưa tẩu thuốc thì đúng là người trong hội.

Còn nếu mời uống trà thì người mời dùng ngón cái và ngón trỏ cầm ngang miệng chén, ngón giữa chạm vào đáy chén, nếu người kia cũng nâng chén như vậy thì đó chính là đồng hội, hoặc khi mời ăn, người mời đặt đôi đũa nằm ngang trên mấy đầu ngón tay xoè ra để mời, nếu khách chưa nhận đũa ngay mà đẩy bát ra xa thì ắt là hội viên chính hiệu.

Khi Cách mạng Tân Hợi (10/10/1911) nổ ra rồi ngày 12/2/1912, hoàng đế Mãn Thanh thoái vị thì sứ mệnh chính trị của Thiên Địa hội xem như đã hoàn tất. Tuy nhiên, các bang hội sinh ra từ Thiên Địa hội hoặc chịu ảnh hưởng của nó vẫn tồn tại với hệ thống tổ chức rất quy mô, chặt chẽ, chỉ có điều là mục tiêu lúc này không còn là "phản Thanh phục Minh" nữa, mà đơn thuần là những băng nhóm xã hội đen, coi việc kiếm tiền bằng cách buôn ma túy, tổ chức sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện, bảo kê, giết mướn là ưu tiên hàng đầu.

Một trong những băng nhóm nổi tiếng nhất, thoát thai từ Thiên Địa hội là băng 14K. Khởi đầu, nó mang tên "Hội Hồng Môn trung nghĩa", sáng lập bởi một viên tướng thuộc Quốc dân đảng Trung Quốc là Cát Triệu Hoàng. Năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giải phóng đại lục, Hồng Môn trung nghĩa chạy sang Hồng Kông rồi đổi tên là 14K.

Một số tài liệu cho rằng khi chạy sang Hồng Kông rồi tập hợp lại, Hội Hồng Môn trung nghĩa chỉ gồm 14 người và đều là người của Quốc dân đảng nên nó được đặt tên là 14K. Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu khác khẳng định 14 là số nhà, nơi đặt tổng hành dinh cũ của Hồng Môn trung nghĩa ở đường Bảo Hoa, TP Quảng Châu, còn chữ "K" là Kuomintang - nghĩa là Quốc dân đảng.

Cùng với 14K, các băng nhóm khác như Thanh hội, Hòa Thắng Hòa, Hòa Hợp Đào cũng lần lượt ra đời rồi trở thành 4 nhóm xã hội đen lớn nhất ở Hồng Kông (gọi là tứ đại hắc bang), trong đó 14K được xem là mạnh nhất. Đầu những năm 50 của thế kỷ 20, 14K bành trướng sang Macao, Đài Loan và các khu vực khác trên thế giới như Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia và Đông Nam Á… Nó có liên hệ mật thiết với nhóm Yamaguchi-gumi ở Nhật Bản, với Trúc Liên bang, Tứ Hải bang ở Đài Loan, nhóm Hoa Thanh ở Mỹ và Hội Tứ ở Đông Nam Á…

Năm 1952, xảy ra cuộc chiến giành lãnh địa giữa Thanh hội và Hòa Thắng Hòa, Hòa Hợp Đào. Khi ấy, 14K áp dụng chiến lược "ngọa sơn quan hổ đấu" - ngồi trên núi xem cọp đánh nhau. Kết quả Thanh hội bị xóa sổ còn Hòa Thắng Hòa, Hòa Hợp Đào cũng bươu đầu sứt trán nên thế lực của 14K cũng vì vậy mà mạnh hơn, nhất là sau lưng nó có một số nhân vật trong Quốc dân đảng đỡ đầu.

Thien Dia hoi la gi va co lien he ra sao voi Hoi Tam Hoang?-Hinh-2

Một thành viên của tổ chức 14K.

Theo tài liệu thuộc địa lưu trữ của chính quyền Anh quốc, cuối những năm 80 của thế kỷ 19, số lượng thành viên Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông lên đến gần 20.000 người, có mặt trong khắp các lĩnh vực, từ một nhân viên thuộc một cơ quan hành chính nào đó hay một viên chức tòa án, thậm chí còn là cảnh sát. Cũng vào thời điểm này, Trung Quốc đại lục rơi vào cảnh thiên tai, loạn lạc nên nhiều người bỏ sang Hồng Kông, làm nghề khuân vác, bốc xếp, thồ hàng hoặc kéo xe ở các bến tàu, trên đường phố để mong tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở nơi đất khách quê người, họ cũng cần một tổ chức đứng ra bảo vệ cho quyền lợi cho mình nên vì vậy, họ tình nguyện gia nhập Hội Tam Hoàng. Trong cuốn sách "Giai thoại Hồng Kông", tác giả Lu Yan viết: "Thời kỳ đầu, Hội Tam Hoàng là tổ chức đầu tiên đoàn kết mọi người lại với nhau và mục đích là giới thiệu việc làm cho người nhập cư. Khi trở thành hội viên của Hội, họ sẽ được hội bố trí địa bàn làm việc. Đổi lại, mỗi tháng họ tự nguyện trích một phần từ đồng lương ít ỏi của mình, nộp cho Hội, gọi là "hội phí".

Đứng trước làn sóng nhập cư ồ ạt, chính quyền Hồng Kông không thể kịp thời cung cấp điện, nước và các dịch vụ công cộng khác. Lợi dụng cơ hội này, Hội Tam Hoàng đã cho xây các trạm cấp điện, cấp nước, mạng lưới xe khách, nhà hộ sinh tư để thu lợi. Chẳng những không phản đối, người nhập cư còn mong được đóng tiền để sử dụng các dịch vụ của Hội Tam Hoàng. Đối với họ, nộp phí cho Hội Tam Hoàng đồng nghĩa với việc họ được công nhận là "người của Hội", và được Hội bảo vệ.

Thien Dia hoi la gi va co lien he ra sao voi Hoi Tam Hoang?-Hinh-3

Để chứng tỏ mình là Hội Tam Hoàng, Sun Yee On không ngần ngại kéo áo lên khoe hình xăm trong một quán ăn.

Dần dà, từ việc thu tiền tự nguyện của dân nhập cư, Hội Tam Hoàng chuyển sang hình thức dùng bạo lực để bắt ép người dân - nhất là những người ăn nên làm ra - hằng tháng phải nộp một khoản tiền, gọi là tiền bảo kê. Với số tiền này, Tam Hoàng đầu tư vào các nhà chứa gái, sòng bạc, các tiệm hút thuốc phiện…

Và mặc dù chính quyền Hồng Kông nhận ra sự lũng đoạn của Hội Tam Hoàng nhưng cảnh sát lại không thể quét sạch tổ chức này vì thế lực của Tam Hoàng đã bám rễ vào sâu trong nhiều tầng lớp xã hội. Nó gắn liền với kế sinh nhai của quá nhiều người nên việc họ chủ động khai báo với cảnh sát về những "hoạt động đen" của Hội là việc không tưởng!

Năm 1955, K. Hawins, một viên chức thuộc Phòng Nội vụ người Hoa ở Hồng Kông đã viết trong một báo cáo nội bộ: "Có thể nói, Hội Tam Hoàng đã gây tổn hại lớn cho xã hội Hong Kong. Hành vi tống tiền diễn ra công khai ở khắp mọi nơi và ngày càng nhiều người trở thành mục tiêu của băng nhóm này. Rất nhiều người di cư đến Hồng Kông phải sống trong những điều kiện dưới mức cơ bản nhưng rất khó động viên họ tham gia chiến dịch bài trừ Hội Tam Hoàng vì họ sợ trả thù. Trong khi đó, một số cảnh sát biến chất còn bắt tay với Hội Tam Hoàng, thông tin cho Hội những kế hoạch triệt hạ xã hội đen của chính quyền để hằng tháng nhận tiền "hụi chết".

Ngày 10/10/1956, tại Cửu Long (Kowloon) và một số khu vực khác ở Hồng Kông xảy ra bạo loạn, có sự tham gia tích cực của Hội Tam Hoàng. Vì vậy, ngay sau khi dập tắt cuộc bạo loạn, chính quyền Hồng Kông đã đề ra những chính sách đặc biệt và thành lập một ủy ban điều tra nhằm trấn áp Hội Tam Hoàng. Trong vòng 10 năm từ 1956 đến 1966, hơn 10.000 thành viên Tam Hoàng bị bắt, buộc tội, truy tố. Thế nhưng, tự mãn với những thành tích đã đạt được, chính quyền Hồng Kông thẳng tay cắt giảm chi phí cho công tác trấn áp nên Hội Tam Hoàng vẫn sống sót.

Tuy nhiên, đó là những chuyện xảy ra ở xứ người. Còn bây giờ, chúng ta hãy quay lại với Thiên Địa hội ở Việt Nam.

Thiên Địa hội ở Việt Nam

Như chúng tôi đã nói ở phần trên, trong số những di dân Trung Quốc bỏ xứ ra đi tìm miền đất mới thì nhiều người là thành viên của Thiên Địa hội. Theo tài liệu của Sở mật thám Đông Dương, dưới thời Pháp thuộc, những năm từ 1914 đến 1918 - là giai đoạn diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất - ở miền Nam Việt Nam (người Pháp gọi là Nam Kỳ) có khoảng 70 đến 80 "hội kín". Mục đích chủ yếu của những hội này là chống Pháp, chống đám quan lại tàn bạo, tham ô, chống sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá…

Hầu hết những "hội kín" đều sử dụng tôn giáo và phép thuật để chiêu mộ hội viên. Một báo cáo của Văn phòng mật thám Nam Kỳ viết: "Họ - tức các hội kín - tổ chức cắt ngón tay lấy máu pha rượu, uống để thề trung thành. Có hội phát cho mỗi hội viên một lá bùa với lời tuyên truyền "gươm đâm không thủng, đạn bắn không xuyên".

Có hội cầm đầu bởi một thầy pháp (thầy cúng)… Họ có những dấu hiệu riêng để nhận ra nhau. Trong liên lạc, họ dùng tiếng lóng và những đám giỗ, đám cưới, đám ma là bức bình phong che giấu những cuộc họp. Những địa phương có nhiều hội kín nhất ở Nam Kỳ là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Bạc Liêu, Châu Đốc, Long Xuyên...".

Không thể đứng ngoài những "hội kín" ấy, Thiên Địa hội vào cuộc. Đầu tiên, họ nhắm đến những người đánh xe ngựa (xe thổ mộ) - là phương tiện giao thông chủ yếu ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Để thống lĩnh ngành vận tải thô sơ này, những người cầm đầu Thiên Địa hội tại Sài Gòn lập ra "Hội Vạn Xe", căn cứ đặt ngay bến Bình Đông (nay thuộc quận 8), là nơi ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở nông sản thực phẩm, hoa quả lên cung cấp cho các chợ đầu mối ở Sài Gòn…

Theo Công an Nhân dân