Duyên nghề và nghiệp “cày cuốc”
Sinh ra ở Hà Nội (năm 1941), được học ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh) từ nhỏ, nhưng thầy Nguyễn Quốc Hùng hồi trẻ chưa nghĩ đến việc làm chủ tiếng Anh, không nghĩ mình sẽ trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh mà chỉ thích làm kỹ sư địa chất, cầm đàn guitar đi trong rừng hát vang Sơn nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn.
Sau này đi dạy cấp II ở tỉnh Cao Bằng ba năm, ông mới đam mê ngoại ngữ, lôi sách ngoại văn ra đọc.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng học tại Đại học Sư phạm Cầu Giấy, Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoa Ngữ Văn), tại Ấn Độ (chuyên ngành Âm vị học), tại Anh (chuyên ngành Thiết kế chương trình dạy ngoại ngữ bằng media).
Giai đoạn 1992-2011, ông tập trung tổ chức các chương trình dạy tiếng Anh trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), như People You Meet, Muzzy in Gondoland, Muzzy Comes Back, Sing to Learn… Năm 1994, ông bắt đầu hợp tác với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), xây dựng các chương trình dạy tiếng Anh cho nhiều đối tượng khác nhau. Ông đã biên soạn gần 100 bộ sách phục vụ giảng dạy và học tập tiếng Anh; xây dựng hàng nghìn bài phát trên VTV và VOV. Các chương trình, bài giảng được ông thiết kế đều có một điểm chung là đơn giản, dễ hiểu, sinh động.
|
Cuốn sách 'Thày giáo làng'. |
Thày giáo làng được nhóm tác giả Phạm Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Quang, Trần Văn Sơn tuyển chọn từ hàng trăm, hàng ngàn bài viết về người thầy giáo nổi tiếng, giúp độc giả hiểu thêm về cuộc sống và tâm huyết cho ngành giáo dục của ông.
Trong lời mở đầu cuốn sách, anh Trần Văn Sơn (cựu sinh viên tiếng Anh, thành viên nhóm tuyển chọn) viết: “Thầy kiên định với con đường sự nghiệp của một ông giáo làng, đến mức sẵn sàng từ bỏ cơ hội phát triển trong lĩnh vực dịch thuật hay ngôn ngữ học, hai ngã rẽ rất sáng giữa ngã ba đường không phải vì thầy không thấy tương lai của bản thân trong những lĩnh vực ấy mà là vì tương lai ấy không có những giờ lên lớp thầy say mê, không có hình bóng của những thế hệ học trò thầy thương mến. Phải chăng đó là lý do mà người ta chưa bao giờ thống kê được có tất thảy bao nhiêu người tự hào xưng danh học trò thầy Hùng, dù học chính quy hay qua màn ảnh nhỏ…”.
|
Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng. |
Học tiếng Anh như học bơi
Thầy giáo Hùng nói rằng, học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không đúng phương pháp khoa học thì bơi chóng mệt, sớm đuối sức mà không thể bơi xa được. Theo ông, để học tiếng Anh giỏi, cần sự ham thích, đam mê; không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nhưng nên học đều đặn hằng ngày, để hình thành thói quen, để đạt hiệu quả.
“Có hiệu quả tức là đạt được yêu cầu của mình trong thời gian ngắn nhất”, ông nói. Còn đam mê học tiếng Anh phải như đam mê người yêu. “Chọn cho mình một thói quen làm việc thường xuyên với nó. Để mỗi ngày không gặp nó là cảm thấy áy náy như lỡ hẹn với người yêu vậy”.
Trong cuốn Thày giáo làng, ông Nguyễn Huy An (nguyên Trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Bộ Y tế), một trong vô số học trò của thầy Hùng kể rằng thầy có nhiều cách dạy rất hiệu quả, trong đó có cách nghe, cách dịch. “Thầy rất nhiều lần ‘mắng’: Anh bỏ cái thói quen nghĩ từ tiếng Việt rồi chuyển tải sang tiếng Anh, tức là trong bất kỳ tình huống gì cũng phải nghĩ bằng tiếng Anh, chứ nghĩ bằng tiếng Việt rồi mới dịch sang tiếng Anh thì chậm mất”.
Thầy còn nói là: Anh phiên dịch đừng để vì một từ mà mất cả câu, đừng để vì một câu mà mất cả đoạn, tức là phải cố mà tìm cách diễn đạt từ ngữ, miễn là ý nghĩa của câu đó không bị sai lệch.
Dạy một mình ông An trong 4 tháng nhưng thầy Hùng không lấy một đồng học phí. Thầy bảo: “Bây giờ còn nghèo anh cứ học đi. Anh đi nước ngoài được, đó là phần thưởng quý giá nhất anh dành cho tôi rồi. Từ giờ trở đi đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tiền nong đối với tôi nữa”.
Một số học trò người lớn khác cũng khiến thầy Hùng nhớ mãi, không phải vì công thành danh toại mà vì phẩm chất đạo đức, phong cách sống. “Một anh học sinh gọi điện cho tôi bảo là em muốn đến thăm thầy, chia tay thầy em được đi học nước ngoài. Anh ấy nói là chuyến đi này em không phải chạy vạy ai, không phải chạy cửa trước cửa sau… Một anh học trò khác, anh ấy ra trường mươi mười lăm nay mà không có liên hệ gì với tôi cả… Có một hôm, anh gọi điện cho tôi, anh ấy hẹn đến thăm thầy làm tôi rất cảm động vì anh ấy được giải nhất về dịch thuật, anh nhớ đến tôi, người dạy anh ấy bài dịch đầu tiên”, thầy Hùng tâm sự.
Thầy Hùng cũng có tình cảm sâu đậm với học sinh phổ thông, nhất là giai đoạn ông dạy học ở Cao Bằng. “Học sinh rất là thật thà. Các em học sinh của tôi mà học kém thì nó khóc, nó xấu hổ với bạn, xin về làm ruộng, chứ không có chuyện xin điểm hay là mang quà đến xin thày cho em lên lớp. Không hề có”.
Về giáo dục con cái nói riêng, trẻ em nói chung, thầy Hùng quan niệm giáo dục con trẻ là chuyện hằng ngày, lặp đi lặp lại, chứ không phải một lần cho mãi mãi. Người lớn vừa dạy dỗ vừa phải làm gương như hành xử theo chuẩn mực chung của xã hội, khen không quá lố, chê vừa đủ, tôn trọng người khác…
Tất cả những thông tin thú vị kể trên chỉ là một phần nhỏ trong cuốn sách Thầy giáo làng (Tuyển các bài viết về thầy Nguyễn Quốc Hùng, MA) do NXB Văn học phát hành.
Ngoài ra, thông qua tác phẩm này, độc giả có thể dễ dàng tra cứu tủ sách đa dạng từ sách dạy tiếng Anh sử dụng công nghệ giáo dục, các bài giảng phát sóng trên VTV2 và VOV đến những tác phẩm văn học, thơ ca lãng mạn của thầy Nguyễn Quốc Hùng.
Nguyễn Quốc Hùng MA là chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam. MA là viết tắt của từ “Master of Arts” - Thạc sĩ, trùng với khóa học trên đại học mà ông được đào tạo – dạy tiếng Anh bằng media (phương tiện thông tin đại chúng).
Thầy Nguyễn Quốc Hùng có 34 năm giảng dạy, công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (từng là Phó Hiệu trưởng), 25 năm xây dựng, phát triển các chương trình tiếng Anh trên truyền hình VTV2 (từ năm 1986 đến 2011) và 20 năm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (từ năm 1994 đến nay). Ông là giảng viên đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước cử sang Anh để được đào tạo bài bản về dạy tiếng Anh qua phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Linh Đan/Vietnamnet