Ỷ thiên đồ long ký còn được dịch ra tiếng Việt là Cô gái Đồ Long, là một tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Đây là cuốn cuối cùng trong bộ tiểu thuyết Xạ điêu tam khúc (gồm: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp và Ỷ thiên đồ long ký).
Trương Vô Kỵ.
Bối cảnh Ỷ thiên đồ long ký là vào cuối thời nhà Nguyên, 80 năm sau sự kiện trên đỉnh Hoa Sơn trong Thần điêu đại hiệp, lúc này nhà Nguyên đang bị suy yếu bởi các cuộc khởi nghĩa và vì sự xa hoa lãng phí của triều đình. Truyện xoay quanh Trương Vô Kỵ và mối tình phức tạp với 4 cô gái, bên cạnh đó là những âm mưu thủ đoạn đầy máu tanh trên giang hồ nhằm chiếm đoạt hai món báu vật là Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm, với lời đồn nếu tìm được bí mật trong đao kiếm sẽ hiệu triệu được thiên hạ.
Năm xưa khi quân Mông Cổ vây đánh thành Tương Dương, Hoàng Dung thấy thế quân quá lớn biết rằng không thể giữ được thành, vì không muốn võ công và binh pháp của Quách Tĩnh bị thất truyền lại mong muốn sau này hậu thế có thể dùng những công phu tuyệt luân đó đánh đuổi quân thù nên đã rèn hai món bảo vật là Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao rồi đem bí kíp giấu vào trong đó. Ỷ thiên kiếm giấu bí kíp Cửu âm chân kinh. Trong Đồ long đao giấu bộ Vũ Mục di thư.
Tuy nhiên, trong Ỷ thiên đồ long ký không chỉ có Đồ long đao và Ỷ thiên kiếm mà Thánh hoả lệnh cũng là một thần binh ẩn chứa bí kíp võ công thượng thừa.
Thánh hoả lệnh là bảo vật của Minh giáo Ba Tư, trên Thánh hoả lệnh có khắc bí kíp nội công thượng thừa được người đời gọi là Thánh hỏa lệnh thần công. Khác biệt hoàn toàn so với các môn phái trên Võ lâm trung nguyên thời bấy giờ, võ công đệ tử Minh giáo được tu luyện cũng có chiêu thức rất thần bí, có tính thiên biến vạn hóa, khiến đối phương khi giao đấu đều không dễ nắm bắt được.
Minh giáo thờ thần lửa, giáo chúng Minh giáo đời đời tôn thờ Thánh hỏa lệnh, ai có được Thánh hoả lệnh sẽ được phong làm giáo chủ, 6 tấm Thánh hỏa lệnh bắt nguồn từ Ba Tư, do một đại cao nhân tuyệt thế dùng bạch kim, thép, kim cương, và đá mặt trăng luyện thành, cứng rắn vô cùng, tung lên dường như có ngọn lửa bao quanh, màu sắc biến ảo. Trên đó khắc những tinh yếu võ học để tu luyện nội công của ông.
Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, sau khi các sứ giả Minh giáo Ba Tư xuất hiện, Trương Vô Kỵ đánh nhưng không thắng nổi, Triệu Mẫn xả thân cứu Vô Kỵ nên cũng bị trọng thương. Cả bốn người chạy ra thuyền trốn khỏi đảo, lúc này Chu cô nương và Tiểu Chiêu vẫn còn ở trên thuyền. Trên thuyền Tạ Tốn kể về thân thế của Kim Hoa bà bà, vốn ngày xưa là một thánh nữ của Minh giáo Ba Tư, sang Trung Nguyên để lập công để chuẩn bị lên ngôi giáo chủ. Thế nhưng bà lại kết hôn với một người Hán (Hàn Thiên Diệp) nên bây giờ Minh giáo Ba Tư muốn sang tìm bắt bà ta về thiêu sống. Ông khuyên Trương Vô Kỵ nên quay lại cứu bà bà.
Nhờ có Tiểu Chiêu dịch chữ Ba Tư trên Thánh hỏa lệnh nên Trương Vô Kỵ đã học thêm được nhiều loại võ công Ba Tư trong Thánh hỏa lệnh, giúp Trương Vô Kỵ thắng được các sứ giả Minh giáo Ba Tư về võ công nhưng lại thua họ về mưu kế. Tiểu Chiêu (thật ra là con gái của Kim Hoa bà bà và Ngân Diệp tiên sinh) buộc phải chịu nạp mình để trở thành thánh nữ của Minh giáo Ba Tư.
Theo Quốc Tiệp/ Người Đưa Tin