|
Hình minh họa. |
Quanh tục thờ cúng ma kỳ lạ
“Ma sàn ở vùng cao có thể hiểu là những vong linh vất vưởng, không chốn nương thân và không có ai thờ cúng. Những vong linh này được gia chủ gom lại và thờ cúng ở một ban thờ đặt ngoài trời, thường là trước cửa nhà…” - đó là lời mở đầu câu chuyện về ma sàn của thầy mo Long Văn Lê, một thầy phép có tiếng của vùng sơn cước xứ Lạng.
Theo như lời kể của thầy mo Lê, ở xứ Lạng có nhiều loại ma được thờ cúng như “ma gà”, “ma xó”, “ma sàn”,… tất cả chúng được thờ song song với phong tục cúng giỗ tổ tiên. Thế nhưng, khác với việc nuôi và thờ “ma gà” hay “ma xó” gia chủ luôn phải giấu kín với mọi người xung quanh, và bị sự kỳ thị xa lánh của người trong bản, thì việc thờ cúng ma sàn lại được diễn ra công khai và cũng không phải nhận sự kỳ thị của cộng đồng.
Nói cách khác, mục đích của việc thờ cúng ma sàn là tương đối tích cực, mang tính chất thiện nguyện là để những vong linh vất vưởng giúp gia chủ bảo vệ nhà cửa, mùa màng… tuyệt không làm hại đến người.
“Nhưng nếu không thờ cúng đúng cách thì ma sàn sẽ quay lại hại chính người thờ cúng nó” – Thầy mo Lê cảnh báo. Cũng theo lời thầy mo này, việc thờ cúng ma có nguồn gốc từ xa xưa, nhưng có điều kiêng kỵ bất thành văn đó là những gia đình nào đã lập thờ ma sàn thì con cháu đời đời phải thờ bái, không được bỏ hoang lạnh. Thậm chí, khi con cháu trong gia đình có thờ cúng loài ma đó lớn lên rồi lập gia đình, ra ở riêng cũng phải tiếp tục lập ban thờ để cúng.
|
Thầy mo Long Văn Lê đang kể chuyện về ma sàn. |
Nói sâu hơn về nguồn gốc, tên gọi của ma sàn, thầy mo Lê quả quyết: “Do ngày xưa các cụ thường lập bàn thờ bằng tre nứa, hoặc bằng gỗ, tạo thành một cái sàn nhỏ trước nhà, việc thờ cúng những vong linh tha phương ấy đều diễn ra trên cái sàn đó, nên dần dân gian quen gọi là ma sàn. Và cái tên cho loài ma này cũng bắt nguồn từ đó”.
Theo tìm hiểu, nghi thức và bàn thờ cúng ma sàn của mỗi dòng họ cũng có sự khác biệt nhau. Chẳng hạn như, dòng họ Long của thầy mo Lê cũng có thờ ma sàn. Ban thờ ma sàn của dòng họ Long được gọi là “Sàn hộ lộc”, thờ cúng chúa sơn lâm để bảo vệ gia đình khỏi tai ương, ma quỷ từ bên ngoài xâm hại, bảo vệ mùa màng khỏi bị mất cắp.
Ban thờ “Sàn hộ lộc” thì lễ vật để thờ cúng cao nhất là một con lợn. Ngoài ra còn bàn thờ “Sàn an phủ”, cũng cùng mục đích như thờ “Sàn hộ lộc”, nhưng lễ vật cúng cao nhất là một con bò. Lễ cúng ma Sàn của các gia đình thường vào các ngày 1/1, 3/3, 6/6, 9/9, 10/10 âm lịch hàng năm.
Ngoài những ngày lễ tết âm lịch, các gia đình thờ cúng ma còn phải đặc biệt chú ý thờ cúng vào những ngày gia đình có công việc hiếu hỷ, ma chay. Đặc biệt hơn cả, trong thờ cúng ma có điều lưu ý kỳ lạ là khi gia chủ giết thịt một con vật nào đó, họ đều phải mang đến bàn thờ ma để cúng. “Cúng từ con gà đến mổ lợn, mổ trâu, nếu không làm vậy sẽ bị ma quở trách, có khi còn làm cho người nhà bị ốm đau bệnh tật” – Thầy mo Lê chia sẻ.
Những câu chuyện ma mị
Có thể coi việc thờ cúng ma sàn là một nét tín ngưỡng văn hóa nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, với mục đích bảo vệ gia đình dòng họ khỏi những tại ương, ma quỷ và bảo vệ của cải và mùa màng khỏi dịch bệnh, trộm cắp. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít những người cuồng tín một cách dị đoan, những thầy mo, thầy cúng lợi dụng việc buôn thần bán thánh, dựng lên những câu chuyện mộng mỵ nhằm chuộc lợi cho bản thân.
Và không ít những câu chuyện về ma sàn đã được lưu truyền trong dân gian, nhuốm đầy màu sắc ma quỷ như vậy. Tất cả chúng mỗi lần được kể ra đều khiến nhiều người nghe phải rùng mình..
Theo như lời kể của cụ bà Hoàng Thị Ỏi, một cao niên ở vùng rừng núi Hữu Liên – Lạng sơn, việc thờ cúng ma sàn phải rất cẩn thận, vì đây là loài ma ngoài, chúng sẵn sàng “vật chết” người thờ cúng, chứ không hiền như ma nhà, tổ tiên có gì không hài lòng thì chỉ trách mắng qua loa.
|
Bàn thờ ma Sàn thường được các gia đình đặt ở trước cửa. |
Minh chứng cho điều này, cụ Ỏi kể lại một câu chuyện xảy ra từ thời cụ còn là con gái: “Lúc đó vùng Hữu Liên này còn hoang vắng lắm, dân cư thưa thớt, rừng núi thì bao la, mà trên rừng thì nhiều thú dữ lắm, đi lên rừng phải có 2,3 người mới dám đi.
Người dân ở vùng này chủ yếu là người Tày, Nùng, và người Dao, ba dân tộc này sống đan xen lẫn nhau và đều có phong tục thờ cúng ma sàn. Trong vùng có một gia đình người Dao thờ cúng ma sàn, vào một buổi chiều khi vừa thu hoạch mùa màng trên rẫy xong, anh con trai của gia đình cộng thêm mấy anh trai bản nữa về nhà uống rượu, mừng cho một vụ mùa bội thu.
Anh mổ gà mời khách, nhưng lại quên không cúng ma trước, đến khi đang vui vẻ thì chủ nhà bỗng lên cơn đau bụng dữ dội, nằm kêu la giữa mâm rượu. Mọi người kinh hãi, hoảng loạn đi tìm thuốc và mời thầy lang về chữa bệnh, nhưng hết thầy này đến thầy khác đều lắc đầu bỏ đi vì không tìm ra bệnh gì.
Chỉ sau đó mấy ngày anh thanh niên này trở nên ốm yếu bởi những cơn điên dại hành hạ, sau khi tìm hiểu và biết được sự tình, gia đình đã đi mời thầy mo về cúng tạ lỗi với ma sàn thì mọi chuyện mới yên ổn, anh chủ nhà mới dần hồi phục”.
Anh Sầm Văn Hè, dân tộc Nùng ở xã Thanh Sơn chia sẻ: “Ở vùng này nhiều gia đình thờ cúng ma sàn lắm, nhà mình cũng có thờ. Mình cũng chỉ nghe qua lời kể của ông bà, bố mẹ là thờ ma để bảo vệ gia đình khỏi ma quỷ và của cải khỏi bị trộm cắp thôi. Còn việc thờ cúng giờ cũng đơn giản hơn các cụ ngày xưa nhiều rồi, nhưng có những luật tục thì không thể bỏ được, ví như nhà có khách quý đến chơi, muốn giết gà, vịt đãi khách thì khi mổ xong phải mang cúng bàn thờ ma sàn trước sau đó mới được mang đi chế biến.
Hay như nhà có con lợn nuôi lớn mà bán thì cũng phải mang cúng ma sàn, đợi đến khi cháy hết nửa tuần hương thì thương lái mới được mang đi. Mình là người vô thần, nhưng các cụ bảo có thờ có thiêng, có kiêng có lành, với lại việc thờ cúng này cũng nhằm mang lại những điều tốt cho gia đình, và không ảnh hưởng đến ai, nhất là làng xóm láng giềng”.
Trao đổi với phóng viên, anh Ma Văn Tiền, cán bộ văn hóa xã Tân Lập – Hữu Lũng cho biết: Việc thờ cúng ma sàn là một nét văn hóa mang tính bản địa của các đồng bào dân tộc ở xứ Lạng. Nhưng do trình độ dân trí còn thấp, các thầy mo, thầy cúng lợi dụng điều này để tung ra những câu chuyện ma quỷ nhằm trục lợi.
Cán bộ văn hóa và chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những tư tưởng văn hóa mới, tiến bộ tới đồng bào nhưng phải thừa nhận là những những hủ tục bao đời nay ăn sâu vào tâm thức của họ không dễ gì xóa bỏ trong thời gian ngắn.
Theo Pháp luật Việt Nam