Trái thị với người Hà Nội
Mấy năm nay những trái thị bỗng "tái xuất giang hồ" khiến người nghiện thị như tôi mừng húm – bà Vũ Thị Tuyết Nhung, một người Hà Nội chính gốc chia sẻ.
Cả tuổi thơ của bà Vũ Thị Tuyết Nhung nằm trọn trong thời bao cấp. Hồi ấy thị trên phố bán mớ, bán túm, bán cành giá rẻ lắm. Mỗi mùa thị mẹ bà lại mua về cho đám con gái mỗi đứa 1 trái bỏ túi đan lủng lẳng trên tay.
Vào lớp bà để túi thị trên bàn học, có hôm bọn con trai nghịch lấy ném nhau be bét làm bà bật khóc vì tiếc "nàng Tấm thơm".
Lấy chồng, sinh con… hương thị vẫn đeo đẳng. Mùa thị bà thường mua cả mớ, về sắp một đĩa thị dâng trên ban thờ gia tiên. Tiếp đó bà chia thị vào những rổ nhỏ xíu, đặt ở bàn làm việc, phòng khách, phòng ngủ.
Còn đem một rổ thị đến đặt ở bàn làm việc cơ quan để ai đi qua hít hà rồi nhón một vài quả đem về chỗ ngồi để cả phòng thơm mùi thị.
Mỗi mùa thị về mẹ vẫn mua cho đám con gái mỗi đứa 1 quả thị để đan túi đeo lủng lẳng trên tay. Ảnh internet.
Thường cứ qua Tết Đoan Ngọ ít lâu thì chợ lác đác có thị. Những trái thị vàng hanh hanh như màu nắng sớm.
Mỗi khi đi họp, hay đi công tác, dù ngồi bàn hội nghị hay ngồi trên xe ô tô bà Nhung đều mang theo quả thị áp vào mũi… thành nghiện. Có lần nhãng đi để thị giập nát trong túi nhoe nhoét mà vẫn không chừa "nghiện thị".
Quả thị chín vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch. Ngày nhỏ bà ngoại của bà bảo: "Cứ thị lên là mít sượng, đừng ăn mít nữa".
Một thời thị bán theo cân, giờ thì nhiều hàng bán theo quả, cứ 5.000 – 10.000 đ/quả, dù quả to hay nhỏ cũng bán đồng giá.
Có 2 loại trái thị: Thị gộc (thị muộn) hình cầu, to và tròn xoe. Loại nhỏ, hơi dẹt gọi là thị sáp. Trái thị to thô mà ít thơm. Trái thị sáp nhỏ, dèn dẹt chơi thích hơn.
Mẹ bà Nhung thì dạy phải chọn trái thị meo méo mới ít hột và ngọt thơm. Rồi mẹ đọc câu tục ngữ chọn quả: "Hồng tròn, thị vẹo, khế còng queo" mới ngon. Trẻ nhỏ xưa vừa chơi vừa ngửi thị, vừa mân mê bóp nặn tới chín mềm như trái vú sữa thì tách một lỗ nhỏ trên vỏ quả thị rồi ghé miệng mút chùn chụt thứ nước rất ngọt và thơm.
Vỏ quả thị mỏng tang, xẻ ra thành 6-8 múi cũng màu vàng, mọng nước. Vỏ thị dán lên tường còn chống được cả gián. Có người bảo "ăn thị thối mồm", nhưng các bà, các cụ ăn thị từ bé mà tới già miệng vẫn thơm... mùi trầu quế.
Bà ngoại của bà Nhung đã 80 tuổi, con cháu đến chơi dịp này thường mua những trái thị vàng ruộm biếu, rồi thích thú nhìn bà hít hà, lột vỏ ăn chóp chép. Giờ miệng bà chỉ còn móm mém, cầm trái thị ngồi hóng chuyện cháu con…
Mẹ tôi dạy phải chọn quả thị meo méo mới ít hột và ngọt thơm. Ảnh: Vũ Thị Tuyết Nhung
Có lần bà "phỏng vấn" cô bán thị xem bán 5.000 đ/quả thì mua ở quê giá bao nhiêu? Cô ấy bảo chả mất đồng nào, vì làng có cây thị ai trèo được cứ hái.
Nhưng giá đắt là vì quê không có người hái, thanh niên trai tráng kéo ra Hà Nội làm thợ xây, xe ôm cả. Giới trẻ ngày nay cũng không biết chơi thị, thậm chí không biết thị là quả gì nên đôi khi thị héo chợ chiều đành bỏ.
Cuối mùa gặp thị giá nào bà cũng mua cả mớ để níu giữ lại mùi thơm quyến rũ, kẻo mùa thị tàn, mùa thu chín lại ngơ ngẩn cả tháng trời vì nhớ ''nàng Tấm thơm''.
Mùa thị bà Nhung thường mua cả rổ, rồi sắp một đĩa thị dâng trên ban thờ gia tiên. Tiếp đến chia thị vào những rổ nhỏ xỉu, đặt ở bàn làm việc, phòng khách, phòng ngủ. Ảnh: Vũ Thị Tuyết Nhung.
Giá trị phong thủy về cây thị
Cây thị, trái thị xưa nhiều trẻ em biết qua truyện cổ tích Tấm Cám, còn các cụ xưa trồng cây thị trước nhà tượng trưng cho ý nghĩa "cầu mong tiếng thơm muôn đời".
Cây thị thân gỗ, có thể cao đến 5-6m, tuổi thọ hàng trăm năm. Nhưng quan niệm phong thủy cho rằng không nên trồng các loại cây quá lớn trước nhà – bởi cành lá sum suê sẽ che hết dương khí, ánh sáng khiến trong nhà tối tăm hơn.
Cây quá lớn có nguy cơ gãy đổ mỗi mùa mưa bão. Mùa lá rụng nhiều không phân hủy kịp sẽ làm mất vệ sinh và cảnh quan. Vì vậy cây thị to, cao và sống lâu nên thường được trồng nhiều ở những khu vực đền chùa rộng rãi.
Cây thị từ rễ, thân cho đến lá đều đem lại những lợi ích đặc biệt, là bài thuốc hữu hiệu trị nhiều chứng bệnh. Ảnh internet.
Các cụ xưa rất chuộng trái thị bởi hương thơm của nó, mùa thị thường đan túi lưới nhỏ xíu đủ đựng vừa trái thị để treo trong nhà. Trái thị có tiếng là thơm nên việc treo quả trong nhà, hay trồng cây trước nhà có ý nghĩa cầu mong gia đình, con cháu "có tiếng thơm muôn đời".
Theo các chuyên gia phong thủy, cây thị hợp với tất cả các tuổi mệnh, nhưng gia chủ có mệnh Thổ sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Nếu sân nhà rộng, thích trồng cây thị để cầu tài lộc, thêm vận khí, để "có tiếng thơm muôn đời" gia chủ phải lưu ý:
- Cây thị khá lớn nên để không gian trong nhà không bị thiếu dương khí thì ngay khi trồng cây phải trồng chếch sang một bên so với cửa chính.
- Hoặc chọn những cây thị tạo dáng bonsai có kích thước nhỏ, vừa đảm bảo về mặt thẩm mỹ, vừa đáp ứng về phong thủy.
- Thường xuyên cắt tỉa cành để cây không quá rậm rạp.
- Không để cây thị chết trước cửa nhà - vì theo phong thủy là điềm không may mắn.
Theo Sức khỏe đời sống