Hình mẫu liêm chính xuất hiện trước cả Bao Thanh Thiên
Địch Nhân Kiệt (630-700) là một vị quan nổi tiếng dưới triều đại nhà Đường và cũng từng làm đến chức Tể tướng vào thời Võ Tắc Thiên làm hoàng đế.
Cho dù là chỉ đang giữ chức quan Đại lý thừa hay được phong làm Tể tướng thì Địch Nhân Kiệt vẫn không thay đổi sự thanh liêm của mình. Thậm chí khi làm Đại lý thừa, ông từng xử 17.000 vụ án trong một năm khiến không một ai còn thắc mắc hay kêu oan, chối tội, tức trung bình tới 46 vụ án trong một ngày.
Điều này được ghi nhận trong các sách "Cựu Đường Thư" và "Tân Đường Thư" lần lượt do sử quan Lưu Hu thời Hậu Tấn và học giả Âu Dương Tu thời Bắc Tống làm chủ biên.
Đồng môn thì gọi ông là "Địch công chi hiền, bắc đẩu dĩ nam, nhất nhân nhi dĩ" – ý so sánh Địch Nhân Kiệt là hiền tài tựa sao bắc đẩu soi sáng phương nam, vượt qua giới hạn của một người phàm. Còn hậu thế ghi nhận tài phá án lẫn xử án của ông vẫn lưu truyền hàng trăm năm sau.
|
Tranh vẽ Địch Nhân Kiệt khi làm quan nhà Đường (Ảnh: www.takefoto.cn). |
Cũng theo "Tân Đường Thư", Địch Nhân Kiệt từng giúp một vị tướng thoát chết vào thời Đường Cao Tông Lý Trị. Cụ thể, viên tướng Quyền Thiện Tài trong đã vô tình chặt đứt một cây bách trong Chiêu Lăng – là nơi chôn cất Đường Thái Tông Lý Thế Dân (cha của Đường Cao Tông).
Hoàng đế vô cùng tức giận, có ý muốn xử tử Quyền Thiện Tài nhưng Địch Nhân Kiệt đã đứng ra can thiệp mạnh mẽ. Đường Cao Tông cho rằng hành vi của Quyền Thiên Tài khiến ông vừa mất mặt, vừa biến thành một đứa con bất hiếu với tiên đế. Địch Nhân Kiệt bèn lấy chuyện từ thời Hán Văn Đế để khuyên răn.
Địch Nhân Kiệt nói rằng khi Hán Văn Đế trị quốc, luật pháp rất nghiêm minh. Một lần, có người trong hoàng tộc đến thăm lăng Hán Cao Tổ đã lén đánh cắp một miếng ngọc rất quý về định giấu làm của riêng, bị quan quân phát hiện.
Hán Văn Đế cũng tức giận đòi xử tử những người này. Nhưng quan đại thần Trương Thích Chi khi ấy đã mạnh dạn tâu vua rằng theo luật pháp nhà Hán, tội trạng của họ rất nặng, xứng đáng "tru di cửu tộc" - tức xử tử đến cả chín họ. Như vậy để làm nghiêm luật pháp thì ngay cả Hán Văn Đế cũng sẽ bị chém đầu, bởi nhà vua cũng nằm trong phạm vi "cửu tộc".
Hán Văn Đế thấy vậy, ngẫm lại rằng luật pháp quá hà khắc, một người ăn trộm mà xử tử quá nhiều người vô tội cũng không phải là hợp lý. Vì thế, ông quyết định sửa lại luật lệ, bỏ các nhục hình, dùng nhân nghĩa trị thiên hạ là chủ yếu, không nên dùng sự hà khắc của luật lệ.
Địch Nhân Kiệt lấy chuyện đó khuyên vua Đường Cao Tông nên theo gương Hán Văn Đế. Còn nếu trị tội nghiêm minh thì Đường Cao Tông cũng phải bị trị tội bất hiếu với tiên đế, không thể bỏ sót. Vua nghe lời Địch Nhân Kiệt, chấp nhận miễn tội chết cho Quyền Thiện Tài, chỉ phạt bãi miễn hết chức vụ.
Sau này, Đường Cao Tông giao cho Địch Nhân Kiệt giữ một chức quan có nhiệm vụ xét xử, nhưng không phải với thường dân mà với chính quan lại trong triều đình. Cụ thể, Vi Hoằng Cơ là viên quan giữ chức Thị hộ sử.
Người này chịu trách nhiệm tu sửa cung điện. Nhưng Vi Hoằng Cơ vì muốn lấy lòng hoàng gia nên đã hoang phí ngân sách, xây dựng nhiều công trình tráng lệ, trùng tu những nơi không cần thiết, tạo ra khung cảnh xa hoa chốn cung đình, tiêu hao thuế má của bách tính. Địch Nhân Kiệt đã luận tội người này cực kì đanh thép lên Đường Cao Tông. Và Vi Hoằng Cơ đã bị trừng trị.
Ngay cả một đại thần là Vương Bản Lập từng giữ chức "Đồng thư trung mộ hạ tam phẩm" – tương đương chức Tể tướng mà Địch Nhân Kiệt cũng không kiêng nể. Vương Bản Lập và vua Đường Cao Tông có mối quan hệ thân thiết.
Tuy nhiên, Vương Bản Lập cậy quyền thế, tạo bè đảng trong triều đình. Địch Nhân Kiệt coi đó là mối họa, vi phạm quốc pháp. Bèn yêu cầu Đường Cao Tông xử tội. Đường Cao Tông ban đầu có ý muốn khoan tha cho Vương Bản Lập nhưng lý lẽ của Địch Nhân Kiệt quá chắc chắn.
Thêm vào đó, ông khẳng định dù là nhân tài, quan lại hay hoàng thân quốc thích thì đề phải chịu sự quản lý của vương pháp, như vậy thần dân mới coi trọng triều đình, coi trọng hoàng gia. Sau đó, Vương Bản Lập cũng bị trị tội.
Theo các sử liệu cũ thì không ghi rõ trị tội gì và vì sao ông ta mất. Nhưng trong cuốn "Tân Đường Thư" ở phần "Tắc Thiên Hoàng Hậu" lại khẳng định là Vương Bản Lập bị giết chỉ một tháng sau khi giữ chức Tể tướng.
Niềm cảm hứng cho tác giả trinh thám đến từ... Hà Lan
Vì những tư liệu về Địch Nhân Kiệt chủ yếu xuất phát từ thời Đường, nên các giai thoại hay công trạng của ông chủ yếu được kể khi ông làm quan lớn ở triều đình. Còn những vụ án nhỏ cụ thể chi tiết thì không được ghi chép cẩn thận và cặn kẽ. Ông được xem là người đi trước cả Bao Thanh Thiên về hình mẫu liêm khiết, chính trực.
Tuy nhiên, tác phẩm trinh thám hay nhất về ông lại đến từ một người Hà Lan sống ở thế kỷ 20. Đó là nhà văn Robert van Gulik (1910 – 1967), người đã từng có thời gian dài sinh sống và làm việc tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Vào năm 1935 Van Guilik sau khi tốt nghiệp đại học đã vào làm việc trong các cơ quan ngoại giao của Hà Lan. Từ năm 1943 đến năm 1945, ông làm thứ ký thứ nhất cho cơ quan lãnh sự Hà Lan tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Sau đó ông kết hôn với một người phụ nữ Trung Quốc.
Trong thời gian này Robert Van Gulik đã tìm và đọc tác phẩm "Võ Tắc Thiên Tứ Đại Kỳ Án" – bốn vụ án lớn dưới thời Võ Tắc Thiên. Và ông đã bị lôi cuốn bởi nhân vật lịch sử Địch Nhân Kiệt. Từ nguồn cảm hứng đó, tác giả người Hà Lan đã nảy ra ý tưởng về một bộ truyện trinh thám dựa trên nhân vật này.
Đầu tiên là tác phẩm "Đồng Trung Án" (vụ án Bí mật quả chuông) đã thành công vang dội và được đón nhận. Tiếp đến là "Mật Cung Án", " Hoàng Kim Án", "Thiết Đình Án"... Cứ như vậy, 16 tập của bộ tiểu thuyết có tên "Địch Công Kỳ Án" ra đời.
Tiểu thuyết được dịch ra các thứ tiếng Pháp, Đức, Nhật, Tây Ban Nha và phổ biến trên toàn thế giới. Dưới ngòi bút của Robert Van Gulik, Địch Nhân Kiệt thực sự trở thành một thám tử đại tài đến từ phương Đông. Biệt danh "Thần thám Địch Nhân Kiệt" cũng xuất hiện từ đây.
Một vụ án trong "Võ Tắc Thiên Tứ Đại Kỳ Án" với Địch Nhân Kiệt là nhân vật chính diễn ra như sau:
Khi Địch Nhân Kiệt nhậm chức Phủ Doãn huyện Xương Bình thì nhận được lời kêu oan của Lục Lý Đôn và Khổng Phương Đức trong vụ án có một vị khách là thương nhân đến từ Hồ Châu bị giết trong quán trọ. Viên quan nhỏ đứng đầu đội lính bảo an lúc ấy là Hồ Đức chưa phân rõ trắng đen, điều tra kĩ càng đã đem Khổng Phương Đức ra tra khảo ép cung.
Địch Công liền sai người đem xác chết đến kiểm tra, sau khi kiểm tra thì phá hiện Hồ Đức có khả nghi nên tạm thời giam giữ Hồ Đức.
Hôm sau, Địch Công đóng vai một người lang bạt phong lưu dáng vẻ bình dân đi qua trị trấn Hoàng Hóa thì nhận được tin có một người phụ nữ là Hoa Thuận vừa chết một cách bất ngờ và đã được chôn cất, mẹ người này là một người phụ nữ tiều tụy ốm yếu tên Châu Thị, còn một người cháu gái gọi bà ta là dì thì bị câm.
Khi Địch Công hỏi thăm cháu gái thì bà ta còn la mắng kêu khóc. Địch Công đêm hôm ấy ngủ lại một quán trọ gặp được Công Lượng – là một người phá án tài giỏi khác. Nghe ngóng được mộ phần của Hoa Thuận nằm ở thôn Cao Gia. Hai người tiếp tục tiến hành điều tra.
Sau khi về phủ, Địch Nhân Kiệt cho người đến khai quật tử thi Hoa Thuận để khám nghiệm. Với tài phá án của mình và sự giúp đỡ của các trợ thủ, ông đã tìm ra manh mối và phương thức giải quyết vụ án.
Cụ thể, Công Lượng và Địch Nhân Kiệt đã tìm ra mối liên hệ mờ ám giữa Châu Thị và một người đàn ông là Từ Đức Thái. Rồi ông triệu điền chủ thôn Cao Gia đến xét hỏi. Dựa vào các bằng chứng tìm được cũng như lời khai của điền chủ. Ông triệu Châu Thị đến công đường nhưng người đàn bà này kháng lệnh không đến.
Ông bèn ra lệnh triệu Từ Đức Thái đến. Địch Nhân Kiệt giả vờ rằng đã triệu Châu Thị và lấy khẩu cung, người đàn bà này đã nhận tội ngoại tình với chính Từ Đức Thái. Ban đầu, Từ Đức Thái nhận có ngoại tình nhưng không hề biết ẩn khuất trong các vụ giết người.
Sau đó, Địch Nhân Kiệt nói rằng để điều tra rõ gốc gác vụ án, ông đã mời được thầy thuốc nổi tiếng ở kinh thành đến để chữa bệnh cho người cháu gái câm của Châu Thị để người này làm nhân chứng.
Cuối cùng, Từ Đức Thái quá sợ hãi nên đã khai rằng Châu Thị là kẻ giết người thương nhân vì người thương nhân này có quan hệ qua lại với con gái Châu Thị là Hoa Thuận. Mà Hoa Thuận trước đấy bị chính mẹ đẻ giết vì cô này biết được mối quan hệ ngoại tình bất chính bà ta.
Như vậy, người đàn bà độc ác này đã giết con gái và người đàn ông có qua lại với con gái mình hòng bịt tất cả đầu mối. Địch Nhân Kiệt khi có đủ nhân chứng vật chứng đã cho người bắt Châu Thị và xử theo luật pháp.
Theo Hoàng Lê/Helino