Lòng không ác thì chân đứng không vững, các đời hoàng đế từ xưa tới nay đều như vậy. Tất cả những vị vua nổi tiếng Trung Quốc thì cơ bản đều là những người ác độc, sát phạt quả đoán, lúc cần ra tay thì phải ra tay, cho dù là đối với huynh đệ ruột thịt cũng không nương tay. Giống như Đường Thái Tông Lý Thế Dân, thông qua binh biến Huyền Vũ Môn đã xử lý anh cả Lý Kiến Thành và em trai Lý Nguyên Cát, Minh Thành Tổ Chu Đệ phát động chiến dịch Tĩnh Nan cướp ngôi từ tay cháu trai. So với hai người họ thì Võ Tắc Thiên cũng không hề kém cạnh.
Người xưa thường nói: “Hổ dữ còn không ăn thịt con”, cho dù là có độc ác tàn bạo đến mức nào thì cũng không xuống tay với con trai của mình, cho dù hoàng tử có cử binh mưu phản thì cùng lắm cũng chỉ bị giam lại mà thôi, không đến mức phải mất mạng. Nhưng Võ Tắc Thiên đã phá bỏ giới hạn “hổ dữ còn không ăn thịt con” này. Bà có tổng cộng 4 người con trai và 2 người con gái, trong đó có 3 người đều chết một cách không minh bạch, hơn nữa còn đều có liên can đến Võ Tắc Thiên.
Với Võ Tắc Thiên, cho dù có đưa ai lên ngôi thì quyền lực vẫn sẽ nằm trong tay bà và đến cuối cùng Võ Tắc Thiên chính thức lên ngôi Hoàng đế, trở thành vị nữ Hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Năm Võ Tắc Thiên 30 tuổi, bà hạ sinh Trưởng nữ An Định Công Chúa, Vương Hoàng Hậu tới chúc mừng, tiện thể thăm nàng công chúa An Định mới chào đời. Sau khi Vương Hoàng Hậu về, Võ Tắc Thiên đã bóp chết con mình, sau đó khóc lóc với Đường Cao Tông, nói rằng là Vương Hoàng Hậu hại chết con gái của họ. Khi ấy không có ai làm chứng, Vương Hoàng Hậu không thể biện minh được, có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa sạch nỗi oan. Trong khi đó, Đường Cao Tông lại chẳng hề nghe bà giải thích, đẩy bà vào lãnh cung, Võ Tắc Thiên thành công lên ngôi Hoàng Hậu.
Khi trở thành Hoàng Hậu, Võ Tắc Thiên khuyên Đường Cao Tông phế bỏ Thái tử Lý Trung, vì Lý Trung không phải là con trai của Võ Tắc Thiên, Đường Cao Tông chẳng nghĩ ngợi gì mà lập tức đồng ý. Tiếp đó, con trai trưởng của Võ Tắc Thiên là Lý Hoằng được phong làm Thái tử. Lý Hoằng nổi tiếng nhân đức, nhanh chóng nhận được lời khen của các quan thần, phụ hoàng Đường Cao Tông cũng rất hài lòng về chàng, bắt đầu suy nghĩ tới việc truyền ngôi cho chàng.
(Ảnh minh họa)
Việc con trai được nối ngôi hoàng đế, đối với một người mẹ mà nói thì đó vốn là một chuyện vui mới đúng. Thế nhưng, Võ Tắc Thiên không những không ủng hộ cách làm của Đường Cao Tông, ngược lại còn cực lực cản trở, dùng đủ lý do để phản đối, Đường Cao Tông đành tạm thời dừng lại. Võ Tắc Thiên có tham vọng cực kỳ với quyền lực, nếu như có người trở thành mối đe dọa với bà thì sẽ không từ mọi thủ đoạn mà tiêu diệt, kể cả con trai ruột.
Thế là Võ Tắc Thiên bắt đầu chèn ép Lý Hoằng đủ đường, Lý Hoằng cũng không chịu nhún nhường, dưới sự bảo vệ của các quan đại thần, anh phải đấu đá với chính mẹ ruột của mình. Thượng Nguyên năm thứ 2, Lý Hoằng đi theo Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên tới Lạc Dương, qua đời ở Kỳ Vân Điện, Hợp Bích Cung, khi ấy anh mới 23 tuổi. Lý Hoằng chết một cách không minh bạch, cũng rất đột ngột, không ít người nghi ngờ là do Võ Tắc Thiên gây ra nhưng lại không có chứng cứ, cái chết của anh trở thành một vụ án bí ẩn.
(Ảnh minh họa)
Cái chết của Lý Hoằng khiến Đường Cao Tông bị đả kích trầm trọng, ông chẳng còn lòng dạ nào xử lý việc triều chính, Võ Tắc Thiên thừa cơ diệt trừ những kẻ không theo phe mình, nuôi dưỡng tâm phúc, củng cố quyền lực của mình. Sau 1 tháng Lý Hoằng qua đời, con trai thứ của Võ Tắc Thiên là Lý Hiền được phong làm Thái tử, sử sách đánh giá rất cao về Lý Hiền: “Dung mạo tuấn tú, cử chỉ lễ độ, tư duy nhạy bén”. Không những có vẻ ngoài tuấn tú, Lý Hiền còn có tài năng hơn người.
Trong thời gian Lý Hiền làm Thái tử, 3 lần ở lại Trường An Giám Quốc, có nhiều biểu hiện khiến Đường Cao Tông đặt nhiều hy vọng vào chàng, còn từng khen chàng: “Hoàng Thái Tử tới Giám Quốc không lâu nhưng lại lưu tâm chính vụ, yêu thương bách tính, cũng có nghiên cứu kỹ về hình pháp”.
Người ta nói, cái cây mọc cao hơn những cây khác thường dễ bị gió quật đổ, người càng xuất chúng càng dễ bị diệt trừ, đặc biệt là đối diện với một người mẹ lòng dạ độc ác như Võ Tắc Thiên, Lý Hiền càng rơi vào tình thế nguy hiểm hơn. Năm Điều Lộ thứ 2, dưới sự chỉ thị của Võ Tắc Thiên, có người tố cáo Lý Hiền âm mưu tạo phản, Võ Tắc Thiên trực tiếp phế chàng làm thứ dân, 3 năm sau lại đưa chàng tới lưu đày ở Ba Châu xa xôi hẻo lánh. Lòng Lý Hiền suy sụp, nuốt nước mắt viết một bài thơ:
''Xung qua hoàng đài hạ, qua thục tử li li.
Nhất trích sử qua hảo, tái trích lệnh qua hi,
Tam trích thượng tự khả, trích tuyệt bão man quy''.
Dịch nghĩa:
''Dưa trồng giàn vàng, trái chín sung túc.
Mới hái còn tốt, càng hái càng thưa.
Hái sao cho còn, hái tận ôm dây''.
(Ảnh minh họa)
Ý mặt chữ nói về quả dưa, mục đích thực sự là để khuyên mẹ ruột Võ Tắc Thiên của mình, mong bà đừng ác độc đến mức từ mặt người thân. Lý Hiền so sánh mình và anh em của mình là dưa, còn Võ Tắc Thiên là dây leo, nếu như vặt hết dưa thì chỉ còn lại sợi dây leo cô đơn một mình. Hàm ý muốn nói cái chết của anh trai Lý Hoằng có uẩn khúc, vốn là bị mẹ ruột giết, chàng không muốn có kết cục như anh trai, chỉ muốn sống yên ổn.
Bài thơ sau khi được truyền tới Võ Tắc Thiên, bà đọc xong lập tức phẫn nộ. Dù đã thao túng hết quyền lực, Võ Tắc Thiên vẫn bất an về Lý Hiền, bà ta đã phái người đến Ba Châu để theo dõi Lý Hiền, cuối cùng ép Lý Hiền phải tự sát, năm chỉ 29 tuổi.
(Ảnh minh họa)
Từ ngày Lý Hiền chào đời, kết cục bi thảm của chàng đã được định sẵn, vì chàng có một người mẹ lòng dạ độc ác. Điều thê thảm hơn là cha mẹ và anh em đều từng làm hoàng đế, hoặc được truy phong làm hoàng đế, riêng chàng chỉ được làm Thái tử. Anh trai Lý Hoằng sau khi chết được truy phong làm Hiếu Kính Hoàng đế, hai người em trai Lý Hiển và Lý Đán thì càng không cần nói, lần lượt đều được làm hoàng đế. Ngay cả em gái Thái Bình Công Chúa cũng suýt chút nữa được làm hoàng đế.
Theo Vũ Phong/Công lý & xã hội