Hành động Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải bỏ Lý Chiêu Hoàng và lấy chị dâu là Thuận thiên công chúa được coi là vô luân đó, nhưng là cách để Trần Thủ Độ dẹp bỏ mối nguy Lý Chiêu Hoàng trở thành thái hậu sau đó thì cơ đồ nhà Trần có thể tan thành mây khói. Nhưng Trần Thủ Độ không chỉ thủ tiêu vai trò của Lý Chiêu Hoàng mà chính ông cũng thủ tiêu luôn cả vai trò thái hậu trong cung đình nhà Trần.
Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Các Thái hậu là mẹ của vua có vai trò ảnh hưởng cực lớn trong các triều đại Trung Quốc trước nhà Trần và cả nhà Lý ở nước ta. Sở dĩ chúng tôi nhắc nhiều đến một số điển tích Trung Quốc bởi lý do đơn giản là phải đưa nhân vật vào đúng bối cảnh lịch sử để hiểu thêm về suy tính của họ khi ấy. Thời phong kiến, cách hành xử của vua quan nước ta vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều từ những bài học trong lịch sử Trung Quốc. Ví dụ như chuyện Hưng Đạo vương khi viết Hịch tướng sĩ thì dùng một loạt điển tích của người Hán, người Mông để tỏ lòng với binh sĩ. Hay sau này, khi Trần Nghệ Tông gửi gắm con côi cho Hồ Quý Ly cũng tặng tấm tứ phụ đồ thì 3 trong số 4 điển tích ở đó xuất phát từ Trung Quốc.
Trở lại câu chuyện của Trần Thủ Độ. Dù Trần Thủ Độ tự nhận là người ít học nhưng với những năm tháng làm chính trị lọc lõi thì ông không thể không hiểu tấm gương Lữ Hậu (vợ Lưu Bang) suýt khiến nhà Hán đổi họ hay chuyện Võ Tắc Thiên từ ngôi thái hậu đã hất cả 2 con trai xuống để làm nữ hoàng, suýt khiến nhà Đường gãy cơ đồ.
Và Trần Thủ Độ có lẽ cũng không thể quên vai trò Thái hậu ở nước ta trước thời Trần cũng rất ghê gớm, có khả năng hô mưa gọi gió, thậm chí thay đổi triều đại. Chẳng hạn như việc nhà Đinh chuyển sang nhà Tiền Lê có vai trò lớn của Thái hậu Dương Vân Nga. Nếu không được Dương Vân Nga hậu thuẫn thì chưa chắc Lê Hoàn đã lên ngôi hoàng đế dễ dàng như vậy khi các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú vẫn một lòng hướng về nhà Đinh.
Còn các thái hậu nhà Lý thì đã tác động khiến triều đại từ thịnh sang suy như đã phân tích ngay trong bài trước. Trong bài viết "Nhà Lý mất nước vì nạn thái hậu tham nhũng quyền lực", chúng tôi có nhắc việc Linh Chiếu thái hậu trọng dụng Đỗ Anh Vũ vì tư tình, Chiêu Linh hoàng thái hậu mưu đảo chính vì muốn có ngôi cho con trai, Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu dùng em trai bất tài Đỗ An Di, Đàm thái hậu phong Đàm Dĩ Mông ít học làm thái sư...
Ngoài ra Đàm Thái hậu còn là người khiến vua Lý Huệ Tông từ bỏ thế lực người cùng họ là Lý Bát để quay về nương náu nhà họ Trần. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Trước đây, nhà vua sách lập Trần Thị làm Thuận Trinh phu nhân. Thấy Tự Khánh là người phản trắc, Thái hậu nhiều lần chỉ vạch phu nhân là bè đảng của giặc, khuyên nhà vua ruồng bỏ, nhưng nhà vua không nghe. Thái hậu bắt phu nhân phải tự sát, nhưng nhà vua ngăn cản lại. Thái hậu lại bỏ thuốc độc vào các món ăn, thức uống của phu nhân. Cứ mỗi bữa ăn, nhà vua lại chia sẻ cho phu nhân một nửa và cho cùng ở chung, chứ không để rời khỏi bên mình. Rồi đang đêm, nhà vua cùng với phu nhân vi hành lén đi; đến sáng, vào trú tại nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện An Duyên. Nhân bấy giờ Tự Khánh sai bộ tướng Vương Lê đem chu sư đến đón, nhà vua mới đóng ở Cứu Liên châu, vời Tự Khánh đến chầu".
Chi tiết này cho thấy cuối thời Lý thì quyền lực thái hậu còn hơn cả vua nên xã tắc mới chông chênh. Tuy nhiên, việc Đàm thái hậu cảnh giác nhà họ Trần, và đặc biệt là Trần Thị Dung là có cơ sở. Các vị Linh Chiếu thái hậu, Chiêu Linh thái hậu, Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu hay kể cả Đàm Thái hậu cũng chỉ làm suy yếu nhà Lý còn Trần Thị Dung sau khi lên làm thái hậu lại chính là người khai tử triều đại Lý thông qua việc cùng Trần Thủ Độ sắp xếp việc chuyển ngôi từ Lý Chiêu hoàng sang Trần Thái Tông.
Vai trò và ảnh hưởng của Trần Thị Dung thời điểm đầu nhà Trần vẫn rất lớn. Bà lúc đó không chỉ là mẹ vợ vua Trần Thái Tông (dù Lý Chiêu Hoàng hay Thuận Thiên công chúa là hoàng hậu thì mẹ của họ vẫn là Trần Thị Dung) mà còn là em gái của Thái thượng hoàng Trần Thừa, đặc biệt là vợ của Trần Thủ Độ - người nắm giữ toàn bộ binh quyền khi ấy. Có thể nói vai trò của bà có ảnh hưởng tới triều đình nào có kém gì Thái hậu khi Trần Thái Tông phải rất kính nể bà. Đó là lý do vì sao sau khi nhà Trần được thiết lập, bà được tôn phong làm Thiên Cực công chúa, biệt hiệu Quốc mẫu, được hưởng quy chế ngựa, xe, nghi trượng ngang hàng với Hoàng hậu.
Tuy trọng tình với Trần Thị Dung nhưng Trần Thủ Độ khi ấy lại không cho phép vợ mình lợi dụng vai trò để tham nhũng quyền lực. Có một số giai thoại ghi rõ hành xử cứng rắn của Trần Thủ Độ với Trần Thị Dung. Sử chép: "Linh Từ quốc mẫu, vợ Trần Thủ Độ có làn ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại,về dinh khóc bảo Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.
Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, vợ ông là bà Linh Từ xin riêng cho một người làm chức nhỏ ở địa phương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên ở đâu, người đó mừng rỡ, Thủ Độ bảo: "Ngươi vì có công chúa (tức bà Linh Từ) xin cho được làm câu đương (tên của chức vị ở địa phương), không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa".
Tuy nhiên, cuối cùng thì nhà Trần cũng lại mất nước bởi tay người nhà một vị thái hậu. Ấy là chuyện gần 2 thế kỷ sau. Năm thứ 11 (1398), Hồ Quý Ly ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử An, tức Trần Thiếu Đế. Khâm Thánh hoàng hậu vốn là con gái của Hồ Quý Ly được tôn làm Hoàng thái hậu. Khi ấy Thiếu Đế mới lên 3 tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai bà lạy trước cho Thái tử lạy theo.
Có thể thấy Hồ Quý Ly học đúng chiêu của họ Trần cướp ngôi nhà Lý khi cũng cho con gái nhập cung làm hoàng hậu, rồi leo lên ngôi thái hậu để thúc đẩy việc chuyển giao từ họ Trần sang họ Hồ. Tất nhiên, vai trò và ảnh hưởng của thái hậu cuối nhà Trần rất mờ nhạt vì dù có bà hay không thì Hồ Quý Ly cũng sẽ quyết cướp được ngôi.
Theo Anh Tú/1 Thế Giới