Điều này gây cho khán giả ấn tượng sâu sắc rằng rằng nhiều thái giám thời xưa là các cao thủ võ lâm.
Các bộ phim võ thuật nổi tiếng của Trung Quốc như Tân Long Môn khách sạn, Long Môn phi giáp đều lấy thái giám làm nhân vật phản diện chính. Trong bộ phim Lộc Đỉnh Ký, thái giám Hải Đại Phú được miêu tả là người có võ công cao cường bậc nhất nhà Thanh.
Đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung có thể thấy tuyệt học số một là "Quỳ hoa bảo điển". Bí kíp võ công này do một thái giám sáng tạo ra và được Đông Phương Bất Bại luyện thành.
Những nhân vật trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Thái giám liệu có thực sự sở hữu võ công “hô phong hoán vũ” như trên phim ảnh hay không?
Trên thực tế, việc các thái giám có võ công thâm hậu, xông pha giang hồ là chuyện gần như không có khả năng xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho đa số thái giám trong lịch sử không có cơ hội luyện võ. Thứ nhất, trong xã hội phong kiến xưa, các thái giám chủ yếu xuất thân từ tầng lớp thấp trong xã hội. Họ có thể là con cháu của tù binh chiến tranh, nô lệ hoặc những kẻ phạm tội, nghèo khó. Đối với những người này, việc kiếm miếng ăn đã khó khăn chứ đừng nói đến dành tiền bạc, thời gian để học võ.
Thứ hai, thái giám thường là người hầu hạ hoàng tộc từ sáng đến đêm. Ngay cả lúc hoàng đế ngủ, họ cũng túc trực bên cạnh. Vì vậy, để chủ nhân cảm thấy an toàn, thái giám tuyệt đối không thể có võ công.
Thứ ba, việc học võ đối với thái giám là dư thừa bởi công việc chính của họ là hầu hạ, phục vụ chứ không phải bảo vệ an toàn trong cung. Họ cần học cách lấy lòng, nịnh bợ, mua vui và phục vụ tốt cho chủ nhân hơn là trau dồi võ nghệ, múa đao múa kiếm như các thị vệ.
Tuy nhiên trong lịch sử, không phải không có chuyện thái giám được tiếp xúc với võ nghệ.
Nếu để ý kĩ, các bộ phim cổ trang Trung Quốc với nhân vật phản diện là thái giám giỏi võ công thường lấy bối cảnh vào thời nhà Minh. Điều này không chỉ dựa vào trí tưởng tượng của biên kịch hay đạo diễn phim mà còn có cơ sở lịch sử nhất định.
Theo Sohu, vào thời nhà Minh, một số thái giám đã được tiếp cận với võ thuật và nhanh chóng trở thành bậc thầy.
Sau khi giành lại Trung Hoa từ tay người Mông Cổ, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và các hoàng đế đời sau của nhà Minh không ngừng mở mang lãnh thổ bằng những cuộc đánh dẹp, xâm lược.
Mỗi khi chiếm được vùng đất nào, Minh Thái Tổ thường ép những đứa trẻ là con cháu của hàng binh, tù binh chiến tranh trở thành thái giám để hầu hạ. Xuất thân con nhà lính, những đứa trẻ này từ sớm đã có nền tảng thể lực và võ thuật. Sau khi vào cung, một số đứa trẻ có biểu hiện xuất sắc nhất sẽ được dạy võ nghệ và rèn thể lực để có thể phục vụ tốt nhất cho hoàng đế.
Đến thời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc Đế), nhà Minh xuất hiện rất nhiều thái giám ngoại quốc. Chủ yếu đến từ những dân tộc thiểu số ở vùng Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và Liêu Đông. Vĩnh Lạc Đế đặc biệt thích chọn thái giám từ những đứa trẻ giỏi võ, thạo cưỡi ngựa và bắn cung. Ông cũng là vị hoàng đế nổi tiếng thích trọng dụng những hoạn quan, thái giám tài năng để làm việc cho mình.
Việc tuyển chọn thái giám từ những nơi xa xôi là biện pháp để các hoàng đế nhà Minh kiểm tra sự thần phục của các bộ tộc thiểu số vùng biên giới. Nếu các bộ tộc này không chịu giao ra những đứa trẻ khỏe mạnh tài giỏi, họ sẽ bị nhà Minh trừng phạt.
Thái giám nổi tiếng bậc nhất nhà Minh có thể kể đến Trịnh Hòa. Giữ chức đô đốc, ông đã 7 lần chỉ huy các hạm đội hải quân khổng lồ của nhà Minh thám hiểm những vùng biển xa xôi ở phía Tây. Vào thời điểm đông nhất, hạm đội thám hiểm do Trịnh Hòa chỉ huy lên tới 300 tàu thuyền.
Theo Minh sử, Trịnh Hòa rất giỏi võ nghệ và có thân hình cao lớn, khỏe mạnh. Trịnh Hòa bị quân Minh bắt được sau trận chiến chiếm đóng Vân Nam và bị ép buộc trở thành thái giám dưới thời Vĩnh Lạc Đế.
Theo Qulishi, trải qua tịnh thân (cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục) không đồng nghĩa với việc thể lực của thái giám yếu đi. Họ vẫn có thể làm các công việc nặng nhọc trong cung và luyện võ nghệ. Một số thái giám thậm chí còn coi võ thuật hoặc văn thơ, tiền bạc là tình yêu duy nhất của đời mình sau khi đã mất cảm giác với nữ giới.
Do ảnh hưởng từ các bộ phim cổ trang Trung Quốc, nhiều người thường lầm tưởng rằng các thái giám có võ công cao cường đều xuất thân từ Đông xưởng – cơ quan gián điệp, mật thám số một triều Minh. Tuy nhiên, điều này là không chính xác.
Năm 1420, để trấn áp những phe phái đối lập có thể uy hiếp ngai vàng của mình, Vĩnh Lạc Đế quyết định thành lập Đông xưởng. Đây cơ quan hoạt động bí mật, chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ triều đình nhà Minh bất kể là quý tộc hay quan lại. Nếu phát hiện tội nhẹ, Đông xưởng được phép tự mình xử lý, nếu tội nặng thì trực tiếp báo cáo cho vua.
Ban đầu, Đông xưởng chỉ lo việc điều tra, bắt giữ nghi phạm. Tới giai đoạn cuối thời Minh, Đông xưởng đã có lực lượng đông đảo được trang bị vũ khí và nhà tù riêng. Những người làm việc cho cơ quan này không chỉ sở hữu kỹ năng mật thám, gián điệp mà còn thành thạo sử dụng vũ khí và công cụ tra khảo.
Tuy nhiên, Đông xưởng do các thái giám cao cấp vận hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của hoàng đế nhà Minh. Việc bắt bớ, tra khảo nghi phạm đều do những nha dịch dưới quyền thực hiện, thái giám không phải nhúng tay vào. Vì thế, kể cả có được học võ thuật, chuyện những thái giám võ công thâm hậu thời Minh giao đấu, truy sát cao thủ võ lâm để tranh ngôi “minh chủ” hay bí kíp võ thuật trên giang hồ như một số bộ phim thể hiện là không hề có thực.
Vào thời nhà Thanh, Trung Quốc cũng xuất hiện một số thái giám biết võ công. Theo toàn thư lịch sử Trung Quốc, trong số hơn 500 thái giám làm việc ở Viên Minh Viên (ngự hoa viên của nhà Thanh ở Bắc Kinh), có 60 người biết võ thuật. Họ được gọi là “Kỹ dũng thái giám lục thập danh”. Năm 1860, liên quân Anh – Pháp đốt phá Viên Minh Viên, 20 “Kỹ dũng thái giám” đã lao vào chống trả và bị sát hại.
Theo Sohu, thời nhà Thanh cũng xuất hiện một thái giám đặc biệt giỏi võ công khác tên Đổng Hải Xuyên. Nhân vật bí ẩn này là người sáng tạo ra Bát Quái Chưởng – một trong những môn võ công nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Được biết tới với biệt hiệu giang hồ là “Thiết Mạo Tí Vương”, Đổng Hải Xuyên được mệnh danh là một trong số 10 cao thủ võ công cao cường nhất triều Thanh. Trận giao đấu kịch tính giữa Đổng Hải Xuyên với Quách Vân Thâm – một cao thủ phái Hình Ý Quyền – đã gây chấn động Bắc Kinh lúc bấy giờ. Rất nhiều võ sư nổi tiếng sống vào thời nhà Thanh đều là đồ đệ của thái giám Đổng Hải Xuyên.
Có thể thấy, dù khiếm khuyết về cơ thể, các thái giám thời xưa vẫn có thể vươn lên trở thành những người tài giỏi trên nhiều phương diện, một trong số đó là võ thuật. Tuy nhiên, phần lớn những gì chúng ta thấy trên phim ảnh về võ công của thái giám chỉ là những chuyện thêu dệt.
Theo Khám Phá