Lần đầu tiên tôi qua thế giới tư bản, cứ nghĩ ô tô hiếm như ở Việt Nam thời bao cấp, nên không có khái niệm xếp hàng. Vừa ra khỏi ga, tôi lấy ngay taxi trước mặt. Ông lái taxi bảo tôi: phải lấy cái đầu tiên, chúng tôi xếp hàng đón khách. Hóa ra bên Tây, mọi thứ đều xếp hàng.
|
Tác giả và 3 người bạn thân trước khi đi du học năm 1974.
|
Tất cả đều xếp hàng, dù chỉ hai người, kể cả hỏi thông tin. Nhưng là người thực việc thực. Một số nơi xếp hàng bằng số tự động. Họ gọi đến số, phải chìa số đó, không có ai là bỏ qua, gọi người khác tiếp, và người nào đã qua, đi loanh quanh quay lại trễ, thì phải lấy số từ đầu.
Xếp hàng trật tự là một nếp sống văn hóa đáng trân trọng. Riêng xếp hàng thời bao cấp ở Việt Nam là một bài học kỷ niệm không quên khác. Trong lớp tôi dạy tiếng Pháp cho người di cư mới, có một cô bé từ Hải Phòng sang Paris bằng đường bất hợp pháp.
Tôi hỏi cô ta làm nghề gì ở Việt Nam, cô ta đáp: em làm nghề “xếp nốt”. Tôi không hiểu là nghề gì, cô học trò đáp: em chuyên ra đứng xếp hàng bằng cách dùng gạch xếp “nốt”, lấy chỗ rồi bán lại cho người cần mua hàng. Tôi đoán chắc xếp lượt, xếp lốt, cô ta nói tiếng Việt ngọng, không hiểu chữ lốt thành nói xếp nốt.
Hóa ra xếp hàng cũng là một nghề thời bao cấp. Tôi đã thấy hàng dài viên gạch nhỏ trước cửa hàng thực phẩm, cửa hàng gạo trước giờ mở cửa. Dù đến sớm vẫn thấy dãy gạch đó, ai trả vài hào được lên trước, có khi chờ nửa buổi mới đến lượt. Ngày thường đã thế mua hàng Tết còn khổ hơn.
Hồi tôi học xong lớp 6, kỳ nghỉ hè sơ tán về nhà ở phố Bà Triệu, Hà Nội, lần đầu tiên mẹ sai đi xếp hàng mua mỡ nước. Mẹ đưa tôi cái hộp, tem - tiền mẹ để trong hộp nhôm đậy nắp kín. Mẹ bảo: “Cứ đưa cô bán hàng là xong”.
Tôi đi rất sớm, nhìn đống gạch loằng ngoằng, nghĩ chẳng lẽ mình lại đứng sau đống gạch vụn xếp hàng. Tôi để cái hộp nhôm xuống theo thứ tự và chờ cửa hàng mở. Hai phút, đã thấy sau tôi rổ rá, nón rách xếp hàng. Cửa hàng vừa mở. Cô bán hàng đang sắp xếp đồ lên để chuẩn bị bán hàng.
Tôi ngước lên cô, quan sát. Cô vừa bắt đầu làm việc, đống gạch lộn xộn có người nhận chỗ, tôi nhìn xuống toan ôm cái hộp nhôm đứng vào hàng, thì than ôi cái hộp đã biến mất nháy mắt. Nước mắt tuôn trào. Hai cô đứng cạnh hỏi tại sao, tôi mếu máo: “Cháu bị mất cái hộp tiền tem phiếu mẹ đưa”. Mọi người nhìn tôi, lắc đầu:“Tội nghiệp, ngây thơ thế, ai lại sai con đi chợ ngớ ngẩn thế bao giờ”. Nước mắt tôi chảy ròng ròng.
Bố mẹ chẳng bao giờ mắng tôi, chỉ có mẹ mắng một lần đánh mất chìa khóa nhà khi mẹ cho 3 hào ra mua phở ăn sáng. Tôi là con "út són" cách xa tuổi các anh chị. Cả nhà đi làm hết, đây là lần đầu mẹ sai tôi đi chợ xếp hàng. May chìa khóa cửa không mất, vì mẹ gửi hàng xóm.
Trưa, cha mẹ về, tôi kể hết. Bố tôi phá lên cười, để mẹ tôi khỏi tiếc mắng cô con gái rượu, vội nói: “Khôn như mẹ, còn mất cái đùi gà giữa chợ”.Vì một lần mẹ đi chợ, mua một cái đùi gà bé tí, tính về hầm thuốc cho bố bị ốm, mẹ ghé vào chọn mớ rau, lúi húi để bên cạnh thì mất. Hộp nhôm thời đó rất đắt tiền và chưa kể phiếu thịt mỡ và tiền. Mẹ bực mình định mắng, thấy bố cười và nhắc cái đùi gà mất, bà đành lẩm bẩm: “Con này chỉ được cái học”.
Từ đấy mẹ không sai tôi đi chợ nữa, một phần do tôi đậu vào trường năng khiếu học nội trú. Sau này, tôi đỗ đại học, nhận được giấy báo du học. Bố mẹ hãnh diện lắm. Bố đùa nhắc lại chuyện xưa: “Nhờ mất hộp đựng mỡ và tem phiếu, nó mới được bà quan tâm chỉ cho học đấy”. Mẹ cười trừ: “Con mọt sách. Cứ cho tiền là ra hàng sách, không biết sau làm nghề gì”.
Sau hòa bình 1975, chế độ bao cấp vẫn tiếp tục. Tốt nghiệp Đại học Bucharest (Romania) về nước năm 1979, tôi thoát xếp hàng. Mẹ thuê người mua hộ. Hà Nội lại xuất hiện thêm dịch vụ xếp hàng mua hộ. Họ đưa hàng về tận gia đình. Nhà nước từng cấp tiêu chuẩn gạo nếp cho bố, rồi bị cắt nốt. Nhà toàn cán bộ, gạo ăn không hết. Mẹ lấy gạo mậu dịch đổi gạo mới, gạo nếp của nhà quê đem lên, vì bố đau dạ dày.
Thời đó mọi thứ đều phân phối và chỉ cán bộ Nhà nước mới được hưởng chế độ ưu đãi này. Công đoàn nhận hàng cung cấp về phân phối lại cho cán bộ đỡ mất thời gian và cải thiện thêm. Một lần, tôi đang ngồi chỗ cửa hàng của mẹ, Bình - cậu bạn du học cùng làm Bộ Xây dựng gần nhà đi bộ qua, nói với mẹ tôi: “Bác ơi, cơ quan phân phối cá theo tem phiếu, cháu không mang theo, bác cắt số X, cháu vào lấy cho khỏi phải xếp hàng”, mẹ đưa tiền tem X cho bạn tôi, 15 phút sau nhà có bữa cơm cá rán, mẹ mời Bình ở lại ăn trưa cho vui.
Một lần khác, tôi được phân cái lốp xe đạp vành 650, xe tôi vành 680. Vừa treo lủng lẳng lốp xe ra khỏi cổng trường Sư phạm, tôi gặp anh Thành vừa du học về làm ở Viện Khoa học Việt Nga. Chúng tôi dừng xe đạp nói chuyện.
Anh than: “Anh vừa mất xe đạp để ở Viện, trộm lọt vào viện cắt khóa…, phải mượn xe thằng bạn về”. Tôi liền ủng hộ anh cái lốp. Anh mừng quá. Tôi nghĩ lốp mình không dùng được phải nhờ mẹ đem bán, bạn mình lại phải đi mua giá chợ trời cao ngất ngưởng.
Thuốc lá được phân đều cho cả người không biết hút như tôi. Tôi đem tặng lại mấy bạn giảng viên quen thân cùng trường, nghiện thuốc, ở khoa Toán - Lý. Hàng phân phối không dùng được đem ra chợ đen bán giá cao lấy chênh lệch, như hình thức tăng lương.
Nước không có, chảy nhỏ giọt. Tối ngày cả khu xếp hàng chờ nước. Thùng chậu lổn nhổn các cỡ nối đuôi nhau. Cửa hàng sách cũng xếp hàng, cuốn nào dịch mới ra đều hết. Anh Nguyễn Huy Thắng bạn du học, mỗi lần thấy sách mới ra, cũng loay hoay mua tặng tôi một cuốn vì biết tôi cần sách. Sách thời đó ra khỏi cửa hàng có thể bán giá giấy vụn gấp đôi, để gói xôi, gói bánh… Từ điển biến thành giấy cuốn thuốc lá mang lại lợi nhuận hơn.
Không phải sách nào đều được phép in, ai dịch cũng được in. Sách báo trở nên quý hiếm. Bố tôi mỗi sáng nhận được hai tờ báo, cả xóm mượn đọc. Bây giờ sách tràn ngập thị trường, tôi vẫn không quên người bạn tặng mình những cuốn sách đắt tiền thời khốn khổ. Giờ chúng tôi đều làm nghề cầm bút, thỉnh thoảng vẫn tặng nhau những cuốn sách mới ra lò như nhắc một thời xa xưa mãi mãi không quên.
Thời bao cấp, cái máy chữ hiếm quý. Đánh máy chữ là một nghề. Không phải bây giờ ai cũng biết dùng máy tính đánh chữ. Bạn tôi làm ở Viện Khoa học xã hội vào thành phố Hồ Chí Minh mua được máy đánh chữ mừng lắm, đem ra khoe rối rít. Khi làm luận văn cao học, tôi nhờ anh bạn đánh giúp cho 80 trang. Anh dùng máy cổ to đen chắc từ thời của bố anh - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 -1960) để lại. Sau anh kể cái máy đó trở thành cần câu cơm của mẹ anh, người đàn bà tần tảo thời bao cấp góa chồng nuôi đàn con.
Đánh máy gần xong, bỗng nghe tiếng rắc. Một tay chữ bị gãy. Không kiếm đâu được ngay tay chữ thay thế, tôi đến cầu cứu nhà văn Nghiêm Đa Văn đánh nốt 5 trang cuối. Máy của anh Văn hiện đại hơn, nhỏ xíu, và phông chữ khác hoàn toàn. Tôi mặc kệ miễn không phải viết tay. Anh Văn nhiệt tình giúp tôi hoàn thiện. Tình bạn lúc đó thật bao la, chân tình.
Vài tháng sau du học qua Bỉ, tôi thấy những chiếc máy chữ to đùng nặng nề đó bị lạc hậu, bỏ lăn lóc trong các căn hầm nhà cũ ở một số nơi. Sau 5 năm, tôi qua Paris du học lần nữa. Cái máy tưởng hiện đại của anh Văn, của cô bạn tôi đều trở thành lỗi thời, bỏ xó, nhường chỗ cho máy vi tính.
Giờ đây nhớ thời bao cấp, xếp hàng, thời thiếu thốn đủ thứ chúng tôi bật cười khi nhắc lại kỷ niệm vui buồn xưa. Thời không có từ điển, không có điện thoại, máy tính. Chúng tôi học miệt mài và chỉ biết học. Tiếc rằng thời ấy không có máy ảnh để chụp lại những hình ảnh xếp “lốt”.
Tấm ảnh duy nhất tôi sở hữu là nhờ lần đi chụp làm hộ chiếu với bạn cùng lớp. Bốn đứa chơi thân nhau, may mắn cùng được du học, lúc chụp ảnh nộp hộ chiếu liều bỏ tiền chụp chung một kiểu kỷ niệm. Mỗi lần về nước, du học sinh phải nộp lại hộ chiếu và đăng ký hộ khẩu để được phép cấp tem phiếu sổ gạo; nếu chưa được phân công công tác, lại đến Bộ gia hạn giấy tờ.
Năm 1982, tôi du học ở Bỉ, đi tàu hỏa từ Berlin qua Bruxelles. Bộ Giáo dục phải cấp phép tôi mới được mang tờ ngoại tệ 100 $ do Đại sứ quán Bỉ đưa để mua vé tàu và lấy taxi. Năm 1987, lúc tôi du học ở Paris, hải quan định giữ cái dây chuyền vàng tây một chỉ có tên tôi, do mẹ tặng. Tôi phải chạy ra cửa bỏ lại cho người bạn cầm về.
Tôi mang theo duy nhất đồng xu 10 francs (tương đương 1,5 euros) do Lan Anh - cô bạn thân vừa từ Pháp về đưa để dùng gọi điện thoại cho trung tâm học bổng khi sang đến nơi. Chiếc áo dài được cấp trước khi đi cũng phải có giấy giới thiệu của Bộ Giáo dục để được vào cửa hàng giao tế mua. Trong cửa hàng giao tế, tất cả đều đòi giấy phép và cũng phải xếp hàng. Các cửa hàng dành cho cán bộ trung cao cấp cũng đều xếp hàng, nhưng dễ mua hơn.
Một thời nghèo khổ chính là sức mạnh vô hình cho chúng tôi học để vươn lên trong cuộc sống. Một thời cha mẹ vất vả hy sinh cho con cái nên người. Một thời bạn bè yêu thương nhau chân tình giúp nhau không vụ lợi. Một thời nhớ mãi những tình cảm đáng quý, thiêng liêng.
Theo TS. Văn học Trần Thu Dung/CAND