Theo quan niệm của người Việt, những hoạt động trong những ngày đầu năm mới sẽ quyết định vận hạn trong cả một năm. Do đó, ông bà xưa đã có những điều kiêng kỵ tuyệt đối không nên làm ngày Tết và truyền dạy lại cho con cháu để cả năm luôn suôn sẻ và an lành.
Tránh làm vỡ đồ, hỏng đồ trong ngày đầu năm mới
Vào ngày đầu năm, người Việt đặc biệt cẩn thận trong việc sử dụng đồ đạc, đặc biệt là các vật dụng bằng thủy tinh, sứ dễ vỡ. Văn hóa dân gian lâu nay luôn quan niệm, việc làm rơi vỡ đồ vào năm mới không những không đem lại may mắn mà còn tạo nên sự chia cắt trong gia đình.
Việc may vá trong năm mới được dân gian quan niệm sẽ khiến gia chủ gặp khó khăn, vất vả. Thậm chí có quan niệm, nếu phụ nữ có thai dùng kim chỉ trong ngày mồng một Tết sẽ sinh con có mắt dẹt như cây kim.
Dao kéo là những vật mang sát khí, cũng nên được hạn chế sử dụng trong những ngày đầu năm, nên tránh dùng các vật có đầu sắc nhọn như dao, kéo bởi những vật này có thể cắt đứt lương duyên cũng như tài vận, tuổi thọ của gia chủ.
Kiêng kỵ quét nhà, đổ rác ngày Tết
Theo tục lệ, người Việt thường kiêng quét nhà vào 3 ngày Tết, đặc biệt là ngày mùng 1 Tết để "chổi" được nghỉ ngơi, đồng thời không quét đi may mắn, tiền bạc, lộc lá của gia đình ra khỏi nhà. Đặc biệt, ở vùng Nam Bộ, sau khi quét dọn nhà cửa sạch sẽ phải cất hết chổi, nếu bị mất chổi trong ngày Tết nghĩa là năm đó trộm sẽ vào nhà và vét sạch của cải.
Vậy làm sao để giữ nhà cửa sạch sẽ trong những ngày Tết nếu không quét nhà? Chúng ta có thể thu gom và dồn lại rác ở một góc nhỏ trong nhà hoặc có thể buộc chúng lại và nhớ tránh chỗ ẩm ướt. Nếu không, sử dụng máy hút bụi hoặc máy lau nhà tự động cũng có thể giải quyết được vấn đề này.
Kiêng kỵ cho lửa, nước đầu năm
Quan niệm dân gian cho rằng, lửa có màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc và tài lộc. Chính vì thế lửa được xem là vận may lớn nhất trong ngày Tết âm lịch của người Việt.
Việc đầu năm mới đi xin lửa được xem là lấy đi vận may của người khác. Thế nên khi đến nhà ai đó chúc Tết, nhất là những cánh mày râu hãy tự chuẩn bị cho mình một chiếc bật lửa nho nhỏ.
Theo quan niệm của người xưa, lửa tượng trưng cho màu đỏ, màu của sự may mắn, nước được ví như tài lộc. Chính vì vậy, các gia đình rất kiêng kỵ cho người khác xin lửa, nước đầu năm mới.
Tránh đánh thức, chúc Tết người đang ngủ
Dân gian ta quan niệm rằng nếu bạn đánh thức người khác trong năm mới thì cả năm họ sẽ phải chịu sự hối thúc.
Chúc tết người đang nằm ngủ được xem là điều kiêng kỵ trong ngày Tết nên ghi nhớ. Bởi ngày xưa, nhà không được chia thành các phòng khách, phòng ngủ,.... Vì thế khi đến chúc Tết dễ bắt gặp hình ảnh có người đang nằm ngủ vì thức khuya đón giao thừa.
Vì vậy, khi đi chúc Tết mà thấy có người đang nằm ngủ thì hãy đợi người ta thức dậy rỗi hãy chúc. Nếu chờ lâu quá thì hãy để hôm khác chúc.
Bên cạnh đó, cũng không nên chúc Tết những người đang nằm nghỉ ngơi mà hãy đợi họ dậy rồi mới chúc. Bởi ông bà ta cho rằng, nếu chúc Tết người đang nằm ngủ nghỉ thì những lời chúc tốt đẹp sẽ trở thành lời trù ẻo khiến người khác bị bệnh, nằm liệt giường.
Tuyệt đối không vay tiền, mượn đồ đạc trong những ngày Tết
Người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, trả nợ trong ngày đầu tháng, đầu năm mới để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không thuận lợi trong công việc, làm ăn, kinh doanh. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm của cha ông ta: trong ngày đầu xuân, con người mở cửa để đón tài lộc vào nhà, nếu cho vay mượn tiền hoặc trả nợ đồng nghĩa với việc "dâng" tài lộc cho người khác.
Nếu nhà đang có tang (bố hoặc mẹ mới qua đời) thì không nên đến nhà người khác chúc tết, đặc biệt là tránh xông đất đầu năm
Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đầu năm rất quan trọng, là người ảnh hưởng tới sự may mắn hay xui xẻo trong cả năm của gia đình. Chính vì vậy, những người có tang nên tránh xông đất, đi chúc Tết hay thăm hỏi gia đình khác
Nói năng nhẹ nhàng lịch sự, tránh cãi vã, to tiếng ngày Tết
Ngày Tết là ngày vui nên ai cũng ứng xử vui vẻ, hòa nhã với nhau. Trong một dịp quan trọng và đề cao tình cảm, tình dĩ hòa vi quý như ngày đầu xuân năm mới, ta nên tránh to tiếng, nói tục, xô xát để tránh gặp xui xẻo cả năm.
Kiêng kỵ mặc trang phục tối màu trong ngày Tết
Mọi người quan niệm rằng, Tết nên mặc những màu như đỏ, vàng, xanh,... Vì màu mang đến một năm đầy may mắn, tài lộc. Màu vàng tượng trưng cho giàu sang, phú quý. Màu xanh sẽ giúp cho mọi chuyện được phát triển, gia đình hòa thuận.
Chính vì vậy, ngày Tết không nên mặc màu đen và trắng. Bởi hai màu này có liên quan đến sự tang tóc, đau thương. Nếu ngày đầu năm mới, mặc quần áo với hai màu này thì cả năm sẽ xảy ra sự mất mát, đau thương và u buồn. Đó là những điều không ai mong muốn.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.
Theo Hoàng Khuông/Thương hiệu và Pháp luật