Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không được biết đến là nhân vật vô cùng lợi hại, bản lĩnh cao cường, không sợ trời không sợ đất. Tuy nhiên, hầu tử từng thừa nhận với các sư đệ về một điểm yếu duy nhất đó là thủy chiến. Trong đó, Ngộ Không cho biết chiến đấu dưới nước vốn không phải thế mạnh của của hầu tử.
Ngoài nước, nhiều người còn tranh luận xem liệu Tôn Ngộ Không có sợ lửa hay không. Trong đó, năm xưa khi đại náo Thiên cung, Tôn Ngộ Không từng bị nhốt trong Lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân 7749 ngày nhưng không hề hấn. Không những thế gió to khói lớn đã hun đỏ đôi mắt của Ngộ Không và giúp hầu tử luyện được Hỏa nhãn kim tinh.
Điều này khiến Ngộ Không từng được miêu tả là mình đồng da sắt, không bị ảnh hưởng bởi lửa. Thế nhưng, sau này, trên đường thỉnh kinh của sư phụ Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đã đụng độ với Hồng Hài Nhi, con của Ngưu Ma Vương.
Được biết, Hồng Hài Nhi vốn trẻ tuổi nhưng lại vô cùng lợi hại. Với Tam muội chân hỏa, Hồng Hài Nhi đã thiêu cháy Ngộ Không đến hồn bay phách lạc, hôn mê bất tỉnh. Ngộ Không sau đó phải chạy đi cầu cứu Quan Thế Âm mới có thể thu phục được Hồng Hài Nhi.
Nguyên nhân của việc này là do ngọn lửa Tam muội chân hỏa của Hồng Hài Nhi lợi hại hơn hẳn so với những ngọn lửa trước đây Ngộ Không từng đối phó. Trong đó, Tam muội chân hỏa là ngọn lửa không gì không thể thiêu đốt, dù là yêu ma hay thần phật, chỉ cần còn thất tình lục dục là sẽ bị lửa thiêu thành tro. Tôn Ngộ Không dù đã cải tà quy chính, đi theo Đường Tăng nhưng y vốn là một yêu hầu, tâm ma chưa hết hoàn toàn vì còn mang mối hận 500 năm bị chôn vùi ở Ngũ Hành Sơn.
Ngoài ra, dù Lò Bát Quái cũng có ngọn lửa Tam muội chân hỏa nhưng đó chỉ là 1 trong 8 cung Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, vì hầu tử đã nép mình trong cung Tốn nên không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi giao đấu với Hồng Hài Nhi phải trực diện đối đầu với sức mạnh của ngọn lửa này nên mới không sao chống cự nổi.
Theo Minh Hạnh/Đời sống&Pháp luật