“Chuyến thám hiểm xuyên Nam Cực của Đế chế”
Nhà thám hiểm địa cực người Anh gốc Ailen Ernest Shackleton luôn mang một nỗi ám ảnh lâu năm với vùng đất Nam Cực, ông đã khởi hành tổng cộng bốn chuyến thám hiểm tới Lục địa Trắng trong suốt cuộc đời.
|
Con tàu Endurance trong chuyến thám hiểm huyền thoại năm 1914. Ảnh: Antarctica. |
Con tàu Endurance khởi hành từ hòn đảo Nam Georgia (Anh) ngày 5/12/1914 đến eo biển McMurdo của Nam Cực vào năm 1915, trong một cuộc hành trình được gọi là “Chuyến thám hiểm xuyên Nam Cực của Đế chế”.
Hai ngày sau khi rời đảo Nam Georgia, tàu Endurance tiến vào vùng băng nổi – lớp chướng ngại vật gồm các tảng băng biển dày vây quanh Nam Cực. Trong vài tuần, con tàu chậm rãi tìm đường đi qua các tảng băng nổi, tiến về hướng Nam. Nhưng vào ngày 18/1, một cơn bão phía bắc đã thổi dạt đám băng vào đất liền, khiến chúng nén chặt vào nhau.
|
Đoàn thám hiểm Nam Cực của Ernest Shackleton. Ảnh: History. |
Con tàu bị mắc kẹt giữa lớp băng dày không thể xuyên thủng ở biển Weddell. 28 người đàn ông trên tàu, bao gồm cả chính nhà thám hiểm Shackleton, đã rời bỏ tàu Endurance và cắm trại trên một tảng băng trôi, kiên nhẫn hết sức có thể để chờ điều kiện thuận lợn hơn nhằm thoát khỏi khu vực.
Ngày 9/4/1916, tảng băng đã vỡ, tách đôi sau tiếng nứt mạnh bên dưới. Shackleton ra lệnh phá trại, hạ thuyền. Trong suốt thời gian đó, thuyền trưởng Worsley đã chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. 6 ngày lênh đênh trên sóng dữ, đảo Voi đã hiện ra phía xa, cách chừng 48 km. Toàn đội kiệt sức. Dù vậy, họ vẫn quyết tâm chèo thuyền tới mục tiêu và vào ngày 15/4, họ đã cập bờ đảo Voi.
Sau 9 ngày hồi phục và chuẩn bị, Shackleton, thuyền trưởng Frank Worsley và 4 người nữa đã khởi hành trên tàu cứu sinh James Caird để tìm kiếm giúp đỡ từ trạm săn cá voi Stromness ngoài khơi đảo Nam Georgia, cách đó gần 1.300 km. Khi đến trạm thành công, mọi người bắt đầu công cuộc giải cứu 22 thành viên còn lại trên đảo Voi. Đến ngày 30/8/1916, chuỗi ngày gian khổ của nhóm thám hiểm đã chấm dứt.
Mặc dù cuộc thám hiểm đã thất bại, nhưng sự sống sót thần kỳ của đội thám hiểm sau 20 tháng trôi dạt được coi là chiến thắng lớn nhất, với sự kiên trì và kỹ năng lãnh đạo đáng kinh ngạc của Shackleton.
Tuy nhiên, Ernest Shackleton không bao giờ tới được Nam Cực. Ông đã từng thực hiện một chuyến thám hiểm nữa tới đây nhưng thủy thủ đoàn của HMS Endurance cùng tham gia với ông lần nữa nhận ra rằng, ông ngày càng yếu ớt, nhút nhát, không còn tinh thần đã từng giữ cho cả đội sống sót. Ngày 5/1/1922, khi tàu ở đảo Nam Georgia, Shackleton đã lên cơn đau tim và ra đi khi mới 47 tuổi.
“Kỷ vật” được tìm thấy
Sau khi bị bỏ rơi ngoài khơi, con tàu Endurance cuối cùng cũng đã chìm xuống đáy biển Weddell, nơi nó đã yên giấc kể từ đó.
Theo ghi chép, tàu HMS Endurance đã chìm vào năm 1915, ở độ sâu 3.008 mét ngoài Biển Weddell, một hốc ở Nam Đại Dương dọc theo bờ biển phía bắc Nam Cực, phía nam quần đảo Falkland.
Nhóm tìm kiếm con tàu Endurance đã khởi hành từ Cape Town trên tàu hậu cần và nghiên cứu vùng cực Nam Phi SA Agulhas II. Con tàu và sứ mệnh tìm kiếm lần này được đặt tên là Endurance22. Họ bao gồm các nhà khoa học, nhà sử học và nhà làm phim đang quay cảnh cho bộ phim tài liệu sắp ra mắt về hành trình tìm kiếm con tàu huyền thoại Endurance.
Khi họ đến gần khu vực tin rằng là nơi con tàu đắm, các nhà thám hiểm đã sử dụng phương tiện tìm kiếm dưới nước để xác định vị trí con tàu. Trong đoạn phim ghi lại, tên con tàu vẫn được khắc phía đuôi tàu và có thể nhìn thấy một cách rõ ràng.
“Đây là con tàu đắm bằng gỗ tốt nhất cho đến nay mà tôi từng thấy. Nó vẫn đứng thẳng, uy nghiêm dưới đáy biển, còn nguyên vẹn và trong tình trạng bảo quản tuyệt vời”, ông Mensun Bound, người đứng đầu sứ mệnh tìm kiếm tàu Endurance cho biết trong một tuyên bố. “Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử vùng cực”.
Tiến sĩ John Shears, trưởng đoàn thám hiểm cho biết, “Chúng tôi đã tiến hành một chương trình giáo dục cộng đồng chưa từng có, cho phép thế hệ trẻ từ khắp nơi trên thế giới tham gia với con tàu Endurance22, được truyền cảm hứng từ những câu chuyện tuyệt vời về hành trình khám phá địa cực và những gì con người có thể làm được, cùng những trở ngại mà họ có thể vượt qua khi nỗ lực cùng nhau”.
Theo Mai Nguyễn/Đại đoàn kết