Tào Tháo 'thà phụ người, không để người phụ mình', Lưu Bị thì ngược lại?

Google News

Một bên là Tào Tháo gian hùng, không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích, còn bên kia là Lưu Bị, một người trung nghĩa, nhân từ.

Sự đối lập trong phương châm xử thế của Tào Tháo và Lưu Bị là gì?

Tào Tháo và Lưu Bị là 2 nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong kiệt tác văn học Trung Quốc, bộ sách Tam Quốc diễn nghĩa, bộ sách được coi là “gối đầu giường” của những nhà kỹ trị cũng như tướng lĩnh cầm quân ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ trong bộ sách, mà cả trong cuộc sống, hậu thế cũng nhắc nhiều đến các điển tích xung quanh 2 nhân vật này, như là những bài học về đối nhân xử thế, về cách đọc lòng người, hay như những câu phương ngôn đã đi vào đời sống xã hội kiểu: “Đa nghi như Tào Tháo”.

Trong kiệt tác đã trở thành di sản văn học của nhân loại, mà được hậu thế cho là có “7 phần thật, 3 phần giả” này, tác giả La Quán Trung đã miêu tả Tào Tháo và Lưu Bị như đại diện cho 2 tuyến nhân vật. Một bên là Tào Tháo gian hùng, không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích, còn bên kia là Lưu Bị, một người trung nghĩa, nhân từ. Và tất nhiên, tôn chỉ, phương châm xử thế của họ cũng đối lập nhau.

Tao Thao 'tha phu nguoi, khong de nguoi phu minh', Luu Bi thi nguoc lai?

Tào Tháo và Lưu Bị. Ảnh minh hoạ.

Với 1 nhân vật đa nghi, gian hùng, tàn nhẫn như Tào Tháo, ngay ở Hồi Thứ Tư (Theo cách phân hồi của dịch giả Phan Kế Bính, được cho là rất gần với cách phân hồi của tác giả La Quán Trung), ngoài những chi tiết giới thiệu về nhân vật Tào Mạnh Đức tức Tào Tháo, từ xuất thân đến thuở thiếu thời, bằng câu chuyện giết cả nhà Lã Bá Sa đã nói lên đầy đủ lòng dạ của nhân vật này.

Sau khi mang kiếm vào mưu sát Đổng Trác không thành, Tào Tháo giả vờ là vào để dâng kiếm báu cho Đổng Trác rồi sau đó bỏ chốn. Trên đường chốn cùng quan huyện Trần Cung, Tháo đến tá túc 1 đêm ở nhà bạn của bố là Lã Bá Sa. Đang đêm, khi nghe người nhà Lã Bá Sa mài dao và nói với nhau là “trói lại rồi giết”, Tào Tháo và Trần Cung hiểu lầm, liền rút gươm đi thẳng vào, gặp người nào giết người ấy. Khi thấy có con lợn bị trói nằm đó thì mới biết mình giết nhầm người tử tế. Hai người vội trở ra lên ngựa đi. Trên đường đi gặp Lã Bá Sa đi mua rượu về, Tào Tháo liền giết nốt. Thấy vậy Trần Cung nói: “Lúc nãy nhầm đã đành, bây giờ sao lại còn đang tay như thế?” Tháo trả lời: "Bá Sa về, thấy người nhà bị giết, nếu đem người đuổi theo thì ta bị vạ ngay”. Sau đó nói thêm: “Ta thà phụ người, không để người phụ ta”.

Câu nói này không chỉ thể nói lên bản chất con người Tháo, nó còn mô tả phương châm xử thế xuyên suốt trong tính cách nhân vật này một cách nhất quán trong toàn bộ tác phẩm. Để đạt được mục đích, cùng bản tính đa nghi, Tào Tháo sẵn sàng phụ thiên hạ, kê cả sẵn sàng đang tay giết hại người vô tội để không ai có cơ hội phụ ông ta.

Đối diện bên kia là Lưu Bị, với phương châm: “Thà bị chết chứ không làm điều phi nghĩa”, kiểu như thà để người phụ mình chứ mình quyết không phụ người. Được xây dựng với hình tượng là vị vua nhân từ “trên báo nước nhà, dưới yên lê dân”. Bằng phẩm chất này, Lưu Bị đã thu hút được rất nhiều nhân tài kiệt xuất tụ về dưới trướng trong công cuộc xây dựng cơ đồ của mình.

Nhưng cũng chính tính cách này là cho người đọc hậu thế có cảm giác rằng nhân vật này không đủ tài năng, thiếu quyết đoán, không thực sự thực hành vai trò lãnh đạo. Và khi so sánh với cách xử thế thủ đoạn và tàn bạo không nên học theo của Tào Tháo, cho dù phương châm xử thế của Lưu Bị nhân văn hơn nhiều, nhưng rõ ràng người đọc cảm thấy khó mà học tập và áp dụng phương châm này vào đời sống của họ trong cuộc sống đương thời.

Có câu chuyện chưa được kiểm chứng, rằng cố Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông vốn rất yêu thích tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, tất nhiên ông quan tâm đến phương châm xử thế của 2 nhân vật này. Người ta nói Mao Chủ tịch chọn phương châm trung dung, trung hòa giữa 2 thái cực của 2 nhân vật lịch sử này, đại loại đó là ai tốt với tôi thì tôi thì tôi tốt lại nhiều hơn, ai xấu với tôi thì tôi đối lại xấu nhiều hơn.

Còn chúng ta, là hậu bối, chúng ta chọn cho mình cách xử thế nào?

Theo Phạm Hà An/ Dân Việt