Đổng Trác cưỡng bức hàng trăm vạn dân tháo chạy theo mình
Hình ảnh nhân vật Đổng Trác trên phim. Ảnh: Sohu
Đổng Trác (132 - 192), tự Trọng Dĩnh, là một tướng quân phiệt và quyền thần nhà Đông Hán, đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Đổng Trác nổi tiếng là một gian thần, một quân phiệt tàn bạo, dù chỉ giữ chức Thứ sử Tịnh Châu nhưng lợi dụng sự tiến cử của Viên Thiệu với Đại tướng quân Hà Tiến, người đang muốn tiêu diệt thế lực hoạn quan, Đổng Trác đã tiến quân vào kinh khống chế kinh thành, phế Hán Thiếu đế Lưu Biện, lập Hán Hiến đế Lưu Hiệp, làm lũng đoạn triều đình.
Khi đó, các lộ chư hầu trong nước, đứng đầu là Viên Thiệu, bất bình với sự chuyên quyền tàn độc của Trác, đã liên minh lại để thảo phạt Đổng Trác vào năm 190. Thái thú Trường Sa là Tôn Kiên cũng hưởng ứng, tiến binh đánh Đổng Trác.
Khi Tôn Kiên tiến đến Đại Cốc cách Lạc Dương 90 dặm. Đổng Trác thấy Tôn Kiên áp sát kinh thành, bèn đích thân ra trận, giao chiến với Tôn Kiên một trận nhưng bị đánh bại.
Đổng Trác sợ hãi, tính đường mang vua Hán bỏ kinh thành Lạc Dương chạy sang Trường An nên đặt ra những lời sấm truyền để triệu tập trăm quan bàn nên thiên đô. Dương Bưu trong số ít người phản đối mạnh mẽ ý định của Đổng Trác. Đổng Trác tức giận bèn mượn cớ có thiên tai xuất hiện làm điềm xấu, định cách chức Dương Bưu, nhưng chưa thực hiện thì vội vã mang vua Hiến Đế chạy. Sau đó, Đổng Trác cưỡng bức hàng trăm vạn dân Lạc Dương bỏ kinh thành về Trường An. Trước khi đi, Đổng Trác hạ lệnh đốt cháy cung thất ở Lạc Dương, đào bới hết lăng mộ, lấy vật báu.
Lưu Bị không muốn tháo chạy bỏ mặc dân chúng
Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim. Ảnh: Sohu
Lưu Bị (161 - 223) tự là Huyền Đức, người quận Trác thuộc U Châu, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 208, Tào Tháo đã tiêu diệt xong các thế lực quân phiệt phương bắc mà trong đó lớn nhất là Viên Thiệu, hoàn toàn làm chủ phương bắc, nắm trong tay 8 trong số 13 châu lớn trên toàn quốc.
Để tiếp tục mở rộng thế lực, tiêu diệt các thế lực cát cứ còn lại, Tào Tháo tiến hành nam chinh. Mục tiêu đầu tiên ở phương nam của Tào Tháo là Kinh Châu, hiện nằm trong tay Lưu Biểu. Bên cạnh Lưu Biểu còn có Lưu Bị - đối thủ bị Tào Tháo đánh bại ở phương bắc chạy về nương nhờ, được giao trấn thủ ở địa đầu Tân Dã. Diệt Kinh Châu đồng nghĩa với việc cùng lúc diệt 2 họ Lưu, làm bàn đạp tấn công sang Giang Đông – vùng đất hiểm trở của họ Tôn, lực lượng đáng kể nhất trong các chư hầu còn lại.
Giữa lúc quân Tào đang áp sát Kinh Châu thì Lưu Biểu qua đời. Thấy quân Tào lại gần, Lưu Bị vẫn chưa biết Lưu Biểu đã chết, vội bỏ Tân Dã rút về Phàn Thành và sai sứ cấp báo về Tương Dương cho Lưu Biểu.
Con út Lưu Biểu là Lưu Tông được lập lên kế vị làm Châu mục Kinh Châu, đã nghe theo lời khuyên của các thuộc cập quyết định đầu hàng Tào Tháo.
Nghe lệnh của Lưu Tông bắt mình phải cùng hàng Tào Tháo, Lưu Bị kinh ngạc và tức giận, quát đuổi Tống Trung. Biết mình không thể lấy lực lượng nhỏ ở Phàn Thành để chống đại quân Tào, Lưu Bị và các tướng sĩ bỏ chạy về phía nam. Ông sai Quan Vũ mang 1 vạn quân thủy, rút về Giang Hạ để hợp binh với Lưu Kỳ đang trấn thủ tại đây; còn Lưu Bị đi cùng Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Trương Phi và đại bộ phận các tướng văn võ với cánh quân bộ qua Tương Hà, định đi tới chỗ hiểm yếu Giang Lăng là nơi chứa lương thực và vũ khí của Kinh Châu. Người dân không muốn hàng Tào Tháo nên cũng đi theo đoàn quân bộ của Lưu Bị.
Khi đi ngang qua Tương Dương, nhiều quan lại và dân chúng quyết định chạy nạn theo Lưu Bị. Gia Cát Lượng bèn khuyên ông đánh úp Tương Dương, chắc chắn Lưu Tông sẽ không chống đỡ nổi, nhưng ông không nghe theo, chỉ nói vọng vào thành mấy câu trách Lưu Tông rồi tiếp tục đi về phía nam. Hàng vạn dân Kinh Châu ở khu vực Tương Dương cũng sợ bị Tào Tháo tàn sát nên bỏ Lưu Tông theo Lưu Bị, vì vậy số người đi theo ông về phía nam lên tới hơn chục vạn, với hàng ngàn cỗ xe.
Tào Tháo tiến thẳng tới thủ phủ Tương Dương để tiếp nhận Lưu Tông đầu hàng. Lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, Tào Tháo vội lấy 5000 quân kỵ binh tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo, mỗi ngày đêm đi được 300 dặm.
Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim. Ảnh: Sohu
Lưu Bị dẫn đám đông quân lẫn với dân, chạy loạn rất lộn xộn, không thành hàng ngũ, lại không thể đi nhanh dù biết Tào Tháo đang truy kích. Mỗi ngày đoàn quân của ông chỉ đi được hơn 10 dặm. Phía trước còn 300 dặm đường mới tới Giang Lăng. Lưu Bị phải bố trí lại lực lượng, sai Trương Phi mang 2000 quân mã chặn hậu, Triệu Vân dẫn vài trăm quân hộ vệ gia quyến; còn ông cùng Gia Cát Lượng dẫn quân chủ lực bảo vệ dân tị nạn. Có người khuyên ông dẫn một số quân đi trước tới Giang Lăng, nhưng ông nhất định không bỏ dân chúng, cho rằng muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc.
Khi Lưu Bị đi tới Đương Dương – Tràng Bản thì quân Tào đuổi tới nơi, đụng độ với đội quân chặn hậu do Trương Phi chỉ huy. Quân Tào đông hơn nhiều lại tinh nhuệ, đã đánh tan đội quân của Trương Phi và tấn công vào quân chủ lực của Lưu Bị cùng dân chúng.
Quân Lưu Bị tuy đông hơn quân Tào, nhưng do phải dàn trải để canh giữ cho dân chạy nạn nên không thể tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề để nghênh chiến, bị Tào Tháo tấn công dữ dội nên tan vỡ. Lưu Bị thất bại nặng nề, cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi và binh sĩ bỏ chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ quân trang nặng, gia quyến và dân chúng.
Tào Tháo xin Quan Vũ tha cho thuộc hạ
Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim. Ảnh: Sohu
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau khi thua trận Xích Bích trên đường tháo chạy, Tào Tháo quyết định dẫn quân qua đường Hoa Dung để trốn chạy. Ngờ đâu, mọi đường đi nước bước của ông lại vẫn nằm trong lòng bàn tay của Khổng Minh. Toán quân do Quan Vũ cầm đầu đã chặn đánh từ bao giờ.
Tào Tháo biết mình không thể thoát nên đã xin Quan Vũ nể tình xưa mà tha cho thuộc hạ của ông một con đường sống, còn mình sẽ để cho Quan Vũ xử lý. Thời điểm đó nếu Quan Vũ hạ sát Tào Tháo thì thanh danh của ông càng tăng vọt. Thế nhưng, Quan Vũ đâu phải người ham danh lợi, tính cách nổi tiếng nhất của ông là trung nghĩa. Ông trung với Lưu Bị nhưng vẫn giữ được cái nghĩa với Tào Tháo, năm xưa Tào Tháo từng đối đãi với ông không bạc, nên Quan Vũ quyết định làm trái với quân lệnh trạng, tha cho kẻ địch một đường sống.
Quan Vũ tha Tào Tháo ở đường Hoa Dung. Ảnh: Sohu
Tuy nhiên, sự kiện này là do La Quán Trung đã hư cấu ra. Theo sử liệu, trong trận chiến Xích Bích, khi liên minh Tôn – Lưu được hình thành, Chu Du đứng ra gánh vác trách nhiệm chính đương đầu với Tào Tháo. Hai bên đồng tâm cộng tác chống kẻ thù chung. Tháng 12/208, Chu Du dùng hỏa công đốt thủy trại quân Tào ở Xích Bích, Ô Lâm, đại phá quân Tào.
Trong khi quân Ngô tấn công, Lưu Bị cùng các tướng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân cũng chuẩn bị tác chiến, phối hợp tấn công, truy kích bại binh Tào Tháo. Do lực lượng ít, Lưu Bị tập trung quân vào 2 việc: một là bố trí lực lượng tự vệ phòng khi chiến dịch thất bại, hai là truy kích quân Tào. Với việc truy kích quân Tào, ông bố trí quân đón đánh ở Hoa Dung là ngả đường Tào Tháo chạy từ Ô Lâm về Giang Lăng. Vì binh lực của Lưu Bị ít nên Tào Tháo vẫn đi thoát.
Theo sách Sơn Dương công tải ký, khi đến Hoa Dung, Tào Tháo đắc thắng cười Lưu Bị sao không biết phóng hỏa mai phục ở chỗ này. Sau đó quân Lưu Bị nổi lửa xông vào đánh giết nhưng quân Tào đã đi qua.
Tào Tháo chạy thoát về Giang Lăng rồi đi Tương Dương, sau đó bố trí Tào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương Dương, bản thân mình mang đại quân về bắc.
Theo Quốc Tiệp/ Người Đưa tin