Do có quá nhiều phi tần, Vũ Đế đã nghĩ ra độc chiêu dùng xe dê để chọn người ân ái cùng mình mỗi đêm.
Cấm dân chúng kết hôn để tuyển phi tần
Tấn Vũ Đế (236-290), tên thật là Tư Mã Viêm, thời kì trị vì của ông kéo dài từ năm 266 đến năm 290, tổng 24 năm. Tấn Vũ Đế là vị vua đầu tiên của nhà Tây Tấn. Sau khi lên ngôi, Tư Mã Viêm cai trị đất nước theo nguyên tắc “vô vi”, khoan thư sức dân, phát triển sản xuất, giúp kinh tế phát triển thịnh vượng. Tiếc rằng cuối đời lại sa vào ham mê sắc dục, chuyên quyền hống hách, tiêu xài hoang phí.
Những năm đầu trị vì, vợ của Tư Mã Viêm là Hoàng hậu Dương Diễm. Bà khoan từ độ lượng, có nhan sắc trời phú lại biết cách cư xử, trong suốt thời gian còn sống bà gần như không hề bị thất sủng. Năm Thái Thủy thứ 10 (274), Dương hoàng hậu bệnh nguy kịch. Trên giường bệnh, bà vẫn toan tính cho gia tộc, ngăn cản Tấn Vũ Đế lập sủng phi Hồ Quý tần làm Hoàng hậu, mà tiến cử em họ Dương Chỉ vào cung, hy vọng bảo toàn vinh hoa phú quý cho gia tộc họ Dương. Dương Chỉ tuổi trẻ, nhan sắc xuân thanh lại biết lễ nghĩa nên rất được Tấn Vũ Đế sủng ái. Đến ngày 25/8 cùng năm, Dương Diễm hoàng hậu qua đời, hưởng thọ 36 tuổi.
Có thể thấy, dù có trong tay cả giang sơn nhưng Tư Mã Viêm cũng rất sợ và tôn trọng Hoàng hậu Dương Diễm, chuyện nạp thêm phi tần đều phải chiều theo ý kiến của bà. Chỉ đến khi Hoàng hậu Dương Diễm lâm bệnh qua đời, Tư Mã Viêm mới ra lệnh “Cấm dân chúng kết hôn”. Lệnh này được áp dụng cho cả nước.
Theo cuốn “Võ Nguyên Dương Hoàng hậu truyền” mô tả lại: Tấn Vũ Đế muốn tuyển chọn con gái nhà lành trong khắp cả nước vào hậu cung làm phi tần, do vậy ông ra lệnh “cấm dân chúng tiến hành hôn lễ, dựng vợ gả chồng. Nhà ai có ý định giấu con gái hoặc kháng lệnh sẽ bị trừng phạt”. Sứ giả của nhà vua tới các châu, quận để truyền lệnh vua ban.
Từ quan trung đẳng trở lên và sĩ tộc phổ thông cũng phải tiến cử con gái trong tộc cho Tấn Vũ Đế. Nhiều gia đình giàu có đã phải cho con cái ăn mặc rách rưới hoặc giả bệnh để tránh việc bị tuyển vào cung. Trong một đêm có thể tuyển tới 10 người, thậm chí có ngày còn tuyển cả trăm người.
Lệnh cấm kết hôn của Tấn Vũ Đế được ghi nhận là sự việc lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử. Hơn thế nữa, phạm vi tuyển chọn lại bao trùm cả đất nước Tây Tấn rộng lớn. Vì không gì cao hơn lệnh vua ban, nên kẻ nào dám trái lệnh sẽ bị xử trảm.
Mặc cho lệnh ban đi ngược lại lẽ thường, năm Thái Thủy thứ 9 toàn bộ hôn lễ đều bị hủy bỏ, tất cả mỹ nữ trong nước kể cả người đã là vợ chưa cưới của người khác cũng bị liệt vào danh sách mỹ nữ tiến cung. Tư Mã Viêm còn đặc biệt yêu cầu con gái của các vị đại quan trong triều cũng phải vào cung ứng tuyển, nếu kháng lệnh sẽ bị xử tội. Những gia đình quý tộc không dám trái lệch vua, đành phải chuẩn bị cho con gái mình để tiến cung.
Chưa dừng lại ở đó, khi quân Tây Tấn đánh thắng quân Ngô. Tấn Vũ Đế nghe nói người đẹp Giang Nam không giống với mỹ nhân Bắc Kinh, nhất là người đẹp ở Ngô Việt thùy mị, kiều diễm, khiến người khác vô cùng mê mẩn. Bởi vậy Tư Mã Viêm lại hạ lệnh tuyển mỹ nữ Giang Nam tiến cung.
Vua Ngô Tôn Hạo cũng thích sưu tầm người đẹp không khác gì Tư Mã Viên. Mỹ nữ trong cung vua Ngô nhiều vô kể, ước khoảng hơn 5.000 người. Sau khi nước Ngô quy hàng Tấn Vũ Đế, tất cả người đẹp của vua Ngô đều phải vào cung Lạc Dương của Tấn vương.
Cứ như vậy, mỹ nữ trong cung của Tấn Vũ Đế lên tới hơn 10.000 người. Thực tế, theo tính toán dù mỗi ngày Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm có thay phiên thị tẩm một phi tử thì 10 năm cũng vẫn không thể lâm hạnh xong. “Thành tích” này của Tấn Võ Đế quả thực lưu danh thiên cổ, đến nay vẫn không có người vượt qua nổi.
Lúc đó cung điện thì quá nhỏ, không chứa đủ nhiều mỹ nữ như vậy, do đó Tấn Vũ Đế bèn sai người ngày đêm xây thêm cung điện. Cuối cùng cũng bố trí ổn thỏa cho tất cả người đẹp của ông. Từ đó Tấn Vũ Đế cũng bắt đầu cuộc đời ăn chơi trụy lạc của mình.
“Dương xe vọng hạnh”
Chính tam cung lục viện có đông đảo thê thếp như vậy nên Tấn Vũ Đế đã nghĩ ra một cách vô cùng đặc biệt để lựa chọn mỹ nữ sẽ “lâm hạnh” (ân ái) với mình. Theo sử liệu ghi chép, cách chọn mỹ nữ ân ái của Tấn Vũ Đế được gọi là “dương xe vọng hạnh”. Hiểu một cách đơn giản là vị vua này sẽ tọa trên một cỗ xe do dê kéo, rong ruổi trong hậu cung của mình. Xe dê dừng lại ở cung (hay phòng) của phi tần nào thì ông sẽ chọn ngươi đó để ân sủng.
Chuyện kể rằng, trong cả vạn cung tần mỹ nữ của Tấn Vũ Đế có một người tên Phan Thục Phi, vốn rất thông minh đã nghĩ ra một cách để khiến cỗ xe dê luôn dừng trước cung của mình. Theo đó, nhờ tìm hiểu kĩ về những món khoái khẩu của dê nên Phan Thục Phi đã trồng trước cung của mình những khóm trúc tươi tốt, cộng thêm việc rắc nước muối trước cửa cung để dụ những con dê của Tấn Vũ Đế.
Dĩ nhiên, dê là loại vật có khứu giác rất nhạy nên khi ngửi được mùi những thứ rất hấp dẫn này cỗ xe dê luôn dừng lại trước cung Phan Thục Phi và nhờ vậy nàng ta thường xuyên nhận được ân sủng của Tấn Vũ Đế.
Dĩ nhiên, Phan Thục Phi không chỉ thông minh mà còn xinh đẹp và rất biết cách khiến Tấn Vũ Đế hài lòng trong chuyện phòng the nên nàng sau đó được ông trao quyền cai quản cả hậu cung. Sau này các phi tần khác cũng học theo Phan Thục Phi, nhưng đến lúc đó thì quyền lực của Phan thục Phi đã lớn mạnh khắp hậu cung rồi.
Dưới thời kỳ trị vì của mình, Tấn Vũ Đế từng hỏi đại thần là Lưu Nghị rằng: “Khanh thấy trẫm có thể so sánh với vị hoàng đế nào của nhà Hán?”. Ý của vua muốn được so sánh với Cao Đế, Vũ Đế, Quang Vũ Đế hoặc chí ít cũng như Văn Đế, Cảnh Đế.
Nhưng Lưu Nghị trả lời: “Bệ hạ chỉ có thể ví mình với Hoàn Đế, Linh Đế thôi”. Vũ Đế tức giận, hỏi tại sao, Lưu Nghị đáp: “Hoàn Đế, Linh Đế bán quan tước lấy tiền nhưng vẫn cho vào trong quốc khố. Bệ hạ bán quan tước lấy tiền nhưng lại sử dụng cho riêng mình, như vậy là ngay cả Hoàn Đế, Linh Đế bệ hạ cũng không bằng”.
Vũ Đế giận lắm, nhưng đành phải cười trừ: “Sao trẫm lại giống Hoàn Đế, Linh Đế được? Trẫm ít ra còn có trung thần dám nói sự thật như khanh”. Sau này Mao Tôn Cương trong phần thánh thán của Tam Quốc diễn nghĩa đã bình luận rằng thời Tam Quốc mở đầu bằng Hoàn, Linh thì kết thúc cũng bằng Hoàn, Linh. Ngoại trừ ý nói phẩm chất của Vũ Đế cũng giống như Hoàn, Linh còn có ý nói sau khi Hoàn Đế, Linh Đế mất thì diễn ra chiến loạn, triều Hán bị diệt vong, sau khi Vũ Đế mất thì Tây Tấn cũng diệt vong.
Cuộc sống buông thả trong dục vọng của Tư Mã Viêm đã ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của ông. Ngay tới cả “Tư Trị Thông Giám” cũng nói rằng: “Cực ý thanh sắc, toại chí thành tật” đại ý là do việc ham mê dục vọng, sắc đẹp quá đà mà sinh ra bệnh tật. Bởi vậy, năm Công nguyên 290, Tư Mã Viêm bệnh nặng qua đời, hưởng thọ 55 tuổi.
Theo Tiểu Vũ/Pháp Luật Việt Nam