Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1. Trước đó, khi trở về Tổ đình Từ Hiếu, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết tâm thư căn dặn các đệ tử: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền”.
Trong 95 năm trụ thế, 70 hạ lạp, những điều vị thiền sư trao truyền đã góp phần xây dựng cộng đồng Phật giáo. Tâm huyết của ông còn được đúc kết, trao truyền qua 120 cuốn sách đã xuất bản. Nhiều cuốn trong đó có ảnh hưởng tới đông đảo công chúng.
|
Sách Đường xưa mây trắng. Ảnh: Minh Phương.
|
Cuộc đời Đức Phật
Trong những tác phẩm mà thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại, nổi tiếng hơn cả là Đường xưa mây trắng. Cuốn sách hơn 700 trang có tựa đề “Theo gót chân Bụt” dẫn dắt người đọc tìm hiểu cuộc đời của Đức Phật. Với văn phong nhẹ nhàng, giản dị, lối kể gần gũi, lôi cuốn, sách đưa người đọc về thời điểm cách nay hơn 2.600 năm để hiểu về bậc giác ngộ.
Hành trình của Đức Phật (trong sách được dùng với âm "Bụt", phiên âm từ Buddha trong tiếng Phạn) được mô tả qua lời kể của chú bé chăn trâu Svastika, người sau này xuất gia, trở thành đệ tử của Phật.
Những câu chuyện về cuộc đời Bụt được kể lại tuần tự theo trình tự thời gian, từ lúc người sinh ra, lớn lên, lấy vợ, sinh con, học làm chính sự…
Hành trình tiếp nối qua việc Bụt nhìn thấy quy luật sinh, lão, bệnh, tử trước mắt, quyết tầm sư học đạo cho tới khi Ngài giác ngộ Đạo giải thoát, bắt đầu quá trình đi thuyết pháp thu nhận môn sinh và phát triển giáo đoàn...
Cuốn sách cho thấy Bụt là một nhân vật đời thường, là con người chứ không phải thần thánh. Từ một con người bình thường, sống cuộc đời vĩ đại mà Bụt trở nên vĩ đại.
Sách đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20. Tại Việt Nam, ấn bản phổ biến nhất hiện nay do Phương Nam Book thực hiện, cũng tái bản nhiều lần.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng cho biết ông viết Đường xưa mây trắng với rất nhiều hạnh phúc: “Viết Đường xưa mây trắng không phải lao động mệt nhọc mà là cả niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá”.
Những trang viết lay động về tình mẫu tử
Bông hồng cài áo là bài văn về mẹ do thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962. Trong đó, vị thiền sư kể về tập tục mà ông gặp ở Nhật Bản: Ngày của mẹ, những ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa cẩm chướng màu hồng, nếu mất mẹ sẽ cài bông màu trắng. Thiền sư viết: “Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.
“Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ”, Thích Nhất Hạnh viết.
Cuốn sách viết về mẹ bằng hình ảnh, lời văn giản dị, gần gũi. Ông diễn giải về tình mẫu tử: “Thương mẹ là cái gì đó rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức... Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ”.
Lấy ý từ bài viết của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác bài Bông hồng cài áo năm 1967. Ca khúc không chỉ được vang lên mỗi mùa Vu Lan, mà còn là tác phẩm chân thành, cảm động về mẹ.
|
Sách Muốn an được an. Ảnh: Thái Hà Books.
|
Những cuốn sách bàn về tự tại, an lạc
Bên cạnh sách về đạo Phật, tác phẩm văn thơ, khảo luận, thiền sư Thích Nhật Hạnh có nhiều sách viết về tìm bình an, tự tại.
Mở đầu cuốn Muốn an được an, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc, chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa. Khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng”.
Muốn an được an (in lần đầu năm 1987 với tên Being Peace), là một trong những cuốn sách được yêu thích của thiền sư Thích Nhất Hạnh, hàng trăm nghìn bản đã bán trên toàn thế giới. Cuốn sách giúp người đọc nhận ra hạnh phúc có ở quanh ta, vấn đề là mỗi người phải biết tự trấn tĩnh để có được an lạc.
Quan điểm của thiền sư Thích Nhật Hạnh về hạnh phúc được nêu ở đầu sách Giận: “Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc”.
Từ quan điểm ấy, thiền sư đưa ra các bước để “Tiêu thụ sân hận”, “Dập tắt lửa giận”, cất lên “Tiếng nói của yêu thương chân thật” để “Chuyển hóa” rồi có được hạnh phúc và sống đẹp từng phút giây.
Cuốn sách mở ra những khả năng để ta tự mình từng bước thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình. Giận là một trong những cuốn sách nổi tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sách được xuất bản năm 2001, khi mới phát hành, trở thành cuốn bán chạy trong 9 tháng tại Mỹ. Tại Hàn Quốc, một triệu bản đã được bán trong 11 tháng.
Văn chương qua góc nhìn của thiền sư
Thiền sư Thích Nhật Hạnh còn là nhà thơ, nhà văn với nhiều tập thơ và truyện đã xuất bản. Ông từng giảng dạy văn chương và viết Truyện Kiều ra văn xuôi. Thả một bè lau là cuốn sách về kiệt tác dân tộc qua góc nhìn của một thiền sư.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỹ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua những nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại và qua sự tu học của mình.
Ông viết: “Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc và gian truân của mình ra đọc Truyện Kiều chúng ta có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc Truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu. Nhìn như vậy trong khi đọc lại Truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới”.
Theo Minh Phương/Zing News