Trong Tam Quốc, ngoài các mưu sĩ, quân sư, các võ tướng được coi là lực lượng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong nhiều trận đấu giữa ba thế lực mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Nhiều võ tướng đương thời có nhiều đóng góp, được coi là công thần khai quốc như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Trong số họ, có một võ tướng đặc biệt dám đơn thương độc mã lao vào vòng vây, đại phá quân Tào để cứu sống người thân của quân chủ. Người này chính là Triệu Vân.
Theo ghi chép trong sử sách, Triệu Vân được mô tả là vị tướng võ nghệ dũng mãnh, văn võ song toàn, có mưu lược và hết lòng tận trung vì nước. Ông được coi là công thần khai quốc của nhà Thục Hán.
Năm 208, Tào Tháo mang quân tới đánh chiếm Kinh Châu. Lưu Bị giao tranh với đại quân Tào ở Đương Dương, Trường Bản bị thua nên phải bỏ chạy về phía nam. Lưu Bị thua chạy tan tác đến nỗi vợ con bị quân Tào bắt được.
|
Triệu Vân là tướng văn võ song toàn hiếm có trong Tam Quốc.
|
Trong lúc Lưu Bị tháo chạy về phía nam, Triệu Vân một mình một ngựa tự xông vào trận địa của quân Tào để tìm gia quyến của vị quân chủ này. Theo mô tả trong Tam Quốc diễn nghĩa, Triệu Vân uy dũng vô song, ôm theo A Đẩu (con trai Lưu Bị), đơn thương độc mã liều mình xông pha trong đám quân của Tào Tháo, dễ dàng đâm chết nhiều tướng Tào.
Sự dũng mãnh và khả năng chiến đấu của Triệu Vân khiến ngay cả Tào Tháo cũng phải kinh ngạc và khen ngợi rằng: "Thật là một hổ tướng". Cuối cùng, Triệu Vân thành công giải cứu được A Đẩu, lập chiến tích gây chấn động thiên hạ lúc bấy giờ.
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, nếu Trương Phi thay thế Triệu Vân lao vào phá vòng vây của quân Tào, liệu mãnh tướng này có thể cứu A Đẩu thành công?
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, sở dĩ chỉ Triệu Vân mới có thể giải cứu A Đẩu trong trận Trường Bản, bởi vì ông không chỉ có võ nghệ cao, dũng mãnh mà còn vì mệnh lệnh "khó hiểu" của Tào Tháo. Khi tận mắt chứng kiến khả năng chiến đấu cùng tinh thần hết mình vì chủ của Triệu Vân, Tào Tháo quý trọng nhân tài nên ra lệnh cho binh sĩ chỉ được bắt sống mà không được bắn tên. Vị quân chủ họ Tào nhìn ra Triệu Vân là một nhân tài hiếm có trên đời nên muốn bắt sống để chiêu mộ.
Chính nhờ mệnh lệnh của Tào Tháo nên một phần giúp Triệu Vân cứu được A Đẩu an toàn, thực hiện chiến tích "độc nhất vô nhị" thời Tam Quốc.
Nhiều người cho rằng nếu Trương Phi thay thế Triệu Vân đi cứu A Đẩu thì khó có thể thoát khỏi trận địa vòng vây ở Trường Bản. Bởi Tào Tháo sớm biết Trương Phi là thân tín của Lưu Bị nên nhất định sẽ ra lệnh cho thuộc hạ bắn tên.
Tuy nhiên, Tào Tháo đã sớm có đáp án về việc Trương Phi có đột kích phá được vòng vây ở Trường Bản và giải cứu A Đẩu hay không.
Tiềm năng của Trương Phi và "thử thách" phá vòng vây ở Trường Bản
Trước trận Trường Bản, Trương Phi nổi danh trong thiên hạ khi liều lĩnh đơn đấu với Lã Bố, danh tướng được xưng tụng là "chiến thần", võ nghệ thuộc hàng vô địch thiên hạ. Đây là điều mà không nhiều võ tướng đương thời có thể làm được.
Ngoài ra, ngay trong trận Trường Bản, sau khi Lưu Bị thất bại phải rút về phía Nam, chính Trương Phi là người một mình một ngựa, tay cầm xà mâu đứng ở đầu cầu Trường Bản để chặn hậu. Trương Phi hùng dũng hét lớn khiến quân Tào không dám tiến bước, buộc phải lui quân. Trong đại quân Tào khi đó, có tới 9 mãnh tướng hàng đầu của Tào Tháo. Tuy nhiên, không ai dám xông lên giao chiến với Trương Phi vì lo ngại có mai phục ở phía sau.
|
Trương Phi là một trong số ít người dám cả gan đơn đấu với Lã Bố.
|
Tào Tháo khi đó lại nhớ lại lời Quan Vũ từng nói về khả năng của Trương Phi nên càng không dám manh động và cuối cùng ra lệnh rút quân. Cụ thể, Tào Tháo nói với các binh sĩ rằng: "Ta mới nhớ tới lời Vân Trường (Quan Vũ) nói khi trước rằng, Trương Dực Đức (Trương Phi) ở trong đám quân trăm vạn mà lấy đầu thượng tướng dễ như thò tay vào túi lấy đồ".
Luận về võ nghệ, sự dũng mãnh, Trương Phi không hề kém Triệu Vân. Xét về khả năng chiến đấu trong một trận kéo dài, Trương Phi cũng có sức bền đáng kinh ngạc. Minh chứng là Trương Phi từng đơn đấu hơn 100 hiệp bất phân thắng bại với Lã Bố.
Vậy, nếu Trương Phi thay Triệu Vân, liệu võ tướng này có phá được vòng vây và cứu A Đẩu trở về an toàn hay không?
Câu trả lời là có. Hơn nữa, Trương Phi cũng sẽ không bị trúng tên trong trận chiến này. Nguyên nhân là vì thân phận của Trương Phi.
Hóa ra Trương Phi chính là con rể của gia tộc Hạ Hầu. Theo ghi chép trong lịch sử, vợ của Trương Phi là Hạ Hầu thị, cháu gái gọi Hạ Hầu Uyên bằng bác và là em họ của Hạ Hầu Bá. Cha mẹ của Hạ Hầu thị mất sớm nên được Hạ Hầu Uyên nuôi dưỡng, coi như con gái. Khi lớn lên, Hạ Hầu thị lấy Trương Phi và có với nhau hai con trai, hai con gái.
Gia tộc Hạ hầu nhiều đời làm quan. Gia tộc này còn là "cổ đông lớn" của tập đoàn Tào Ngụy với nhiều đóng góp to lớn, do đó Tào Tháo không muốn công khai tấn công Trương Phi ngay trước mặt những người nhà Hạ Hầu. Mặt khác, Quan Vũ, người mà Tào Tháo cả đời mong muốn chiêu mộ, từng lên tiếng khen ngợi tài năng của nghĩa đệ Trương Phi, nên vị quân chủ này càng không thể ra lệnh bắn tên.
Luận về võ công, Trương Phi hoàn toàn có thể thoát khỏi vòng vây của đại quân Tào ở Trường Bản, đồng thời cứu được A Đẩu trở về cho Lưu Bị. Mặt khác, Tào Tháo cũng sẽ bí mật ra mệnh lệnh không được bắn tên vì thân phận đặc biệt của Trương Phi là "con rể" của gia tộc Hạ Hầu.
Theo Phụ nữ số