Nguồn gốc của gối sứ Trung Quốc
Thời xưa, do lông ngỗng, len rất đắt, người bình thường không thể mua nổi nên gối sứ là lựa chọn phổ biến của người dân. Hơn nữa, quy trình sản xuất gối mềm cũng phức tạp, nên những vật liệu này không phải lựa chọn hàng đầu của họ.
Bởi vậy, từ thời nhà Thương những chiếc gối bằng sứ dần xuất hiện và sau khi sang tới thời Đường thì mới được sử dụng phổ biến trong dân chúng.
Và vào thời nhà Tống (960-1279 sau Công nguyên) là đỉnh cao nhất. Gối sứ được sản xuất trong thời kỳ này rất đa dạng về chủng loại và hình dáng đẹp, bao gồm gối hình học, gối hình thú, gối hình kiến trúc, gối hình người. Hoa văn trang trí của những chiếc gối sứ cũng nhiều màu sắc. Các kỹ thuật trang trí cũng tiến bộ nhảy vọt, các kỹ thuật như chạm khắc, cào, cù, in ấn và đóng cọc đã được thông qua, điều này đã làm phong phú thêm hiệu suất của gối sứ, thể hiện quyền lực và tính nghệ thuật.
Đến thời nhà Minh, nhà Thanh thì gối sứ không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà còn là đồ thủ công mỹ nghệ.
Người Trung Quốc cổ đại tin rằng dùng gối thích hợp, cũng như chọn lựa đồ đạc phù hợp có thể giúp điều chỉnh hành vi và tính cách của một người. Trong khi người hiện đại đề cao sự thoải mái, người Trung Quốc xưa kia lại chú trọng đến nâng cao phẩm chất đạo đức để có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Đây là một lý do tại sao gối và đồ nội thất của Trung Quốc cổ đại được làm bằng vật liệu cứng.
Mãi dần sau này, khi Trung Quốc bước vào thời cận đại và du nhập nhiều loại sản phẩm phương Tây cùng sự xuất hiện của các chất liệu khác tốt hơn nên gối sứ đã dần dần biến mất.
Lợi ích của việc dùng gối sứ cứng để ngủ
Thời xưa vào mùa hè nóng nực không có cách nào giảm nhiệt độ, không có đồ gia dụng tiện lợi như điều hòa, quạt máy, ban đêm ngủ không được nên chỉ có thể thông qua một số vật phẩm tự nhiên để cân bằng nhiệt độ, giúp cơ thể giải nhiệt. Chiếc gối sứ rỗng bên trong sẽ thoát nhiệt nhanh, giúp cho người sử dụng khi ngủ sẽ bớt đi oi bức, cảm thấy mát mẻ, ngủ ngon hơn.
Đặc biệt đối với phụ nữ có mái tóc dày và dài dùng gối sứ thì tóc sẽ không dính vào người, sờ vào sẽ có cảm giác mát lạnh.
Không chỉ có tác dụng hạ nhiệt mà gối sứ còn có chức năng chăm sóc sức khỏe. Tác giả Lý Thời Trân đã nói trong cuốn sách “Bản thảo cương mục“: “Sử dụng một chiếc gối sứ trong thời gian dài có thể giúp bạn minh mẫn và cải thiện thị lực, và bạn có thể đọc những cuốn sách hay ngay cả khi đã già.” Có thể thấy, vai trò của những chiếc gối sứ thật sự rất lớn.
Bên cạnh đó, thời xưa tóc của đàn ông và phụ nữ đều búi tóc cầu kỳ. Hầu hết họ sử dụng gối sứ để giữ hình dạng của búi tóc. Một số người thậm chí có thể giữ nguyên chiếc kẹp tóc trong một tuần không mất nhiều thời gian để "chỉnh trang" lại.
Và theo quan niệm của y học cổ truyền Trung Quốc, những chiếc gối cứng sẽ phù hợp với độ cong sinh lý của cơ thể, đặc biệt đối với những người có vấn đề về cột sống cổ.
Đặc biệt, hình ảnh sư tử, hổ và rồng Trung Hoa trên gối sứ được cho là có hiệu quả đuổi yêu xua tà điều mà gối mềm không thể làm được.
Sau thời nhà Minh, các loại gối làm bằng sứ và gỗ dần dần giảm xuống. Một số loại gối lụa và bông bắt đầu xuất hiện, tuy nhiên tác dụng của các loại gối sứ hoặc gỗ với sức khỏe đến nay vẫn được con cháu lưu truyền đến nay.
Theo K.H/Dân Việt