Theo phong tục truyền thống của Trung Quốc, người đã khuất sẽ được người nhà lau cơ thể sạch sẽ, sau đó sẽ mặc một bộ quần áo được gọi là vải liệm. Tấm vải liệm này thường được làm bằng bông với tay nghề giỏi cùng với thiết kế hoa văn tinh xảo. Ngay cả những người già nông thôn cũng tự chuẩn bị vải liệm cho mình khi họ còn sống.
Đối với tấm vải liệm, người nhà cần phải lưu ý một điều quan trọng là phải may tay áo của tấm vải liệm dài để không thể thấy tay của người đã khuất. Theo truyền thống, việc để lộ cổ tay sẽ khiến con cháu người quá cố sau này sẽ đi xin ăn, không có quần áo mặc, cuộc sống tương lai khốn khổ. Ngoài ra, tấm vải liệm này cũng mang đặc điểm riêng ở từng địa phương.
Vậy tại sao người đã khuất phải mặc vải liệm?
Có 3 lý do chính:
Đầu tiên, theo quan niệm truyền thống Trung Quốc, sau khi qua đời, người chết sẽ đến âm tào địa phủ. Lúc này, nhìn lên không thấy mây trời, nhìn xuống không thấy bụi đất, vì vậy gia đình người quá cố sẽ lau người, tẩm liệm bằng bông sạch để họ có thể mặc quần áo chỉnh tề đi về cõi âm.
Thứ hai, người Trung Quốc cổ có câu: “Thọ chung chính thẩm", ngụ ý là về chầu tổ tiên, người sau khi qua đời sẽ được chôn cất cùng gia đình. Bởi vì người nhà sợ rằng tổ tiên không nhận ra nên họ sẽ mặc vải liệm đặc trưng của dân tộc để tổ tiên có thể nhận ra người đã khuất trong nháy mắt, để người không cô đơn ở thế giới bên kia.
Theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, gia đình thật sự rất quan trọng. Mọi người thường quan tâm đến việc người đã khuất đoàn tụ với tổ tiên cũng như tên của họ đã được đưa vào gia phả và phòng thờ của tổ tiên hay chưa.
Thứ ba, mặc quần áo gọn gàng cho người đã khuất là sự tôn trọng đối với họ. Để người đã khuất rời khỏi trần thế trong bộ dạng chỉnh tề nhất có lẽ là niềm an ủi nhất đối với người còn sống. Nếu không làm được điều này, người ở lại sẽ cảm thấy rất tội lỗi và xấu hổ.
Ngoài ra, vải liệm có rất nhiều điều cấm kỵ đối với người quá cố. Theo phong tục truyền thống, người nhà nên lựa chọn vải liệm được làm bằng lụa hoặc cotton, không được dùng vải satanh. Trong tiếng Trung, vải satanh (缎子) và đứt đoạn (断子) có kiểu đồng âm, mang ý nghĩa kém may mắn. Hơn nữa, màu sắc của tấm vải liệm nói chung là những màu sáng hơn, chẳng hạn như đỏ và xanh lam.
Những điều nói trên tuy có phần mê tín, nhưng đó đều là phong tục truyền thống ngày xưa, đến nay vẫn còn nhiều gia đình vẫn tuân theo phong tục cũ.
Ngày nay, có rất ít vải liệm do gia đình tự làm, khắp nơi trên thị trường có các quần áo khâm liệm, bao gồm vải liệm truyền thống của nhà Đường cho đến những bộ quần áo và cà vạt hiện đại.
Nếu người đã khuất mặc quần áo sờn rách, con cháu sẽ cảm thấy tội lỗi, nên tùy theo tình trạng cụ thể mà chọn cách khâm liệm phù hợp cho người đã khuất, mong họ ra đi thanh thản hơn.
Theo TIẾU LƯƠNG/ Phapluatbandoc