Những tiểu hoàng tử, công chúa ngay từ khi lọt lòng đã sống trong nhung lụa, tuy nhiên, họ lại không có được niềm hạnh phúc được lớn lên trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của mẹ đẻ. Bởi nhiều lý do đặc biệt, tất cả họ phải được nuôi dưỡng bởi các nhũ mẫu (hay vú nuôi).
|
Nhũ mẫu trực tiếp nuôi dưỡng các hoàng tử, công chúa. Ảnh: Sohu |
Tại sao các Hoàng đế lại không để phi tần đích thân cho con ti sữa mà phải tìm nhũ mẫu. Nguyên nhân đơn giản nhưng lại phản ánh tâm tư thâm sâu của Hoàng đế.
Trước hết, trên thực tế, nữ nhân duy nhất trong hậu cung được Hoàng đế công nhận thật sự là Hoàng hậu. Những phi tần khác dù có được nhiều sủng ái nhưng địa vị của họ hoàn toàn không sánh bằng Hoàng hậu. Thậm chí khi những phi tần bình thường sinh con, Hoàng đế sẽ không cho phép phi tần đích thân nuôi con mà đều được nuôi lớn dưới danh nghĩa Hoàng hậu hoặc một số phi tần có địa vị cao trong hậu cung.
Và để đảm bảo sinh hoạt thường ngày của các tiểu hoàng tử, tiểu công chúa, trong hoàng cung sẽ có những vị nhũ mẫu đặc biệt.
Hầu hết các phi tần hậu cung đều dựa vào nhan sắc mới có được ân sủng của Hoàng đế. Nhưng ai cũng biết rõ, sau khi sinh con, thân thể của các phi tần đều sẽ có sự biến đổi. Lúc đó, nếu tiếp tục đích thân cho con bú thì rất có thể sẽ khiến sức khỏe lẫn hình thể xấu đi. Vì vậy, để đảm bảo vinh sủng về sau của mình, các phi tần cũng sẵn sàng để nhũ mẫu giúp mình chăm con.
Thời xưa, các phi tần này luôn coi Hoàng thượng là tất cả, là bầu trời. Hoàng thượng luôn có nhiều thê thiếp, nên bị thất sủng là điều rất đáng sợ với phụ nữ thời xưa. Khi có vú nuôi chăm sóc con cái, các phi tần sau sinh mới có thể bồi bổ sức khỏe, chăm sóc nhan sắc, chuyên tâm cung phụng, hầu hạ và lấy lòng hoàng thượng.
Cuối cùng, ở trong hoàng thất thì tình hình phức tạp hơn nhiều, phải biết rằng nếu phi tần nào may mắn được hoàng thượng sủng ái mà sinh hạ hoàng tử, công chúa thì thân phận của họ đương nhiên cũng khác đi. Thậm chí, khi hoàng tử, công chúa được hoàng đế yêu thích, địa vị của phi tần đó có thể nói là một bước lên mây. Do đó, để ngăn chặn những hệ lụy quyền lực từ việc cùng huyết thống, hoàng tử được người khác nuôi nấng, sẽ khiến tình cảm giữa mẹ và con không sâu đậm. Khi thừa kế ngai vàng họ sẽ không dành quá nhiều ân sủng cho mẹ đẻ, tránh sự lộng quyền của hoàng thân quốc thích bên ngoại.
Theo Công lý & xã hội