Tại sao cúng cô hồn phải cúng cháo loãng?

Google News

Theo thuyết nhà Phật, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp chỉ có thể ăn cháo loãng khi cúng cô hồn chứ không thể nuốt được thức ăn thông thường.
 

Cúng cô hồn hay còn gọi là cúng thí thực là cách gọi dân gian của ngày Xá tội vong nhân được thực hiện vào tháng 7 âm lịch hằng năm. Lễ cúng này nhằm mục đích bố thí, cúng dường cho những vong linh vất vưởng, không thân nhân, không người cúng kiếng.
Với người Việt chúng ta, cúng cô hồn là nghi lễ truyền thống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến rằm tháng 7, gia đình nào cũng bày một mâm cúng vào buổi chiều muộn để giúp những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian chưa về được với cõi âm sẽ được bắc cầu siêu độ. Tùy vào điều kiện từng gia đình mà mâm cúng có phần khác nhau nhưng phải đảm bảo đầy đủ vàng mã, hoa quả, khoai luộc, kẹo bánh, gạo muối và không thể thiếu món cháo loãng.

>> Mời quý độc giả xem video: Có nên dùng bột trừ tà trong tháng "cô hồn"? (Nguồn: VTV News) 

Vì sao cúng cô hồn phải cúng cháo loãng?
Cháo loãng được coi là món không thể thiếu khi cúng cô hồn. Theo thuyết nhà Phật, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp chỉ có thể ăn cháo loãng chứ không thể nuốt được thức ăn thông thường. Tuy nhiên, không ít gia đình đã vô tình bỏ qua đồ cúng quan trọng này. Các món bỏng nẻ, khoai, sắn, ngô, kẹo bánh, sữa, bim bim… được coi là để cúng các thai nhi, em bé bị mẹ bỏ rơi.
Tai sao cung co hon phai cung chao loang?
 Ảnh minh họa. 
Trong lễ Xá tội vong nhân, các gia chủ thường vẩy cháo, rắc gạo, muối để bố thí thức ăn khắp 4 phương 8 hướng nhằm tứ tán các cô hồn. Sau khi cúng xong, nên đốt vàng mã ngay tại chỗ để các cô hồn nhận và đi ngay, không lẩn quẩn quấy nhiễu gia chủ.
Một vài địa phương không đem đồ cúng vào nhà, thay vào đó là tục giật cô hồn. Những người sống giành giật các mâm cúng rồi gia chủ sẽ quăng tiền cho người sống (đồng tiền bằng kim khí đang lưu hành) cùng với kẹo bánh. Dân gian cho rằng số người sống đến giành giật càng nhiều càng đông, tức là họ đã "mua chuộc" các cô hồn không đến quấy rối gia đình gia chủ này. Nếu không có ai giành giật, đồ cúng sẽ được bỏ vào túi đem cho trẻ con nhà khác, người nghèo hoặc người ăn xin.
Không nên ăn đồ cúng cô hồn
Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người), những phẩm vật, đồ cúng cô hồn tháng 7 âm lịch và đồ cúng chúng sinh các loại đều để ở ngoài trời lâu, chờ nhang tàn hết mới dọn vào nên dễ bị nguội lạnh. Mâm cúng cô hồn thường đặt ở vị trí rất thấp, thậm chí đặt luôn dưới nền đất, sân nhà. Đồ ăn có thể bị bụi bặm, ruồi bọ hoặc kiến… bu vào, không còn sạch sẽ nên hầu hết mọi người ngại bẩn, không dám ăn và cũng không nên ăn.
Với những vật phẩm khác như bánh kẹo có vỏ bọc, trái cây vẫn còn ăn được, nếu gia chủ không dùng thì đem cho người khác hoặc bỏ vào thùng nước gạo, không nên bỏ đi sẽ hoang phí và mang tội.
Theo Thanh Vân/Khoevadep