Có thật là mùng 5 bước ra đường sẽ gặp vận xui?
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất đối với người Việt. Đặc biệt, những ngày đầu năm lại càng quan trọng hơn bởi thái độ, việc làm trong những ngày này mang ý nghĩa quyết định tài vận của cả một năm dài.
Chính vì vậy, từ xưa, người Việt đã đặt ra khá nhiều điều kiêng kị trong ngày Tết, trong số đó không thể quên câu: "Mùng năm, mười bốn, hăm ba – Đi chơi còn lỗ huống là đi buôn". Theo đó, người Việt quan niệm rằng mùng 5 không nên ra đường, vì sẽ gặp điềm xui xẻo ngày đầu năm.
|
Có nên ra khỏi nhà vào ngày mùng 5 Tết? (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet).
|
Lí giải cho điều này, có ý kiến cho rằng những ngày Tết phụ - tức mùng 4, 5, 6 - là ngày ''con nước'', tức ngày triều cường. Những ngày này thường sinh ra những dòng hải lưu bất thường, gây nguy hiểm cho thuyền bè ở vùng vịnh Bắc Bộ. Từ đó, người xưa quan niệm những ngày này thường mang đến điềm xui, nhất là những người đang đi xa (do ngày xưa, phương tiện chủ yếu là tàu thuyền).
Bàn về góc độ khoa học, con người sẽ chịu tác động mạnh nhất của lực tương hỗ với Mặt Trăng vào những ngày này. Đừng nghĩ ảnh hưởng này không nặng nề nhé. Nguồn năng lượng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm con người mất tự chủ, dễ xảy ra sai lầm trong tính toán, hành động. Trong thực tế, đã có nghiên cứu chứng minh rằng số lượng các vụ tai nạn vào những ngày này tăng cao hơn những ngày khác.
Ngoài ra, cũng còn một cách giải thích khác cho quan niệm ngày mùng 5 là ngày xui xẻo, dựa trên sách lịch của Trung Quốc.
|
Ba ngày mùng 5, 14 và 23 là ba ngày kị trong mỗi tháng nên được gọi là "Ngày nguyệt kị". (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet).
|
Theo đó, ba ngày mùng 5, 14 và 23 là ba ngày kị trong mỗi tháng nên được gọi là "Ngày nguyệt kị". Ngày này là ngày ở Trung cung (ngôi Trung ương ở Hà Đồ) mà Trung cung lại là ngôi vua và lấy số 5 làm biểu hiệu. Đếm từ 1 đến 5 thì số 5 được nhập vào Trung cung, rồi cộng thêm vào số cửu cung (tức là số 9) nữa thì được 14 cũng nhập vào Trung cung, cộng thêm số 9 nữa thì được 23 cũng lại nhập Trung cung nữa. Như vậy là ba lần đều nhập Trung cung (mùng 5, 14, 23).
Ngôi Huỳnh sát là hung sát ở Trung ương (trung cung), mà Thái Tuế (ngôi vua) lại chồng lên ngôi Huỳnh sát, cho nên kẻ dưới phải tránh người trên. Nếu không tránh mà phạm tới bề trên phải gặp hung lai.
Một cách giải thích nữa là dựa theo cuốn "Trâu kiết". Vào những ngày kị, theo lời kinh dạy, đã do sắc của vua (Trung Quốc) bôi bỏ rồi nên chẳng phải câu nệ. Trái lại, theo sách "Hiệp kì" của nhà vua, xét thuyết giải trên cho là có lý nên vẫn để ý (tức là không bôi bỏ). Nhưng trong thực tế, những ngày này không phải là ngày xấu. Chúng chỉ là các ngày trong tháng mà nhà vua thường xa giá đi kinh lí hoặc tuần tra khắp hoàng thành. Mỗi tháng nhà vua đi ba lần, mỗi lần cách nhau 9 ngày.
|
Mỗi tháng nhà vua đi ba lần, mỗi lần cách nhau 9 ngày. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet).
|
Cũng phải nói một chút về tục lệ của người Trung Quốc xưa, rằng người dân không được phép trông thấy mặt vua. Khi kiệu của vua đi tới đâu, người dân buộc phải đóng cửa ở trong nhà, không được lén nhìn hoặc đi lại ngoài đường. Nếu phạm phải lệnh này, lập tức bị chém đầu.
Vì vậy, dân gian truyền miệng nhau, phải kiêng kỵ ba ngày này để tránh sự xui xẻo gặp lúc vua đi mà gánh lấy tai họa. Rồi lâu ngày thành quen, cùng với sự mê tín nên ba ngày này trở thành ngày xấu phải kiêng kỵ đối với các việc có tính quan trọng (hiếu hỷ, làm ăn, xây nhà, đi xa...). Hủ tục này đã từ Trung Quốc sang nước Việt ta từ thời Bắc thuộc, vua chúa nước ta từ đó áp dụng theo. Niềm tin đó được lưu truyền cho đến ngày nay.
Dẫu có cơ sở lịch sử, văn hóa và cả nghiên cứu khoa học lí giải cho câu nói này nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người ai cũng phải đóng kín cửa "cố thủ" trong nhà. Đó chỉ là một câu nói mang tính tham chiếu để chúng ta cẩn trọng hơn khi ra đường mà thôi.
Theo Tri Thức