Dòng dõi
Vào thời thuộc nhà Đường thế kỷ thứ 7, ở Giao Châu có ông Phùng Tói Cái học rộng lại uyên bác, từng được vào cung Hoàng đế Đường Cao Tổ dự yến tiệc và được bổ nhiệm làm quan ở đất Đường Lâm.
Từ đấy Đường Lâm trở thành vùng đất của họ Phùng. Nó cũng trở thành một trong những cái nôi võ học với dòng võ Đường Lâm sản sinh ra rất nhiều anh hùng và danh tướng như Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt), Phùng Tá Chu danh tướng thời nhà Trần, Phùng Phúc Kiều danh tướng thời Lê, Ngô Từ vị tướng khai quốc công thần Hậu Lê, v.v…
Họ Phùng ở Đường Lâm từ đời Phùng Tói Cái trải qua 6 đời thì đến Phùng Hạp Khanh là cha của Phùng Hưng. Phùng Hạp Khanh còn có cô em gái là Phùng Thị Thảo.
Phùng Thị Thảo lấy chồng là Phạm Huyên ở Nam Xương (thuộc Cầu Giấy ngày nay). Hai vợ chồng muộn đường con cái nên hay lên chùa cầu tự, sau đó sinh được hai trai một gái. Người con gái cả là Phạm Thị Uyển, hai người con trai là Phạm Niện và Phạm Huy đều là danh tướng trong đội quân của Phùng Hưng sau này.
Trở thành Hoàng hậu
Lúc này ở An Nam có cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Là người giỏi võ lại hiền tài đức độ, Phùng Hạp Khanh tham gia cuộc khởi nghĩa và nhanh chóng trở thành vị tướng trụ cột của nghĩa quân. Dân chúng theo cuộc khởi nghĩa rất đông.
Tương truyền vì cảm mến tài năng của chủ tướng Mai Thúc Loan, ông Phùng Hạp Khanh đã gả cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển cho.
Phạm Thị Uyển dù là phận nữ nhi nhưng cũng am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, lại là người có chí khí, văn võ song toàn, vì thế mà thường cùng Mai Thúc Loan và các tướng bàn việc cơ mật.
Lúc bấy giờ nhà Đường không chỉ đô hộ An Nam mà còn muốn dùng An Nam làm nơi trung gian để tiến đánh các nước khác ở phía nam. Nhờ sự hiến kế và giúp đỡ của bạn bè, Mai Thúc Loan dự tính tạo liên minh với các nước trong khu vực chống nhà Đường.
Khi đưa quân đánh chiếm được Hoan châu, Mai Thúc Loan lên ngôi Vua hiệu là Mai Hắc Đế, nhằm danh chính ngôn thuận để liên minh với các nước khác.
Theo sách Việt điện U linh, vua Lâm Ấp là Phạm Hề Dĩnh sai tướng Chu Hương An đem 10 vạn quân, vua Chân Lạp Hồ A Khiêm sai tướng Tham Ninh đưa 10 vạn quân cùng đến Hương Lãm (Nghệ An ngày nay) hội kiến và đứng dưới cờ nghĩa của Mai Thúc Loan, tạo thế liên minh quân sự chống lại nhà Đường. Mai Hắc Đế đưa quân bắc tiến đánh bại quân nhà Đường.
Sau chiến thắng, các nước láng giềng đưa quân trở về, đất nước được hưởng cảnh thái bình sau thời gian dài bị đô hộ. Phạm Thị Uyển trở thành Hoàng hậu cùng Mai Hắc Đế lo việc nước.
Sau khi dẹp đươc nội loạn, Hoàng đế nhà Đường cho 30 vạn quân tiến đánh An Nam. Trước thế quân nhà Đường mạnh và đông gấp nhiều lần, Phạm Thị Uyển cùng Mai Hắc Đế cho quân lập các phòng tuyến trên sông Hồng.
An Nam chỉ mới giành được độc lập nên quân sĩ chưa được huấn luyện nhiều, chủ yếu là lính mới, không có kinh nghiệm, phải chống lại đội quân chính quy của nhà Đường có quân số đông hơn. Quân An Nam không giữ được các phòng tuyến trên sông Hồng và phải rút.
Vượt qua được các phòng tuyến trên sông Hồng, quân Đường tấn công vào thành Tống Bình (vị trí thành Thăng Long sau này). Hoàng hậu Phạm Thị Uyển chỉ huy một cánh quân chặn ở sông Tô Lịch.
Quân An Nam đuối dần, Hoàng hậu bị rơi vào thế cùng, quyết không để rơi vào tay giặc đã nhảy xuống sông Tô Lịch.
Tưởng nhớ
Theo ghi chép, xác Hoàng hậu trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục, Cầu Giấy, Hà Nội) thì được người dân vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ phụng, tôn là Đại Ả Nương. Ngôi đền sau này được đặt tên là đền Dục Anh.
Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Phùng Hạp Khanh trở về quê nhà Đường Lâm. Ông sinh được con trai là Phùng Hưng, sau này khởi nghĩa đánh tan quân nhà Đường lên ngôi Vua, hiệu là Bố Cái Đại Vương.
7 thế kỷ sau, khi nghĩa quân Lam Sơn vào giai đoạn tổng công kích quân Minh, Lê Lợi một lần nghỉ đêm ở miếu Dục Anh, được Thần báo mộng sẽ giúp nghĩa quân chiến thắng. Sau này khi nghĩa quân Lam Sơn quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi, Lê Lợi phong cho bà là Khiêm Sung Đại Vương.
Hơn nghìn năm qua, người dân vẫn kính cẩn tôn thờ Hoàng hậu Phạm Thị Uyển. Người dân làng Hòa Mục tôn bà làm Thành Hoàng để thờ phụng.
Ngày nay đền Dục Anh nằm ở đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.
Theo Trần Hưng/Tri Thức