Người đời biết tới Lã Bố chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Trong tiểu thuyết này, Lã Bố xuất hiện từ hồi 3 đến hồi 19. Lã Bố được mệnh danh là “chiến thần”, phần lớn độc giả xem Lã Bố là vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam quốc, hơn cả Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu…
Lã Bố sống trong một thời đại loạn lạc, chiến tranh, cướp bóc liên miên, hoàng triều đổ nát, giặc cướp nổi lên như ong. Ông sớm có dịp được thi thố tài nghệ của mình. Trong suốt những năm rong ruổi chiến trận, Lã Bố từng theo hầu dưới trướng nhiều người như Đinh Nguyên, Đổng Trác, Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Bị…
Tuy kiêu dũng vô song nhưng nhiều sử gia đánh giá Lã Bố chỉ là hạng “hữu dũng vô mưu”, tham lợi bỏ nghĩa và háo sắc. Chỉ vì một con ngựa Xích Thố Lã Bố phản Đinh Nguyên theo Đổng Trác. Chỉ vì một nàng Điêu Thuyền, Lã Bố tiếp tục sát hại Đổng Trác theo về với Vương Doãn. Tới khi cơ nhỡ, lưu lạc, được Lưu Bị cho nương tựa, Lã Bố tiếp tục trở mặt, nhân lúc Lưu Bị sơ hở chiếm giữ thành Từ Châu. Tuy nhiên, việc Lã Bố phản bội Lưu Bị không hẳn do tính hay phản trác của Lã Bố mà còn có nguyên nhân đằng sau đó.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau khi Lưu Bị tiếp quản Từ Châu, nhận chức Từ Châu mục thay cho Đào Khiêm. Năm 195, Lã Bố thất bại trong cuộc giao tranh với Tào Tháo ở Duyện Châu, đến nương nhờ Lưu Bị.
Mọi người khuyên Lưu Bị không nên cho Lã Bố nương nhờ. Tuy nhiên, dù biết Lã Bố là người hay phản trác, nhưng Lưu Bị cũng không phải là người không biết đạo nghĩa bởi trước đó nếu không có Lã Bố đánh úp Duyện Châu của Tào Tháo thì Từ Châu chưa chắc đã được bình yên. Bây giờ Lã Bố thất thế nương nhờ, nếu họ Lưu không giúp thì không đúng với đạo nghĩa…
Cuối cùng Lưu Bị cho Lã Bố nương nhờ đóng quân ở Tiểu Bái, một quận thuộc về Dự Châu nhưng nằm gần Hạ Bì - trung tâm Từ Châu và nằm trong tay người cai quản Từ Châu từ thời Đào Khiêm.
Biết Lưu Bị và Lã Bố nếu liên minh với nhau sẽ khó khống chế, nên Tào Tháo rất lo lắng. Để chia rẽ Lã Bố và Lưu Bị, Tào Tháo nhân danh Hiến Đế phong chức cho Lưu Bị. Lưu Bị tiếp nhận. Lã Bố thấy Lưu Bị hợp tác với Tào Tháo, sợ hai bên liên kết đối phó với mình nên bắt đầu lo lắng.
Cùng lúc đó, quân phiệt Viên Thuật ở Thọ Xuân tấn công Lưu Bị để tranh đoạt Từ Châu. Lưu Bị và Quan Vũ mang quân đi Vu Thai kháng cự Viên Thuật, sai Trương Phi giữ thành Hạ Bì (thủ phủ Từ Châu). Trương Phi bất hòa với viên tướng cũ của Đào Khiêm là Tào Báo, bèn giết chết Tào Báo.
Viên Thuật viết thư cho Lã Bố đề nghị đánh úp Từ Châu, đổi lại Viên Thuật sẽ tạ ơn bằng 20 vạn hộc lương. Lã Bố thấy Lưu Bị kết giao với Tào Tháo là kẻ thù của mình nên vốn đã lo ngại, do đó quyết định nhận lời Viên Thuật. Nhân lúc Hạ Bì hỗn loạn do cái chết của Tào Báo. Thủ hạ của Tào Báo là Hứa Đam và Chương Luống đến gặp Lã Bố, khuyên nhân lúc đêm tối đánh ngay thì ở trong thành sẽ làm nội ứng. Lã Bố bèn tiến quân, Hứa Đam mở cửa thành cho ông chiếm Hạ Bì. Trương Phi không chống nổi quân Lã Bố, mang thủ hạ bỏ chạy, không kịp mang theo gia quyến Lưu Bị.
Trương Phi chạy đến chỗ Lưu Bị ở Hoài Âm. Lưu Bị phải lui về Quảng Lăng cầm cự với Viên Thuật. Do tình thế bức bách, lực lượng yếu không kháng cự được Viên Thuật và Lã Bố, ba anh em Lưu Bị-Quan Vũ-Trương Phi phải quay về Từ Châu hàng Lã Bố. Lã Bố thấy Viên Thuật thất tín không cấp lương cho mình bèn hòa giải với Lưu Bị, ông tự xưng làm Thứ sử Từ Châu, tiến cử Lưu Bị làm Dự Châu Mục, sang đóng ở thành Tiểu Bái gần đó. Dự Châu vốn có 6 quận nhưng trên thực tế Lưu Bị chỉ có một quận Tiểu Bái đóng quân.
Qua đây nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng Lã Bố ít nhiều vẫn là một người có nguyên tắc. Điều này thể hiện ở việc khi đánh lén Từ Châu, Lã Bố dù bắt được vợ con Lưu Bị nhưng cũng không có ý làm khó, sau này còn giúp Lưu Bị ngăn chặn âm mưu tấn công từ Viên Thuật. Đủ để thấy Lã Bố không hẳn là một kẻ tiểu nhân, không nói lý lẽ.
Theo Quốc Tiệp/Người Đưa Tin