Tháng 4, năm 1399, Hồ Quý Ly ép Thuận Tông phải đi tu đạo ở quán Ngọc Thanh, thôn Đạm Thuỷ. Quý Ly ngầm sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông nom coi sóc. Thuận Tông hỏi Cẩn: "Anh đi theo ta, ý muốn làm gì?". Cẩn không nỡ nói rõ. Quý Ly làm thơ bảo Cẩn rằng: "Nếu nguyên quân không chết, thì nhà ngươi phải chết". Cẩn dâng thuốc độc, Thuận Tông không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn, cũng không chết. Quý Ly bèn sai Xa kỵ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết.
Câu chuyện Lý Huệ Tông và Trần Thuận Tông giống nhau từ hoàn cảnh đến kết cục. Hoàn cảnh là 2 vị vua đều mất quyền lực và bị bức nhường ngôi rồi phải đi tu. Kết cục là cả 2 vị nguyên quân sau khi đi tu đều không thoát khỏi cảnh phải chết sớm. Lý Huệ Tông mất năm 32 tuổi còn Trần Thuận Tông mất năm 22 tuổi.
Trước sự trùng hợp như vậy được ghi chép trong chính sử thì hậu thế đều tin rằng lời nguyền của Lý Huệ Tông với nhà Trần là linh ứng. Trong tâm lý người Việt thì rất tin chuyện quả báo nên không mấy ai hoài nghi về tính xác thực trong việc Lý Huệ Tông ra lời nguyền với nhà Trần.
Trở lại câu chuyện Trần Thủ Độ đối xử với Lý Huệ Tông thời điểm 1226. Việc Trần Thủ Độ canh phòng nghiêm ngặt Lý Huệ Tông là điều dễ hiểu, thậm chí bức tử vị thượng hoàng nhà Lý cũng không lạ khi đó là mối lo hàng đầu trong việc giữ ngôi vua cho họ Trần. Nhưng chi tiết Lý Huệ Tông khấn nguyền họ Trần trong phòng ngủ mà đưa vào sử thì thật bất bình thường. Đơn giản trong buồng kín, lời khấn thầm đó làm sao lọt ra ngoài. Hơn nữa, có ai thính tai nghe thấy cũng đâu dám nói đến tai sử quan chuyện mang vạ vào thân này. Suy cho cùng đó cũng chỉ là những chuyện dân gian được ghi vào sử mà không ghi chú rõ để hậu thế dễ coi là thực. Điều này cũng giống như câu chuyện mà trước đó chúng tôi đã nêu trong bài viết minh oan cho Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Câu chuyện sử chép "như thật": "Lúc sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng: "Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được!". Trong bụng Quốc Tuấn vẫn không cho câu nói ấy là đúng. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, một mình nắm hết quyền bính trong nước trong quân, có lần Quốc Tuấn đem câu trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người can ngăn, nói: "Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan, chúng tôi mong học được như người mổ dê tên là Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước". Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi.
Có lần Quốc Tuấn giả vờ hỏi dò ý con là Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn rằng: "Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?". Quốc Nghiễn thưa rằng: "Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ". Quốc Tuấn rất lấy làm phải; sau lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng tiến thẳng đến, nói: "Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ". Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng: "Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra". Nói rồi có ý muốn giết đi. Quốc Nghiễn vội chạy ra kêu khóc xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiễn rằng: "Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc".
Tuy nhiên, chúng tôi bác bỏ tính xác thực của sự kiện này vì những câu chuyện cha con riêng tư nhạy cảm (giữa An sinh vương Trần Liễu với Hưng Đạo vương và giữa Hưng Đạo vương với 2 người con) như vậy thì đâu có thể lọt ra ngoài để vào trang sử. Nếu thực sự có chuyện lọt ra như vậy thì làm gì có chuyện sau này Quốc Tảng được trọng dụng là trụ cột của triều đình.
Những câu chuyện lời khấn nhỏ của Lý Huệ Tông nơi phòng ngủ hay lời bàn riêng của cha con Hưng Đạo vương có lẽ chỉ là những giai thoại dân gian tồn tại thời kỳ cuối nhà Trần được các sử gia nhà Lê ghi vào. Giai thoại lời nguyền của Lý Huệ Tông rất có lợi cho Hồ Quý Ly vì nó cho thấy việc nhà Trần mất ngôi cũng giống như cái giá của chuyện nhân quả. Có thể tin rằng khi nhà Trần hưng thịnh thì giai thoại như vậy khó tồn tại và càng không thể được đưa vào sử sách. Liệu giai thoại đó có phải người của Hồ Quý Ly thời kỳ mạt Trần tung ra để mê hoặc nhân tâm không?
Và giai thoại đó cũng rất có lợi cho nhà Lê. Khi Lê Thái Tổ đánh bại quân Minh lập triều đình thì nhà Lê cũng e ngại có nơi còn nhớ đến nhà Trần. Bản thân khi Lê Lợi ban đầu dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn cũng phải mượn cái danh của Trần Cảo ngoài việc để đối phó với chiêu bài của nhà Minh cũng là để có sự chính danh khi hiệu triệu thiên hạ. Điều đó cho thấy dân chúng thời điểm đó cũng chưa hẳn quên nhà Trần. Cũng đừng quên Trần Ngỗi (Giản Định Đế), Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế) công đức chưa là bao nhưng nhờ danh là hậu duệ vua Trần nên khi hiệu triệu mà được không ít người hưởng ứng chẳng khác gì Lưu Bị thời Tam Quốc.
Do vậy, các sử gia nhà Lê có thể dễ dàng chấp nhận "thuyết" về lời nguyền của Lý Huệ Tông để giúp người trong thiên hạ dễ dàng chấp nhận việc nhà Trần phải lui xuống vũ đài lịch sử và càng đề cao sự chính thống, vâng theo đạo trời - tiếp nối triều đại của nhà Lê.