Khu mộ được cho là của Thành Cát Tư Hãn là một vùng đất rộng lớn, rất phù hợp với một truyền thuyết vĩ đại. Không có đường đi, không có nhà cửa kiên cố... Chỉ có đồng cỏ mênh mông, trời xanh và gió vi vút thổi.
Chúng tôi dừng lại uống trà sữa pha muối trong lều tròn, tiếng địa phương gọi là “ger”, của những người chăn nuôi du mục trên đồng cỏ, chụp những tấm ảnh ngựa hí dê kêu. Đây là địa phận tỉnh Omnogovi, Mông Cổ. Vùng đất rộng tới mức chúng tôi không thể tượng tượng sẽ đi hết vùng này chỉ bằng ngựa thay vì ô tô.
Niềm tự hào của dân tộc
Nhưng đây là vùng đất của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan), vị thủ lĩnh người Mông Cổ đã chinh phạt thế giới trên lưng ngựa. Câu chuyện về ông ta đầy những bắt cóc, máu đổ, tình yêu và sự trả thù. Nhưng đó là chuyện đời ông ta. Huyền thoại chỉ bắt đầu khi ông ta chết.
|
Chân dung Thành Cát Tư Hãn (Ảnh: Washington Post). |
Genghis Khan (phiên âm Hán - Việt thành Thành Cát Tư Hãn) từng có thời thống lĩnh một vùng rộng lớn, kéo dài từ biển Thái Bình Dương tới biển Caspi.
Trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn yêu cầu được chôn cất bí mật. Quân lính của hoàng đế Mông Cổ đưa thi hài ông ta từ Tây Hạ về kinh đô, giết bất cứ ai gặp trên đường với mục đích giữ bí mật. Khi thi thể Thành Cát Tư Hãn được chôn cất, tướng lĩnh dưới quyền ông ta cho 1.000 kỵ binh cưỡi ngựa chạy qua lại trên mộ nhằm xóa đi mọi dấu vết.
800 năm kể từ sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn (1227), chưa ai tìm thấy mộ ông ta. Các cuộc thám hiểm do người nước ngoài dẫn dắt được tổ chức nhằm tìm ra vị trí ngôi mộ đã được tổ chức. Người ta căn cứ vào các cứ liệu lịch sử, đi tới các vùng đất trong sử sách, thám sát từ vệ tinh, theo Hãng tin BBC.
Tạp chí National Geographic còn mở hẳn một dự án có tên Thung lũng Genghis Khan, sử dụng các hình ảnh được chụp từ vệ tình, tổ chức các cuộc tìm kiếm trên quy mô lớn. Nhưng hầu hết những đối tượng muốn tìm ra mộ Thành Cát Tư Hãn là người ngoại quốc. Dân Mông Cổ tỏ ra không hào hứng với ý tưởng này.
Không phải Genghis Khan không có vai trò quan trọng đối với lịch sử của Mông Cổ hay đối với người dân, trái lại là khác. Chân dung ông được đưa lên tiền, trên tem các chai rượu… Vì thế, có thể sẽ khó hiểu đối với người ngoại quốc khi người Mông Cổ coi việc bị hỏi hay đi tìm mộ Thành Cát Tư Hãn là điều kiêng kị.
Thái độ miễn cưỡng này của người Mông Cổ nhiều khi lại được báo chí, truyền thông “lãng mạn” hoặc “kịch tính” hóa bằng việc gắn cho chúng một vài “lời nguyền” nào đó, ví dụ “thế giới sẽ diệt vong nếu mộ Thành Cát Tư Hãn được tìm thấy”.
Những lời đồn này có lẽ ra đời dựa trên một truyền thuyết khác: Năm 1941, mộ phần của vua Tamarlane của Mông Cô - Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ 14 được các nhà khảo cổ học Liên Xô khai quật. Ngay sau đó, Phát xít Đức tấn công Liên Xô, khơi mào Mặt trận phía đông đẫm máu trong Thế chiến 2. Những người mê tín coi đó là một quả báo.
Nhưng Uelun, phiên dịch người Mông Cổ không phải người mê tín. Cô là một thanh niên Mông Cổ trẻ tuổi, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở đại học tổng hợp Buryat ở Ulan-Ude, Nga. Theo ý cô, chuyện kiêng nói về phần mộ Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ không phải là mê tín, mà là sự tôn trọng. Bởi Thành Cát Tư Hãn không muốn người đời sau tìm thấy mộ của ông ta.
“Người Mông Cổ tìm mọi cách để giấu mộ của ông ấy”, cô nói. “Khai mộ Thành Cát Tư Hãn là đi trái lại di nguyện của ông ấy”.
Đó là một thứ tình cảm phổ biến. Mông Cổ là một đất nước có truyền thống lâu đời, sự tự tôn dân tộc sâu sắc. Nhiều gia đình treo trong nhà chân dung Thành Cát Tư Hãn. Một số người tự cho mình là “con cháu của thần thánh”, cho rằng tổ tiên họ đến từ hoàng gia xa xưa. Khắp nơi trên đất Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực.
Cuộc tìm kiếm
Ngoài chuyện sức ép phải tôn trọng các di nguyện của Thành Cát Tư Hãn, các cuộc tìm kiếm mộ phần vị hoàng đế này còn gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật. Diện tích Mông Cổ rất lớn và đất nước này còn rất hoang sơ, kém phát triển: lớn gấp 7 lần diện tích nước Anh nhưng hệ thống đường sá chỉ bằng 2%. Mật độ dân số cực thấp, có thể nói thuộc hàng thấp nhất thế giới. Các vùng hoang vu không người trú ngụ có ở khắp nơi. Trong bối cảnh đó, tìm ra một ngôi mộ quả là không hề dễ dàng.
|
Từng là đế chế, nhưng nay Mông Cổ vẫn là vùng đất hoang vu (Ảnh: BBC). |
Tiến sỹ Diimaajav Erdenebaatar trong nhiều năm qua phải đối đầu với hoàn cảnh như thế khi thực hiện các công việc liên quan đến khảo cổ của mình. Là trưởng khoa Khảo cổ thuộc Đại học Tổng hợp Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ, ông là một trong những người tham gia cuộc thám hiểm đầu tiên với mục tiêu tìm ra vị trí mộ phần của Thành Cát Tư Hãn.
Đây là dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Mông Cổ có tên Gurvan Gol (nghĩa là “ba dòng sông”) tập trung vào nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn ở tỉnh Khentii, nơi có ba dòng sông là Onon, Kherlen và Tuul chảy qua. Đó là năm 1990, khi Mông Cổ chuyển đổi thể chế. Dự án bị phản đối và buộc phải dừng lại.
Uelun và phóng viên BBC gặp tiến sỹ Erdenebaatar nói về chuyện tìm mộ, đặc biệt là dự án hiện nay của ông với nơi yên nghỉ của Thành Cát Tư Hãn. Kể từ năm 2001, ông đã và đang cho khai quật một khu mộ cổ 2.000 tuổi. Khu mộ được cho là của các vua Xiongnu ở vùng miền trung Mông Cổ, thuộc tỉnh Arkhangai.
Tiến sỹ Erdenebaatar tin rằng Xiongnu là tổ tiên của người Mông Cổ. Chính Thành Cát Tư Hãn cũng tin vào điều này. Điều này có nghĩa rất có thể các nghi thức chôn cất sẽ tương tự nhau và những gì được tìm thấy ở khu mộ các vua Xiongnu cũng rất có thể phản ánh những gì có ở mộ Thành Cát Tư Hãn.
Tuy nhiên, những gì tiến sỹ Erdenebaatar muốn chưa hẳn là những thứ nhiều người dân Mông Cổ muốn. Vì vẫn tồn tại những tranh cãi trong xã hội Mông Cổ về chuyện này.
Bởi đơn giản, Thành Cát Tư Hãn rõ ràng là vị anh hùng vĩ đại nhất của người Mông Cổ. Phương Tây chỉ ghi nhớ những gì ông ta chiếm đoạt nhưng người Mông Cổ ghi nhớ những gì Thành Cát Tư Hãn tạo ra. Đế chế của ông ta kết nối Đông và Tây, mở ra cơ hội cho Con đường tơ lụa. Ông cũng tạo ra hệ thống dịch vụ bưu chính đáng tin cậy, đưa vào sử dụng tiền giấy. Thành Cát Tư Hãn không chỉ chinh phục thế giới, ông ta còn góp phần tạo ra nền văn minh.
Cho đến ngày nay, ông vẫn được tôn trọng ở nhiều nơi. Và đó là lý do những người Mông Cổ như Uelun muốn mộ phần của Thành Cát Tư Hãn được để yên. “Nếu họ (các vị tiên đế) muốn chúng tôi tìm thấy mộ phần, họ đã để lại những chỉ dấu”, cô nói.
Theo NGUYỄN XUÂN THỦY/Kiến thức gia đình số 1