Tranh khắc gỗ thế kỷ 19 có hình ảnh ninja chỉ cần đan tay vào nhau, đọc thần chú 9 từ là lập tức phân thân thành trăm người hùng hậu.
Họ đến như một làn gió. Họ biến mất như một làn khói. Tất cả được thực hiện trong đêm với các thủ thuật vượt quá năng lực người thường. Ninja – chiến binh bóng đêm siêu hạng luôn là nỗi khiếp sợ của bất kì lãnh chúa Nhật nào mỗi khi đêm xuống.
|
Ninja dùng thuật kuji-kiri để biến hình. |
Những năng lực khó tin
Ninja thường được gắn với các năng lực siêu nhiên vượt trội hơn tất cả mọi người. Một trong số những truyền thuyết gắn liền với ninja là khả năng bay như chim, tàng hình, biến hình thành mọi con vật, triệu hồi động vật hoặc kiểm soát 5 nguyên tố tự nhiên.
Theo sử gia Michael Turnbull, những năng lực kì diệu này xuất phát từ thời Edo trong các hình thức nghệ thuật như vẽ tranh hay thơ văn. Turnbull cũng cho rằng đây là một hình thức phát tán thông tin về những năng lực siêu nhiên của ninja.
Tác giả Nakagawa Shoshujin trong tác phẩm Okufuji Monogatari khẳng định ông có năng lực biến thành chim và các loài thú khác nhau. Truyền thuyết kể lại rằng Nikki Danjo, một ninja khét tiếng tàn ác có khả năng biến một phần cơ thể thành chuột. Nikki sẽ sử dụng khả năng này để đánh nhau với đối phương. Các tranh khắc gỗ của họa sĩ Kunisada năm 1857 cũng mô tả lại năng lực kì lạ này của Nikki.
Khả năng điều khiển 5 nguyên tố tự nhiên gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ cũng thường được nhắc tới trong các tác phẩm truyền thống. Nhờ việc làm chủ 5 kĩ năng mà ninja được gắn với nhiều truyền thuyết khó tin.
Trong thực chiến, ninja cũng sử dụng kĩ thuật điều khiển thiên nhiên để lẩn trốn kẻ thù, bao gồm độn thủy, độn hỏa, độn mộc, độn kim và độn thổ. Độn thổ là kĩ năng phổ biến nhất, trong đó ninja đột ngột biến mất trước mặt kẻ thù. Thực chất, họ đã đào trước một chiếc hố và sẽ nhảy vào đó trong đêm tối. Màu sắc của quần áo và bóng đêm giúp họ ẩn mình nhanh chóng.
Độn thủy là kĩ thuật cũng tương đối phổ biến khi cần chạy trốn với dụng cụ quan trọng là một ống sậy. Ninja khi cần lẩn tránh kẻ thù truy đuổi gắt gao sẽ nhảy xuống ao, hồ và dùng ống sậy để thở. Họ có thể ở dưới nước trong 1,2 tiếng liên tục mà không bị phát hiện. Ninja thường thở ở nơi có nhiều bèo tấm để tránh gây xao động mặt nước.
Độn mộc được dùng khi ninja áp sát người vào thân cây và dùng miếng vải tối màu che hết thân mình. Lợi dụng bóng đêm, ninja sẽ tránh bị quân thù phát hiện. Dù vậy, kĩ thuật này mức độ thành công không cao và thường đẩy ninja vào tình thế bị động.
Độn hỏa và độn kim ít được sử dụng nhất, trong đó ninja sẽ ném pháo cầm tay để làm đối phương bất ngờ rồi nhanh chân tẩu thoát. Kĩ thuật này rất tốn thời gian để kích nổ pháo tay và có thể gây ra những vết thương chí mạng nếu dây cháy chậm quá ngắn. Độn kim là cách ninja ném…tiền ra đằng sau để những kẻ đuổi theo dừng lại và nhặt tiền thay vì truy đuổi ninja. Cách này có xác suất thành công thấp nhất và thường chỉ xuất hiện trong tranh vẽ chứ không có ninja nào thực hiện ngoài đời.
|
Nhiều sử gia khẳng định kĩ thuật phân thân thành trăm người chỉ là hư cấu. |
Việc ninja sử dụng diều để do thám và lẩn trốn cũng thường được đề cập. Tác giả Draeger trong cuốn “Toàn tập võ thuật cổ truyền châu Á” khẳng định ninja thường dùng diều để bay tới các địa hình hiểm trở và ném bom vào quân địch. Đôi lúc, diều được dùng vào mục đích truyền tin giữa các địa điểm xa xôi.
Sử gia Turnbull nhấn mạnh rằng diều lớn có thể nhấc người khỏi mặt đất, tuy nhiên việc dùng diều để bay lượn như chim rồi tấn công quân địch “chỉ có trong tưởng tượng”.
Phân thân thành trăm người
Đáng chú ý và nhận được sự quan tâm nhiều nhất là năng lực phân thân thành trăm người khác nhau để chiến đấu với quân thù hoặc đánh lạc hướng. Để kích hoạt năng lực này, tranh vẽ truyền thống mô tả ninja phải dùng thuật đan tay kuji-kiri để hội tụ sức mạnh của các vị thần rồi phân tách cơ thể thành hàng trăm người.
Dù truyền thuyết này rất được ưa chuộng nhưng sử gia Turnbull phủ nhận và nói đây chỉ là điều tưởng tượng trong thế giới ninja để tăng thêm tính huyền bí.
Thuật kuji-kiri là kĩ thuật đan tay vào nhau hay được các chiến binh Aryan Hindu thực hiện. Từ kuji (nghĩa là “cửu cách”) có xuất xứ từ đạo Lão ở Trung Quốc, cho rằng ninja có thể triệu hồi sức mạnh của thuật phân thân bằng cách đọc thần chú 9 từ, theo tác giả David Waterhouse trong cuốn “Tôn giáo Nhật Bản – mũi tên lên thiên đường”.
David nói rằng ninja Nhật tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên sau khi đọc xong thần chú vì một vị thần sẽ được triệu hồi. Thuật kuji-kiri truyền vào Nhật thông qua Phật giáo và phát triển nở rộ dưới thời Shugendo (thế kỷ thứ 7). Đến nay, trong nhiều bộ phim hay truyện tranh, thuật đan tay kuji-kiri vẫn được thực hiện như một niềm tin vào việc triệu hồi năng lực siêu nhiên.
Theo Dân Việt