Quan niệm về “sao xấu”
Vào mỗi dịp đầu năm, rất nhiều người dân đi xem sao chiếu mệnh cho bản thân và gia đình rồi tìm cách cúng dâng sao cầu mong giải được hạn nếu năm đó họ gặp sao xấu. Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các vị sư cho rằng điều này xuất phát từ các nhà chiêm tinh ở vùng Trung Đông sau đó sang đến Trung Quốc, sau đó người Việt Nam ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Quốc.
|
Ảnh minh họa. |
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, riêng việc
cúng sao giải hạn theo kiểu phổ biến hiện nay thì ngoài việc dựa vào tử vi, người Việt Nam ta thường dựa vào Cửu Diệu vốn có nguồn gốc ban đầu từ Ấn Độ trước khi sang Trung Quốc và Việt Nam. Đây là những thiên thể không cố định như các sao trong mỗi chòm sao mà có sự dịch chuyển hàng ngày.
Cửu Diệu gồm 7 thiên thể được quan sát thấy là Mặt trời, Mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ (tên gọi trong Cửu Diệu là Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch). Ngoài ra, còn có hai thiên thể tưởng tượng nữa là La Hầu và Kế Đô.
Việc người dân vẫn đang tin rằng nếu chẳng may gặp sao xấu (La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô...) thì cả năm sẽ gặp vận hạn là không có căn cứ. Các thiên thể trên bầu trời thực tế đều cách rất xa chúng ta và đều là những thực thể vật lý mà ngày nay các nhà khoa học đã xác định được rất rõ ràng.
“Chẳng hạn như Thái Bạch trên thực tế là sao Kim - hành tinh thứ hai của Hệ Mặt trời. Ngay cả lúc ở gần nhất, hành tinh này cũng cách chúng ta tới 38 triệu km. Nếu có tác động của các thiên thể trong Hệ Mặt trời lên hành tinh chúng ta thì đó là sự ảnh hưởng của lực hấp dẫn, và lực hấp dẫn tác động lên toàn bộ hành tinh chứ không có lý gì nó lại chọn tác động lên người tuổi này và bỏ qua người tuổi khác.
Mặt khác, với việc tính tuổi theo 12 con giáp mà người Việt đang ứng dụng để tính tuổi thì không lẽ nhân loại hơn 7 tỷ người mà chỉ có 12 loại số phận hay sao?”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn đặt câu hỏi.
Hiểu đúng về sao La Hầu, Kế Đô
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, sao La Hầu và Kế Đô (nguyên gốc từ Ấn Độ là Rahu và Ketu) là hai thiên thể tưởng tượng. Xưa kia, người ta không giải thích được việc xuất hiện nhật thực và nguyệt thực nên cho rằng đó là khi hai thiên thể này xuất hiện gây ra sự che khuất của Mặt trời hoặc Mặt trăng.
Ngày nay, chúng ta có hàng trăm đài quan sát chuyên nghiệp cả mặt đất cũng như không gian và đều biết rằng chúng không tồn tại. Bản thân việc đó cũng nói lên rằng việc cúng bái này là không có cơ sở, bởi thiên thể không tồn tại thì không thể “chiếu mệnh” cho bất cứ ai.
“Theo tôi, tín ngưỡng là một phần của văn hóa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và bất cứ ai cũng có thể giữ tín ngưỡng cho mình. Tuy nhiên, tín ngưỡng thuần túy khác khá nhiều với việc gắn chặt những niềm tin thiếu cơ sở, vô điều kiện vào thực tế cuộc sống. Nếu số phận được định trước thì hóa ra mọi quyết định và hành động của chúng ta đều không còn ý nghĩa?
Mọi việc xảy tới với chúng ta đều có nguồn gốc hết sức rõ ràng từ yếu tố chủ quan (do chúng ta quyết định) và khách quan (tác động của ngoại cảnh như thiên nhiên, xã hội - không phải từ các sao). Do đó, dù chúng ta thường khó chắc chắn về yếu tố khách quan nhưng chúng ta luôn nắm quyền chủ động ở phần chủ quan của mình”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, người dân thay vì cũng giải hạn hay cầu may mắn, chúng ta có thể dành thời gian và cả tài chính cho việc duy trì và cải thiện sức khỏe, nâng cao tri thức và kỹ năng, xác lập những kế hoạch cho chính công việc của mình - đó là cách thực tế nhất để có cuộc sống hạnh phúc và thành công.
Đốt vàng mã “xin lộc” cũng là sai lầm
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, ngoài việc cúng dâng sao giải hạn thì nhiều người còn có tâm lý đầu năm là đi “xin lộc”. Những cái lễ bằng vàng mã thật to được đốt, “cúng dâng” nhằm xin được lộc rơi lộc vãi là điều rất tai hại.
Việc đốt vàng mã với suy nghĩ “trần sao, âm vậy”, cúng tế cho người cõi âm là điều rất sai lầm. Đốt vàng mã là hành vi vô nghĩa bởi thế giới tâm linh thuộc về tinh thần, không cần đến những đồ vật như người trần.
“Ở góc độ tâm linh, đốt vàng mã không có ý nghĩa gì cả. Các linh hồn không tiêu dùng vật chất, thậm chí việc đột vàng mã còn là một chướng ngại khiến linh hồn không siêu thoát được. Từ rất lâu rồi, đây là một trò lừa thế gian. Bỏ tiền thật để mua tiền giả, trong khi người nhận không dùng được, gây lãng phí cho xã hội, ô nhiễm môi trường. Về bản chất thì thế giới ấy là những linh hồn, không thể tiêu thụ vật chất giống như chúng ta. Họ đâu cần tiền, nhà, xe, điện thoại…
Tôi thấy nhiều người đốt vàng mã, mua cả xe ô tô, điện thoại, biệt thự… Nếu thế, chắc phải mua thêm cả xăng, đường xá, cột thu phát sóng… Đáng tiếc là nhiều người vẫn nghĩ rằng “trần sao âm vậy”, có người đốt đến hàng triệu đồng tiền vàng mã. Vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí, vừa không có tác dụng gì, thậm chí còn có thể có hại. Mỗi người nên thay đổi nhận thức, thói quen để không sa vào mê tín dị đoan bằng việc duy trì tục được lan truyền từ đất nước khác như vậy.
“Chúng ta đừng sa vào mê tín mà đốt đi hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Số tiền ấy đem cho trẻ em nghèo, giúp đỡ những số phận bất hạnh, là cách làm tích lũy ân đức, có giá trị gấp hàng triệu lần việc đốt bỏ đi. Liệu chúng ta có nên làm một việc không có lợi cho mình, cho cộng đồng, và cho cả thế giới tâm linh?”, TS Vũ Thế Khanh đặt câu hỏi.
“Trong đạo Phật có luật Nhân quả. Nếu một người sống đức độ, làm việc thiện và giúp ích cho đời thì không cần xin “các ngài” cũng cho. Còn những người gian dối, độc ác, hèn mọn thì có xin cũng không được. Thế nhưng nhiều người cứ lầm tưởng với Phật thì cứ xin là được. Đến chùa lễ Phật cũng là điều tốt, nhưng tốt hơn là hãy phát nguyện làm những điều lành, điều tốt cho đời, làm theo lời Phật dạy thì đó chính là đi về nơi tốt đẹp”, TS Vũ Thế Khanh
Theo Nhật Phong/Giáo dục đào tạo