|
Chân dung Vlad Đệ Tam do họa sĩ vẽ vào đầu thế kỷ 16. Người ta trưng bày bức tranh tại Lâu dài Ambras, Áo. Ảnh: livescience |
Người truyền cảm hứng cho việc xây dựng hình tượng ma cà rồng Dracula, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Bram Stoker, được xuất bản năm 1897, là Vlad Đệ Tam, hoàng tử xứ Wallachia.
Vlad Đệ Tam sinh năm 1431 ở Transylvania, một vùng núi thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa Romania ngày nay. Ông là con trai của Vlad II Dracul, người đứng đầu Wallachia, một công quốc ở Transylvania. Vlad II được mang họ Dracul (nghĩa là “Con Rồng”) sau khi gia nhập Đội quân Rồng, một lực lượng quân đội Thiên chúa do Đế chế La Mã bảo trợ.
Bởi nằm giữa vùng lãnh thổ châu Âu, do các quốc gia Thiên chúa giáo cai trị, và vùng đất Hồi giáo, thuộc Đế chế Ottoman, nên Transylvania và Wallachia thường xuyên chứng kiến những trận chiến đẫm máu giữa hai luồng tư tưởng. Quân đội Ottoman thường xuyên tìm cách xâm chiếm châu Âu từ phía tây, trong khi lực lượng Thiên chúa giáo cũng luôn tìm cách tiến vào vùng Đất Thánh từ hướng đông.
Năm 1442, nhà cai trị đế quốc Ottoman mời Vlad II cùng hai con trai là Vlad Đệ tam và Radu, dự một cuộc họp chính trị. Cuộc họp ấy thực chất lại là một cái bẫy. Ottoman bắt cả ba người làm con tin. Sau đó họ thả Vlad II với điều kiện ông để lại hai người con trai.
"Nếm mật, nằm gai"
Sống giữa vòng vây của kẻ thù, Vlad và em trai được người Ottoman truyền cho những kiến thức về khoa học, tâm lý và nghệ thuật. Hai anh em cũng tham gia quá trình đào tạo để trở thành những chiến binh và kỵ sĩ tài năng. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian, họ phải sống trong cảnh tù đày và hứng chịu những đòn tra tấn.
Nhưng nỗi thống khổ ấy rất nhỏ nếu so sánh với những biến cố gia đình Vlad hứng chịu. Sau khi Vlad II trở về quê nhà, các lãnh chúa địa phương lật đổ và sát hại ông ở Wallachia vào năm 1447. Họ cũng tra tấn, móc mắt và chôn sống Mircea, anh trai của Vlad.
Nhiều sử gia cho rằng, chính nỗi đau ấy đã biến Vlad III Dracula (nghĩa là: “Con trai của Rồng”) thành một ác nhân. Ottoman thả ông sau cái chết của gia đình và triều đại máu bắt đầu từ lúc đó.
Năm 1453, thành phố Constantinople (kinh đô của đế quốc Đông La Mã, hiện thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ) thất thủ và rơi vào tay đế chế Ottoman. Toàn bộ châu Âu cũng đối mặt với nguy cơ mất chủ quyền. Trước tình thế đó, Vlad đã xuất hiện, dẫn đầu một lực lượng nhằm bảo vệ quê hương Wallachia trước những cuộc tấn công của kẻ thù. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 1456 và Vlad tạo nên hàng loạt chiến thắng.
Mặc dù đã giành quyền kiểm soát Công quốc Wallachia, Vlad chưa thể hài lòng với chiến thắng của bản thân, bởi trong tay ông chỉ là một vùng đất tan nát vì chiến tranh và các cuộc xung đột nội bộ. Để củng cố quyền lực, Vlad mời hàng trăm vị lãnh chúa, những người đang có ý đồ lật đổ nhà vua non trẻ, dự một bữa tiệc. Bữa tiệc ấy thực chất là một cuộc tàn sát đẫm máu.
|
Cách giết người của Dracula: xuyên nạn nhân qua những chiếc gậy vót nhọn. Ảnh: livescience |
Anh hùng khát máu
Vlad không giết các lãnh chúa theo cách thông thường. Ông buộc họ phải ra đi trong đau đớn, bằng cách xiên những thanh gỗ hoặc kim loại qua người nạn nhân, từ trước ra sau hoặc từ trực tràng lên miệng.
Để tối đa hóa cơn đau, Vlad đã yêu cầu thuộc hạ thiết kế những cây gậy đầu tròn, nhằm tránh gây tổn thương các cơ quan nội tạng và kéo dài sự sống trong địa ngục cho nạn nhân.
Cũng vì kiểu hành quyết dã man ấy mà người ta không chỉ công nhận Vlad là người đã mang lại trật tự và sự ổn định cho Wallachia, mà còn coi ông là kẻ giết người máu lạnh. Ông từng thẳng tay giết hại hàng chục thương nhân Saxon, một tộc người German cổ và là đồng minh của các lãnh chúa, vào năm 1459.
Ngay sau khi lập lại trật tự cho Wallachia, Vlad bắt đầu chuyển hướng quan tâm tới vùng lãnh thổ của người Ottoman ở phía tây và mục tiêu nới rộng đường biên giới.
Năm 1459, trong một lần diện kiến Vlad Đệ tam, các đại sứ ngoại giao Ottoman đã viện lý do tôn giáo để thể hiện sự bất kính với “Đứa con của Rồng”, bằng cách từ chối hạ mũ khi chào ông. Đáp lại, Vlad dành cho họ một lời khen về lòng sùng đạo, trước khi khẳng định mũ sẽ luôn ở trên đầu các sứ giả bằng cách đóng đinh chúng vào hộp sọ của những kẻ bất kính.
Năm 1462, Vlad cùng các đồng minh của ông thực hiện một loạt chiến dịch nhằm vào những vùng lãnh thổ do Đế chế Ottoman cai trị. Trong bức thư thắng trận, ông viết: “Ta đã giết những tên nông dân, những gã đàn ông, những mụ đàn bà, những người già và những đứa trẻ. Tất cả bọn họ đều sống ở Oblucitza và Novoselo, nơi sông Danube chảy ra biển. Ta đã giết 23.884 sinh mạng người Thổ, không kể những kẻ mà ta thiêu sống và những tên ta chặt đầu”.
Những chiến tích của Vlad Đệ tam trong chiến dịch chinh phạt Đế chế Ottoman tiếp tục được ca ngợi khắp xứ Wallachia, Transylvania và toàn bộ châu Âu. Ngay cả giáo hoàng Pius II cũng cảm thấy ấn tượng. Nhưng ngoài khả năng chiến đấu, cầm quân và thao lược, Vlad cũng để lại vô vàn tiếng xấu.
Bên cạnh những câu chuyện về chiến thắng, người ta cũng đồn rằng ông là một kẻ khát máu, thường xuyên ăn tối trong khu rừng chứa xác những chiến binh. Họ thậm chí còn rỉ tai nhau chuyện Vlad II Dracula có sở thích chấm bánh mỳ với máu người chết, cũng như nhiều sở thích quái đản khác của người đứng đầu Wallachia.
Người ta cho rằng Vlad đã giết khoảng 80.000 người bởi vô vàn lý do, bao gồm 20.000 người bị đâm xuyên cơ thể và phơi xác bên ngoài thành phố Targoviste, thuộc nước Cộng hòa Romania ngày nay.
Cảnh tượng giết chóc hãi hùng đến mức đội quân viễn chinh do Mehmed II, vị vua thứ 7 của Đế chế Ottoman, phải rút về nước vì quá kinh hãi. Tất cả binh lính người Thổ đều không còn ý chí chiến đấu khi họ chứng kiến hàng nghìn cơ thể mục nát nằm chất lên nhau và hàng nghìn con quạ bẩn thỉu, ghê tởm vây quanh đống xác.
Dù có thành tích chinh chiến đáng nể, nhưng cuộc đời của Vlad lại kết thúc trong u tối. Năm 1476, quân Ottoman phục kích và chặt đầu ông cùng một nhóm binh sĩ. Sau đó họ mang thủ cấp của người mang biệt danh "Hậu duệ loài Rồng" về Constantinople và treo trên cổng thành. Đó cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời oai hùng nhưng tàn bạo của ông.
Mời quý độc giả xem video những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ (nguồn Youtube):
Theo An Hy/Zing News