Cuốn sách “Spotify của những chuyện chưa kể” (Tân Việt Books & NXB Dân trí ấn hành) kể về sự trỗi dậy bền bỉ của gã khổng lồ âm nhạc trực tuyến đã chống lại sự công kích từ Apple, Google, Amazon và cả những nghệ sĩ đình đám như Taylor Swift để đạt được ngôi vương trong ngành âm nhạc số.
|
Cuốn sách "Spotify và những chuyện chưa kể" kể về sự trỗi dậy bền bỉ của gã khổng lồ âm nhạc trực tuyến Spotify. |
Cuốn sách là
tác phẩm của hai nhà báo Thụy Điển Sven Carlsson và Jonas Leijonhufvud. Với tư cách là những nhà báo kinh tế, họ đã gặp cũng như phỏng vấn Daniel Ek cùng người đồng sáng lập Spotify Martin Lorentzon nhiều lần trong những năm qua. Họ cũng tham khảo rất nhiều tài liệu cả công khai lẫn bí mật, phỏng vấn hơn 80 người đã từng là quản lý cấp cao, làm việc hoặc là người đầu tư, đối tác; thậm chí đối thủ cạnh tranh của Spotify.
Lấy cảm hứng từ Napster, năm 2006, Daniel Ek cùng Martin Lorentzon - đều là những ngôi sao của thị trường công nghệ Stockholm (Thụy Điển) - đã cùng nhau hợp tác và thành lập Spotify với mong muốn mang đến cho người yêu âm nhạc trên toàn thế giới một ứng dụng cung cấp tất cả các tác phẩm âm nhạc trên thế giới miễn phí hoặc giá rẻ với trải nghiệm mượt mà hơn.
Kế hoạch của những người sáng lập là ký hợp đồng bản quyền với những công ty âm nhạc lớn nhất trên thế giới, sau đó cung cấp miễn phí âm nhạc cho mọi thành viên đăng ký sử dụng ứng dụng. Doanh thu của công ty - đến từ quảng cáo và lượng người dùng sẵn sàng trả phí để được sử dụng gói dịch vụ tốt hơn - sẽ được chia sẻ với các công ty thu âm, nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ. Spotify cũng sẽ dựa vào công nghệ chia sẻ dữ liệu streaming để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Về cơ bản, Spotify là nền tảng stream nhạc, cho phép người dùng nghe nhạc trực tuyến, chất lượng tốt, miễn phí. Nếu nâng cấp lên tài khoản Premium hàng tháng, người dùng còn có thể download bài hát để nghe offline bất cứ khi nào mình muốn. Spotify cho phép người dùng lưu khoảng 33.333 bài hát - đủ để một người yêu nhạc lưu những bài hát mà mình yêu thích.
|
Cuốn sách ngay từ khi ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. |
Các công ty âm nhạc lớn trên thế giới lúc bấy giờ đang vô cùng đau đầu vì tình trạng doanh thu bị sụt giảm liên tục do tình trạng tải lậu nhạc bản quyền, nên hầu hết không mặn mà với đề nghị của Spotify. Thêm nữa, khi ấy Apple đã ra mắt dịch vụ âm nhạc iTunes được 3 năm, với việc tính phí 99 xu cho một lần tải bản nhạc, nên nhận được sự hợp tác, hậu thuẫn đắc lực của các công ty này.
Và bên cạnh thách thức huy động vốn cho hoạt động của công ty, những người sáng lập Spotify mất rất nhiều thời gian, công sức để thuyết phục các công ty thu âm tin tưởng và đồng ý cấp hợp đồng bản quyền cho họ.
Sau hai năm phát triển và thuyết phục các hãng thu âm cũng như các nghệ sĩ, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của Spotify ra mắt người dùng châu Âu vào tháng 10/2008.
Tuy nhiên, khó khăn về bản quyền âm nhạc tại Mỹ được “gia cố” bởi sự cạnh tranh của Apple, khiến Spotify phải mất 3 năm sau mới có thể ra mắt ở đây vào năm 2011. Song ngay cả khi đã đặt chân vào thị trường này, Spotify cũng gặp không ít thách thức khi phải cạnh tranh với các đối thủ lớn mạnh khác như Google, Amazon; thậm chí bị một số ngôi sao như Taylor Swift tẩy chay.
Dẫu vậy, với sự hỗ trợ của nhiều nhân vật danh tiếng như Sean Parker của Napster, Mark Zukerberg của Facebook, Ludvig Strigeus của uTorrrent…; cộng thêm việc sử dụng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), trí thông minh nhân tạo (AI), học máy (machine learning) trong chiến lược kinh doanh giúp thu hút và mang đến những trải nghiệm chuyên biệt cho từng người nghe, Spotify lần lượt vượt qua các thách thức, vươn lên trong ngành âm nhạc số.
Tháng 4/2018, Spotify chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Thương vụ thành công giúp công ty đứng vào hàng ngũ các doanh nghiệp có giá trị hàng chục tỉ đô la. Daniel Ek - người sở hữu 9,2% cổ phần - trở thành tỷ phú ở tuổi 35. Người đồng sáng lập công ty cùng anh Martin Lorentzon cũng như tất cả các nhân viên góp công phát triển công ty thuở ban đầu, có thêm khoản tiền lớn trong tài khoản.
Đến nay ứng dụng Spotify đã có hơn 40 triệu bài hát, hơn 1 triệu podcast với 350 triệu người dùng, phủ sóng tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo tài chính của Spotify, lượng người dùng trả phí của thương hiệu này đã tăng lên 180 triệu thuê bao vào quý IV/2021. Spotify đã có mặt tại hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ, Australia, New Zealand, và nhiều nước tại châu Á.
Và cuốn sách “Spotify và những chuyện chưa kể” mang đến cho độc giả câu chuyện chi tiết, hấp dẫn về hành trình này của những người sáng lập, xây dựng và phát triển Spotify. Không chỉ giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền, biến đổi ngành công nghiệp âm nhạc và đưa hoạt động truyền phát trực tuyến trở thành chuẩn mực mới; Spotify còn trở thành biểu tượng cho sự vươn lên bền bỉ của một doanh nghiệp số hóa trong khi phải chống lại sự công kích, đối chọi từ nhiều phía.
Hoạt động của hai nhà sáng lập Spotify, đặc biệt là của Daniel Ek trong vai trò vừa là người sáng lập, vừa là người điều hành doanh nghiệp cũng là những thông tin tham khảo đáng giá với những người đam mê kinh doanh, khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo các tác giả, điều đáng quý giá nhất ở Daniel là khả năng không ngừng học hỏi từ những người xung quanh. Anh tiếp thu được những điếm tốt của vô số cộng sự và đồng nghiệp cũ. Anh đã tiến xa hơn những gì mình đã từng mơ ước, nhưng vẫn giữ thái độ khiêm tốn và luôn sẵn sàng để bảo vệ vị trí của Spotify trong một thị trường công nghệ luôn cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Đầy ắp thông tin có tính thời sự, ngay từ khi ra mắt cuốn sách “Spotify và những câu chuyện chưa kể” đã lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Đây cũng chính là lý do khiến Netflix đã quyết định mua lại và chuẩn bị chuyển thể cuốn sách thành phim.
Nhận xét về cuốn sách, David Kirkpatrick, tác giả cuốn sách The Facebook effect viết: “Hai nhà báo Thụy Điển xuất sắc đã kể lại quá trình trỗi dậy ngoạn mục để thay đổi toàn bộ nền âm nhạc hiện đại của Spotify. Đây không chỉ là câu chuyện hấp dẫn về kinh doanh, mà còn là bài học đắt giá về ngành công nghệ. Daniel Ek khôn ngoan và quyết tâm cho thấy thực tế rằng: thung lũng Silicon không phải lúc nào cũng giành chiến thắng.”
Thuỳ Liên