Nhắc đến nàng công chúa lẳng lơ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thì không thể không nhắc tới Sơn Âm công chúa. Sơn Âm công chúa vốn là một trong bốn người con gái của Nam Tống Hiếu Vũ đế Lưu Tuấn và Văn Mục hoàng hậu Vương Hiến Nguyên. Công chúa Sơn Âm nổi tiếng với sắc đẹp tuyệt trần, làn da trắng như ngọc.
Tuy nhiên, điểm khiến ít ai quên được nàng công chúa này là sự "háo dâm" vô độ. Một trong những điển tích nhắc tới nàng công chúa này chính là mối tình loạn luân với hoàng đế Lưu Tử Nghiệp, cũng chính là em trai của Sơn Âm công chúa.
Sơn Âm Công chúa sinh năm 446, tên thật là Lưu Sở Ngọc, con gái đầu lòng của vua Hiếu Vũ Đế Lưu Tuấn nhà Nam Tống và Văn Mục Hoàng hậu Vương Hiến Nguyên. Sử chép, Vương Hoàng hậu sinh cho Lưu Tuấn 2 người con trai và 4 người con gái, gồm: Phế đế Lưu Tử Nghiệp, Dự Chương Vương Lưu Tử Thượng, Sơn Âm Công chúa Lưu Sở Ngọc, Lâm Hoài Khang Ai Công chúa Lưu Sở Bội, Hoàng nữ Lưu Sở Tú và Khang Lạc Công chúa Lưu Tu Minh.
|
Ảnh minh họa Sơn Âm công chúa và hoàng đế Lưu Tử Nghiệp. |
Trong thời phong kiến, khi mà các ông vua có tới 3.000 mỹ nữ, việc một phi tần có thể sinh tới 6 người con cũng đủ cho thấy Vương Hoàng hậu xinh đẹp và được sủng ái tới mức nào. Vì vậy chẳng có gì lạ khi sử sách chép rằng, 4 cô công chúa do Vương Hoàng hậu sinh ra đều là những đại mỹ nhân trong hoàng thất nhà Nam Tống. Tuy nhiên, trong 4 cô công chúa này, người có thể “lưu danh thiên cổ” chỉ có một mình Sơn Âm Công chúa Lưu Sở Ngọc.
Những người con của Văn Mục hoàng hậu đều sở hữu dung mạo anh tú hoặc xinh đẹp mỹ miều. Trong số bốn nàng công chúa cùng mẹ sinh ra, Lưu Sở Ngọc tức Sơn Âm công chúa chính là người nổi trội hơn cả. Tuy nhiên, thói lẳng lơ của nàng lại thuộc hàng “Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” (ý chỉ người trước, kẻ sau không ai bằng).
Năm thứ 8 Đại Minh, tức tháng 5 năm 464, em trai của Sơn Âm công chúa là Lưu Tử Nghiệp chính thức kế vị ngôi vương khi tròn 16 tuổi với tên gọi chính thức theo sử sách là Tiền Phế đế. Ngay từ khi lên ngôi, vị đế vương này đã lừng lẫy thiên hạ bởi hai đặc tính: loạn luân và tàn bạo. Lưu Tử Nghiệp không những tổ chức những đợt tuyển chọn mỹ nữ rầm rộ trong thiên hạ, mà thậm chí còn ngang nhiên thông dâm với cô ruột lẫn chị ruột của mình, tức Tân Thái công chúa và Sơn Âm công chúa.
Lúc bấy giờ, nàng công chúa hoang dâm này đã được gả cho phò mã đô đốc Hà Trấp. Hà Trấp sinh cùng năm với Sơn Âm Công chúa, là con nhà danh gia vọng tộc đồng thời cũng là một mỹ nam nức tiếng đương thời. Cha Hà Trấp là Hà Yển, làm tới chức Quang lộc Đại phu còn ông Hà Trấp là Hà Thượng Chi cũng làm tới chức Tư không.
Do vậy, việc “Đệ nhất mỹ nhân” Sơn Âm Công chúa được gả cho Hà Trấp được coi là một cuộc hôn nhân rất xứng đôi vừa lứa. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không khiến cho cô công chúa dâm loạn họ Lưu thỏa mãn. Sử chép, Sơn Âm Công chúa chủ động tiến cung, cùng với Lưu Tử Nghiệp ăn ở như vợ chồng, chẳng quan tâm gì tới vị phò mã họ Hà. Ngược lại, Lưu Tử Nghiệp cũng có vẻ rất biết nghe lời chị gái ruột kiêm tình nhân của mình. Tuy nhiên, sự dâm loạn của hai chị em Lưu Tử Nghiệp và Sơn Âm chỉ mới bắt đầu.
Sau khi Lưu Tử Nghiệp lên ngôi vua lúc 16 tuổi, mặc dù Sơn Âm công chúa đã lấy chồng vẫn thường xuyên vào cung để hưởng thụ thú vui xác thịt với em trai mình. Chồng của Sơn Âm công chúa bị nàng công chúa hoang dâm và vị vua dâm loạn bày kế hại chết để thoải mái quay cuồng trong dục vọng.
Theo ghi chép của sử sách, vốn bản tính ham mê dục vọng, coi khinh luân thường đạo lý, nàng ta thường chủ động vào cung, cùng ăn cùng ngủ với Lưu Tử Nghiệp. Vẻ quấn quýt như đôi sam của chị em họ chẳng khác nào cặp phu thê đang mặn nồng tình ái. Trong vòng tay của chị gái, Lưu Tử Nghiệp càng trở nên u mê, nghe theo mọi lời xúi bẩy của chị mà làm càn.
Để được thỏa thuê tận hưởng những tháng ngày chung đụng chăn gối, Sơn Âm công chúa bèn lập mưu tính kế cùng Lưu Tử Nghiệp ra tay sát hại chồng mình. Thậm chí, nàng ta viện cớ em trai “năm thê, bảy thiếp”, cung tần mỹ nữ đầy cứng chật cung, cũng ngang ngược đòi hỏi có nhiều mỹ nam để thỏa mãn dục vọng. Sử sách chép rằng, vào một ngày, Sơn Âm công chúa trông thấy mỹ nữ hàng đàn dập dìu trong cung, bèn nảy sinh lòng đố kỵ mà than vãn với Lưu Tử Nghiệp: “Ta và hoàng thượng, dù nam nữ phân biệt, nhưng đều là cốt nhục của Tiên hoàng, nên đều như nhau. Nhưng ngài thì tam cung lục viện, giai lệ cả chục ngàn người, còn ta chẳng qua chỉ là sống kiếp phục tùng một vị phò mã. Sao sự đời lại bất công tới vậy!”
Lưu Tử Nghiệp dù không màng chính sự, nhưng lại đặc biệt có đầu óc tinh nhanh trong chuyện này, bèn truyền lệnh tuyển chọn 30 mỹ nam mặt mày anh tú. Tất thảy bọn họ đều được tiến vào phủ công chúa, trở thành vật sở hữu riêng của người đàn bà háo sắc vô độ - Lưu Sở Ngọc. Khi đã ngập ngụa trong dục vọng với những mỹ nam còn bừng bừng thanh xuân, Sơn Âm công chúa lại nổi lòng tham, bắt đầu tìm kiếm những chàng trai đã tới độ chín về tuổi tác lẫn dục vọng.
Công chúa hoang dâm Sơn Âm và mối tình mãi mãi không có được
Và đối tượng lọt vào tầm ngắm của cô công chúa hoang dâm chính là một danh sĩ nổi tiếng thời Nam Tống tên là Chử Uyên. Bản thân Chử Uyên vốn cũng là một phò mã.
Vợ của Chử Uyên chính là Nam Quận Công chúa - cô của Sơn Âm Công chúa. Vì thế, về danh phận thì Sơn Âm Công chúa phải gọi Chử Uyên là chú. Chử Uyên là một người có tài và cũng rất rộng lượng. Khi cha Chử qua đời, anh em chia nhau tài sản, Chử chỉ lấy hơn một ngàn cuốn sách cha để lại, còn lại một đồng cũng không đụng vào.
Xuất thân danh gia vọng tộc, lại cũng là phò mã nên quan lộ của Chử Uyên rất thênh thang, từ chức thái tử xá nhân, thái tể tham quân cho tới sử bộ lang rồi Đô Hương Hầu. Không chỉ tài năng, Chử Uyên còn là một mỹ nam nổi tiếng. Mỗi lần triều đình có hội, các quan văn võ, thậm chí là sứ giả nước ngoài đều tranh nhau nhìn được mặt Chử Uyên một lần.
Vẻ đẹp cùng với tài năng của Chử Uyên đương nhiên đã khiến cô công chúa dâm loạn Sơn Âm say như điếu đổ. Tuy nhiên, Chử Uyên là người liêm khiết, lại đang là phò mã, không phải muốn ông ta tới phục dịch lúc nào cũng được. Vì thế, Sơn Âm Công chúa suốt ngày buồn bã. Lưu Tử Nghiệp thấy chị gái đã có 30 người tình nhân mà vẫn buồn rười rượi mới hỏi tại sao.
Sơn Âm Công chúa không ngại ngần kể cho em trai nghe về căn bệnh tương tư của mình. Lưu Tử Nghiệp nghe xong, cười nói: “Ta có thể giúp tỉ gọi Chử Uyên tới nhưng những việc sau đó ra sao thì chắc phải xem bản lĩnh của tỉ ra sao”. Sơn Âm Công chúa nghe Lưu Tử Nghiệp nói vậy thì vui còn hơn bắt được vàng, gật đầu lia lịa.
Lưu Tử Nghiệp hạ lệnh cho Chử Uyên vào cung ở 10 ngày. Sau khi vào cung, Chử Uyên được sắp xếp ở tại một tòa đại điện nằm ngay bên cạnh ngự hoa viên, cũng chính là cung điện của công chúa. Để đón Chử Uyên, Sơn Âm Công chúa đã cho trang trí cung điện rất xa hoa lộng lẫy, khắp nơi là mùi thơm của trầm hương.
Ban đầu, Chử Uyên không hiểu vì sao hoàng đế lại đưa mình vào ở một nơi như vậy. Cho tới nửa đêm, vị phò mã tài năng mới biết rằng, trong điện, ngoài mình ra còn có thêm một người nữa. Và người đó không ai khác chính là “đệ nhất mỹ nhân” triều Nam Tống - Công chúa Sơn Âm.
Có lẽ trên thế gian này có người nào đó ở trong một cung điện xa hoa bạt ngàn mùi trầm cùng với một mỹ nữ tuyệt sắc như Sơn Âm mà có thể giữ được bình tĩnh thì người đó chính là Chử Uyên. Cô công chúa xinh đẹp, quyến rũ, vuốt ve mớn trớn thế nào, Chử Uyên cũng nhất định không đồng ý phục tùng.
Sơn Âm Công chúa thấy vậy, cười nói: “Đây dù sao cũng là chỗ ở của ta, nếu ngươi không đồng ý thì ta cũng cứ ở lại”. Không ngờ, Chử Uyên lạnh lùng đáp: “Nếu công chúa đã ở đây thì thần xin được rời khỏi”. Nói xong nhất định không chịu tuân mệnh, phục tùng Sơn Âm Công chúa.
Chử Uyên ở trong cung của công chúa suốt 10 ngày, ngày nào Sơn Âm cũng tới thuyết phục, quyến rũ nhưng vị phò mã họ Chử cứ đơ ra như khúc gỗ. Cuối cùng, Sơn Âm giận lắm, chạy tới trước mặt Chử Uyên nói mỉa rằng: “Xem ông mặt đầy râu mà chẳng có chút khí phách đàn ông nào vậy?”. Chử Uyên cười nói: “Làm những chuyện không đúng đạo lý thì tôi nhất định không làm. Cô là công chúa, còn có hoàng đế ở trên, ta không làm được gì cô. Nhưng cô cứ ép ta thì ta sẽ tự sát cho cô xem”.
Gặp một kẻ cứng đầu và “ngốc nghếch” như Chử Uyên thì khó ai có thể làm gì được. Một người nổi tiếng dâm loạn như Sơn Âm Công chúa cũng đành buông tay, tiễn Chử Uyên ra khỏi phủ. Chử phò mã trở thành thần tượng của Sơn Âm - người đàn ông mà cô ta suốt đời không với tới được. Cũng là người công chúa Sơn Âm uất hận và tiếc nuối nhất trong cuộc đời.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Khỏe & Đẹp