Dấn thân vào con đường tham ô
Ngày 1/7/1750 (năm Càn Long thứ 15), Hòa Thân ra đời trong một gia đình Phó đô đốc tại Phúc Kiến. Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.
Sau này, Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.
Vào năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Hòa Thân lấy con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ. Sau đó, Hòa Thân cùng bạn đồng học làm người khênh kiệu cho phủ Đô úy.
Tới năm 22 tuổi, Hòa Thân mới làm đến chức thị vệ. Một năm sau, ông có cơ hội phô diễn tài năng của mình trước mặt Hoàng đế, nên nhanh chóng trở thành cận thần thân tín của nhà vua.
Năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện bản lĩnh quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của họ Hòa này từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.
Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng ba năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ.
Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý "gần vua như gần cọp". Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình. Cũng từ đây, vị quan họ Hòa này dấn thân vào con đường tham ô. Cái "nghiệp" làm tham quan này cũng gắn chặt với ông cho tối tận lúc qua đời.
Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc. Vụ án nhiều ngày không tiến triển, chỉ đến khi Hòa Thân dùng hình bức cung quản gia Triệu Nhất Hằng, việc tham ô của Lý Thị Nghiêu mới lộ ra chân tướng.
Sự việc bê bối của họ Lý gác lại, Hòa Thân cũng lén lút "bỏ túi" được phân nửa tài sản của tên tham quan này. Sau đó, Càn Long lại càng trọng dụng ông. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.
Sau này, con trai ông là Phong Thân Ân Đức được Càn Long gả cho Thập công chúa. Hòa Thân từ đó càng được thêm nhiều người nịnh bợ. Từ chỗ không nhận hối lộ, ông bắt đầu tham ô, kết đảng, hình thành thế lực khuynh đảo triều đình.
Thủ đoạn tham ô của đại tham quan họ Hòa cho tới sau này vẫn được xem là những kế sách cao minh cho những quan tham ngày nay… học tập! Vậy nhưng, Hòa Thân "phất lên" không chỉ dựa vào bản thân, mà còn một "pháp bảo". Đó chính là Càn Long Hoàng đế.
Vì yêu quý vị đại thần này, Càn Long nhiều lần bao che, xử nhẹ, đối với Hòa Thân việc gì cũng "mắt nhắm mắt mở". Phải đến thời Gia Khánh, những mánh khóe tham ô của đại tham quan này mới bị vạch trần.
Ngày 12 tháng 2, Hòa Thân bị bắt cùng với Phúc Trường An. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ ngày 22 tháng 2 năm 1799, tha cho gia đình Hòa Thân, còn Phúc Trường An bị chém đầu. Đây cũng là chuyện lạ với những tội danh tày đình như thế, nguyên do có thể gắn với những báu vật bí ẩn trong cung của Hòa Thân. Khi phá dỡ hai hòn giả sơn, triều đình phát hiện và tịch thu con tỳ hưu bằng ngọc phỉ thúy xanh, nhưng chữ Phúc (bút tích của chính vua Càn Long viết để tặng bà nội nhân dịp thượng thọ, không biết như thế nào lại lọt vào tay Hòa Thân) thì được tạc vào một khối đá lớn. Nếu phá khối đá thì chữ Phúc cũng tan, mặt khác do bút tích của vua Càn Long nên không ai dám động vào. Đó là điềm báo khiến vua Gia Khánh tha chết cho cả nhà Hòa Thân.
Sự giàu có của Hòa Thân vốn đã nổi tiếng, nhưng kết quả của sự tịch thu gia sản còn làm cho mọi người kinh ngạc hơn. Bản tịch biên gia sản rất dài ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc… không thể nào đếm xuể, tính ngang với số thu nhập của triều đình trong mười năm. Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được Gia Khánh cho người đến chuyên chở về cung. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: "Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở".
Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã gom góp được một số tài sản lớn tới mức khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có: Những dinh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km²) đất, 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ, 600 cân nhân sâm Cát Lâm thượng hạng, 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả nhãn), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn, 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng vàng (10 bộ mỗi bàn), 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 chiếc bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 cái giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có cẩn tám loại đá quý khác nhau), 460 cái đồng hồ tốt của châu Âu, 600 tì thiếp trong phủ, còn gia nhân thì không tính hết. Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.
Hoàng đế Gia Khánh đã gán cho Hòa Thân 20 tội danh, như "coi thường vương pháp", hay "cậy quyền cậy thế".
Ảnh hưởng của Hòa Thân không chỉ chấm dứt sau khi ông ta chết, nạn tham nhũng tiếp tục ngày càng lan tràn cả trong và ngoài kinh đô, trong cả quan văn và võ. Bát kì trở thành một đội quân ngày càng vô dụng. Quân Chính Lam kì ngày càng hỗn loạn và mất đi nhiều trụ cột từ đầu thời nhà Thanh. Thói quen xa hoa, tiêu xài lãng phí làm lu mờ đạo đức dẫn đến sự suy tàn dần của triều đại này. Mười chiến dịch lớn của Càn Long đã tốn hết 120 triệu lạng bạc, trong khi thu nhập quốc khố hàng năm không hơn 40 triệu lạng bạc. Kết quả của những khoản chi khổng lồ đó đã làm gia tăng thâm hụt ngân quỹ trong giai đoạn sau của nhà Thanh.
Hòa thân - người tình đồng tính đẹp như mỹ nhân của Càn Long
Có rất nhiều dị bản kể về mối tình Càn Long - Hòa Thân, nhưng có một câu chuyện mà nhiều tài liệu ghi lại nhất chính là việc Hòa Thân chính là truyền kiếp của phi tử bị chết vì Càn Long hóa thành.
Theo một số lời kể cho biết, vì vô tình vung lược đập trúng mặt Càn Long (lúc này đang là thái tử) khiến Càn Long bị một vết đỏ ở mặt nên phi tử của Ung Chính (cha Càn Long) đã bị thái hậu ban cho cái chết.
Càn Long rất đau khổ vì điều này nên đã dùng ngón tay đánh dấu vết đỏ lên cổ người phi tử này và hứa hẹn sau này phi tử này đầu thai sẽ gặp nhau.
Không biết thực hư ra sao nhưng sau khi trở thành vua nhà Thanh, Càn Long gặp Hòa Thân phát hiện trên cổ của vị đại thần này có một vết bớt đỏ hình ngón tay và cho rằng đây chính là người phi tử đầu thai.
Khác với rất nhiều tạo hình Hòa Thân trong phim, nhiều tài liệu ghi lại rằng Hòa Thân sở hữu dung mạo rất đẹp, trắng trẻo, môi đỏ, khuôn mặt sắc nét rất quyến rũ. Sử sách cũng ghi lại "Hòa Thân có dung mạo trắng trẻo, da trắng môi đỏ, cử chỉ trang nhã xinh đẹp chẳng khác gì nữ nhân". Khi gặp Càn Long, Hòa Thân đang ở độ tuổi 20, Sử Trung Quốc là: diễm lệ hơn cả phi tần của Càn Long.
Ngoài việc sở hữu diện mạo giống người phi tử yêu quí, Hòa Thân còn tinh thông vạn việc khiến Càn Long càng ngày càng sủng hạnh. Dù có hàng trăm phi tần xinh đẹp xung quanh nhưng Càn Long vẫn suốt ngày quấn quýt lấy Hòa Thân. Nhiều tài liệu ghi lại rằng nếu ngày nào mà Càn Long không gặp được Hòa Thân sẽ không chịu được nên hằng ngày vị đại thần này phải vào hầu hạ và thăm nom. Sự sủng hạnh của Càn Long dành cho Hòa Thân không có gì phải bàn cãi và ngược lại Hòa Thân cũng cực kỳ yêu thương người tình đồng tính của mình. Không những hết lòng phục vụ mà Hòa Thân còn coi Càn Long như "người yêu" của mình, quấn quýt hầu hạ còn hơn bất cứ tên thái giám nào trong cung.Càn Long vi hành nơi đâu cũng đem theo Hòa Thân theo. Vì vậy mà có tư liệu cho rằng Hòa Thân là hoạn quan.
Để chứng minh cho "tình yêu" của mình Càn Long còn gả đệ nhất công chúa mà ông nhất mực yêu thương cho con trai Hòa Thân và phong hiệu "Phong Thân Ân Đức". Một số tài liệu còn ghi rằng Càn Long còn có ý định nhường ngôi cho Hòa Thân và việc này đã khiến vị vua sau này là Gia Khánh vô cùng tức giận.
Tài liệu ghi lại rằng sau này khi Hòa Thân bị xử chết tại pháp trường có làm một bài thơ với nội dung rằng: nếu có kiếp sau ông cùng xin được làm thần tử hầu hạ cho Càn Long.
Theo MA/Dân Việt