Trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Lộc Đỉnh Ký, nhà văn Kim Dung đã ưu ái dành ít nhất ba chương nói về nhân vật Sấm Vương Lý Tự Thành. Trong chính sử Trung Quốc, Lý Tự Thành là một nhân vật có thực, đã từng làm triều Minh sụp đổ và chiếm được kinh thành Tây An, xưng là Đại Thuận Hoàng Đế và đánh chiếm luôn Bắc Kinh ngày 26/5/1644 và được xem như một lãnh tụ nông dân vĩ đại của Trung Quốc thời Minh mạt, Thanh sơ.
Tuy chỉ làm Vua vỏn vẹn 43 ngày, nhưng cuộc khởi nghĩa nông dân của Lý Tự Thành đã được ghi vào lịnh sử Trung Quốc như một lãnh tụ tài giỏi, đã chiêu nạp dưới cờ nghĩa trên 60 vạn nghĩa quân, thế mạnh như hùm beo, làm sụp đổ Vương triều nhà Minh sau hơn 276 năm tồn tại. Xung quanh nhân vật này, có khá nhiều huyền thoại ly kì...
Lý Tự Thành, còn có tên là Lý Sấm, sinh năm 1606, trong một gia đình nông dân nghèo khó ở huyện Mễ Chi, tỉnh Thiểm Tây. Đời Vua cuối cùng của triều Minh, Sùng Trinh Hoàng đế, là một hôn quân nhu nhược, đắm say sắc dục. Lúc bấy giờ, ở miền Đông Bắc Trung Quốc, dân tộc Mãn Châu dựng lên triều Thanh do Hoàng Thái Cực cầm đầu, có tham vọng vượt Sơn Hải Quan tiến đánh vào nội địa Trung Quốc. Loạn lạc nổi lên khắp nơi, Lý Tự Thành cũng dựng cờ khởi nghĩa tại Thiểm Tây. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô tầm cỡ nhất dưới thời Sùng Trinh Hoàng đế có trên 60 vạn nghĩa quân nông dân.
Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung mô tả Lý Tự Thành là "một vị lão tăng thân hình cao lớn... tay cầm thiền trượng... Vị lão tăng này mặt vuông, dưới cằm có hàm râu xanh, mục quang loang loáng như điện, lộ vẻ uy mãnh phi thường. Lão đứng trước cửa đồ sộ như một trái núi nhỏ, tướng mạo như hùm beo sư tử, khí thế đủ làm cho người ta phát sợ...". Kim Dung cũng cho biết con người của Lý Tự Thành rất nhiều lông lá, tiếng nói rổn rảng, khi ngủ ngáy kêu như sấm vang rền rất dữ dội. Cũng có thể vì hình tướng, diện mạo như vậy nên Lý Tự Thành còn có tên Lý Sấm cũng nên.
Sách sử nhà Minh cũng cho biết thêm, Lý Tự Thành bị mù một mắt như Độc nhãn long, là do mũi tên của Tướng Minh là Trần Vĩnh Phúc bắn trúng khi Lý Tự Thành mang quân đánh vào Biện Lương (phủ Khai Phong). Theo học giả Nguyễn Hiến Lê trong “Sử Trung Quốc” viết: “Năm 1642 Lý Tự Thành bao vây Khai Phong phủ trong 4 tháng, đánh tan quân triều đình tới để giải vây, dân chúng càng theo nhiều, uy tín hơn hẳn Trương Hiến Trung. Lý cũng chỉ là một nông dân vô học, một tướng cướp tàn bạo nhưng can đảm, có tài cầm quân, thông minh có óc làm chính trị.
Tháng 3 ông vượt sông Hoàng Hà, chiếm Sơn Tây như vào chỗ không người. Triều đình hốt hoảng, bàn tán xôn xao, mỗi người một ý… Sau cùng chỉ còn một giải pháp triệu Tướng Ngô Tam Quế đương chống với quân Thanh ngoài biên giới về cứu nguy. Trễ quá rồi, Ngô Tam Quế lúc đó cách Bắc Kinh 400 cây số, mà quân của Lý ở Sơn Tây gần hơn”.
Sau khi tự tay giết chết con cái, Hoàng hậu tự sát, Sùng Trinh Hoàng đế cùng viên thái giám thân tín Vương Thừa Ân leo lên Môi Sơn (núi giả) sau cung điện đứng nhìn kinh thành và cung điện hồi lâu như ngóng xem Ngô Tam Quế có về cứu giá kịp không.
Rồi Vua viết lên mặt trong vạt áo: “Trẫm bạc đức, đáng khinh bỉ, đã bị Trời trừng phạt. Các đại thần của Trẫm đã lừa Trẫm. Trẫm xấu hổ gặp các tiên vương ở suối vàng. Cho nên Trẫm tự lột mũ miện, xõa tóc che mặt, đợi cho quân địch xé thây. Đừng đụng đến một thần dân nào của Trẫm”.
Viết xong Hoàng đế treo cổ trên một nhánh cây. Vương Thừa Ân cũng tuẫn quốc theo chủ với 40 người nữa. Vài giờ sau Lý Tự Thành vô cung điện cùng với bộ hạ và leo lên ngai vàng”.
Nguyên nhân ngai vàng sụp đổ, không phải một ngày. Qua nhiều năm liên tục bị thiên tai, hạn hán, vỡ đê, hoàng thân quý tộc và địa chủ cường hào đều chiếm đoạt hết ruộng đất, hàng chục triệu nông dân đã không có cơm ăn áo mặc, lại bị giai cấp thống trị áp bức bóc lột hết sức thậm tệ. Lý Tự Thành từ nhỏ đã đi thuê chăn cừu cho một gia đình họ Ngãi, năm 21 tuổi do đánh chết người nên phải bỏ trốn sang Ngân Xuyên.
Bấy giờ, cả nước đang nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân mang tính tự phát. Năm 1630, Trương Hiến Trung khởi nghĩa tại Mễ Chỉ -Thiểm Tây, tự xưng là "Bát Đại Vương". Lý Tự Thành cũng giết chết quan tham rồi làm phản, sau đó đến làm "Sấm Tướng" trong đạo nghĩa quân do người cậu là Cao Nghênh Tường lãnh đạo.
Năm 1635, triều đình cử hai đạo quân đến vây đánh nghĩa quân thất trận tan tác. Sau lần bị thất bại này, Lý Tự Thành và nhiều lãnh tụ nông dân khác đã ý thức được rằng: chỉ có liên hợp tác chiến thì mới có sức mạnh, nên năm đó 13 đạo nghĩa quân đã tụ tập ở Dinh Dương tỉnh Hà Nam để phối hợp tác chiến.
Năm 1636, Cao Nghênh Tường khinh địch chủ quan không may bị bắt rồi bị sát hại. Lý Tự Thành với danh hiệu "Sấm Vương" tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân tác chiến và trở thành một lãnh tụ nông dân kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc.
Nghĩa quân Lý Tự Thành anh dũng thiện chiến, mỗi khi đến đâu đều phá quan phủ, mở kho lương chia cho nông dân. Song nghĩa quân của Lý Tự Thành cũng trải qua nhiều chặng đường gian nan khúc khuỷu. Năm 1637, nghĩa quân bị lọt vào ổ mai phục, đội ngũ bị đánh tan, Lý Tự Thành cùng mười mấy người khác buộc phải lẩn trốn trong vùng rừng núi Thương Lạc.
Năm 1639, Lý Tự Thành dẫn quân xuống núi, nhưng lại bị vây khốn trong núi Ngư Phục - Ba Tây, ông dẫn 50 kỵ binh phá vây chạy về Hà Nam. Bấy giờ tỉnh Hà Nam đang bị đại hạn, hàng vạn nông dân kéo theo quân khởi nghĩa, khiến số quân tăng đến khoảng 600 nghìn người.
Năm 1641, Lý Tự Thành nêu ra cương lĩnh cách mạng, đem ruộng đất chia cho nông dân, thủ tiêu các loại tô tức, khiến nông dân vùng thoát khỏi chế độ áp bức phong kiến. Lý Tự Thành tự xưng là “Phụng Thiên Xướng Nghĩa Đại nguyên soái”. Cuộc khởi nghĩa và cuộc đời của Lý Tự Thành gắn liền với huyền thoại về một cuộc tranh giành giang sơn của Sùng Trinh Hoàng đế và tranh giành đại mỹ nhân Trần Viên Viên với Ngô Tam Quế vào thời Minh mạt, Thanh sơ.
Có chuyện kể lại rằng, do việc Sùng Trinh Hoàng đến ban tặng kỹ nữ Trần Viên Viên vốn là người tình cũ của Lý Tự Thành cho Tổng binh Ngô Tam Quế làm ái thiếp để trấn an, khi Ngô Tam Quế cầm 10 vạn quân trấn giữ Sơn Hải Quan.
Vào lúc này, triều đình nhà Minh lo sợ nhất là người Mãn Thanh phía Bắc, một khi Hoàng Thái Cực và Đa Nhĩ Cổn vượt qua Vạn Lý Trường Thành, sẽ là thảm họa của nhà Minh. Sơn Hải Quan là cửa yếu hầu duy nhất của Vạn Lý Trường Thành tiếp giáp biển, nếu Ngô Tam Quế quyết tâm chống giữ thành trì, còn lâu người Mãn Thanh mới xâm nhập Trung Nguyên.
Sự nhu nhược, bại hoại của Hoàng đế Sùng Trinh, cùng bộ máy triều đình do các thái giám, hoạn quan nắm quyền chi phối trong ngoài cung đã khiến nội bộ triều Minh bị lũng đoạn, sụp đổ từ bên trong. Thêm sức mạnh của đội quân dũng mãnh Lý Tự Thành đã nhanh chóng đe dọa cả triều đại Minh có nguy cơ sụp đổ tan tành.
Năm 1643, dưới sự ủng hộ của nhân dân, Lý Tự Thành lên làm "Tân Thuận Vương", chính thức thành lập bộ máy chính quyền mới tại Tương Dương và đổi tên gọi là Tương Kinh. Tháng 10/1643, nghĩa quân Lý Tự Thành đánh chiếm được khu vực Thiểm Tây – Cam Ninh ở miền Tây Bắc rộng lớn, hiểm trở xây dựng thành căn cứ kháng chiến lâu dài.
Mùa xuân năm 1644, trung tâm chính quyền mới được dời đến Tây An, “Sấm Vương” được đổi thành “Đại Thuận Vương” và đặt niên hiệu là “Vĩnh Xương”. Lý Tự Thành cho ban bố lịch thư mới, cho đúc tiền “Vĩnh Xương”, tuyển lựa quan viên tiếp quản chính quyền địa phương... Bấy giờ, nghĩa quân đã lên tới triệu người, Lý Tự Thành bắt đầu phát động cuộc tổng tấn công đối với Vương triều nhà Minh.
Thế mạnh như chẻ tre, không bao lâu nghĩa quân lần lượt đánh chiếm được Thái Nguyên, Đại Đồng, Cư Dung Quan và Xương Bình. Ngày 17/3/1644, tiến tới bao vây thành Bắc Kinh, hang ổ cuối cùng của tập đoàn thống trị triều nhà Minh.
Ngày 19/3/1644, quân Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh, các quan viên triều đình đều mạnh ai nấy bỏ trốn. Sùng Trinh Hoàng đế treo cổ tự tử dưới gốc cây trên núi Cảnh Sơn, Vương triều nhà Minh thống trị Trung Quốc trong 276 năm trời, cuối cùng đã bị cuộc cách mạng nông dân vĩ đại do Lý Tự Thành lãnh đạo lật đổ.
Đoàn quân nông dân tiến vào thành Bắc Kinh, tha hồ cướp bóc đập phá tan tành Hoàng cung. Lúc này trong nội bộ nghĩa quân đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, có khá nhiều tướng lĩnh phạm kỷ luật nghiêm trọng, họ tỏ ra kiêu ngạo và nảy sinh tư tưởng khinh địch, coi thường sự đánh trả của những người ủng hộ triều Minh.
Từ Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế nhận lệnh cứu viện Bắc Kinh đúng 10 ngày mới xuất binh hồi kinh. Sự dùng dằng, chậm trễ này khiến cho nhiều nhà sử học hoài nghi về Ngô Tam Quế.
Tranh vẽ Ngô Tam Quế và Viên ViênNhưng sự thật, có thể hiểu trong phạm vi hơn 200 dặm cách thành Bắc Kinh, Ngô Tam Quế không mấy khó khăn tiêu diệt quân phản loạn Lý Tự Thành với đội binh thiện chiến, giàu
kinh nghiệm chiến đấu của mình. Nhưng nỗi lo lắng, Sơn Hải Quan sẽ thất thủ làm cơ hội cho người Mãn Thanh vượt qua tiến vào Trung Nguyên một khi Ngô Tam Quế rút bớt quân, quay về Bắc Kinh cứu giá. Có lẽ đây mới là điều giải thích thỏa đáng nhất.
Ngô Tam Quế kéo quân về Bắc Kinh cứu viện đến nửa đường thì nhận tin cấp báo: thành Bắc Kinh đã bị loạn quân Lý Tự Thành chiếm, Sùng Trinh Hoàng đế chạy đến núi Môi Sơn bị bức tử thắt cổ tự tử. Quan trọng hơn cả là ái thiếp Trần Viên Viên đã bị Lưu Tông Mẫn, một viên Tướng của Lý Tự Thành bắt giữ.
Tháng 5/1644, Tướng canh giữ Sơn Hải Quan Ngô Tam Quế đã bắt tay thỏa hiệp với Đa Nhĩ Cổn mở cổng Sơn Hải Quan dẫn quân Mãn Thanh vào tiến đánh chiếm lĩnh thành Bắc Kinh. Người Mãn Thanh không bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở này, liền xua binh tràn vào Trung Nguyên để từ đó cơ đồ Đại Thanh được dựng nên tại Trung Quốc.
Lý Tự Thành chống cự yếu ớt dần và cho tàn quân cướp toàn bộ vàng bạc châu báu, đốt thành trì và rút khỏi Bắc Kinh chạy về hướng Tây. Có tài liệu cho rằng, số báu vật cướp đoạt tại kinh thành, Lý Tự Thành giao cho 3 thuộc hạ thân tín họ Miêu, Phạm, Điền cất giữ thành 3 kho báu với 3 bí mật chỉ mở được khi có đủ 3 người. Việc này đã gây ra những thảm sát, huyền thoại về kho báu triều Minh mà trong ba tiểu thuyết võ hiệp Lộc Đỉnh ký, Bích Huyết kiếm và Tuyết Sơn phi hồ nhà văn Kim Dung đề cập đến rất nhiều lần.
Tàn quân của Lý Tự Thành bị Ngô Tam Quế và quân Thanh truy đuổi ráo riết, tiếp tục kháng cự yếu dần tại các khu vực Hà Nam, Sơn Tây và Thiểm Tây. Đến khoảng tháng 4/1645, trong lúc Lý Tự Thành đang quan sát địa hình trên núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, tỉnh Hồ Bắc thì bị nhóm vũ trang tập kích giết chết vào năm ông 39 tuổi.
Bí ẩn về cái chết của sấm vương Lý Tự Thành
Sách sử Trung Quốc cận đại cho rằng Lý Tự Thành chết vào năm Thuận Trị thứ ba (1645). Minh sử viết: "Lý Tự Thành bị bọn dân quê vây, không thoát được nên thắt cổ tự tử". Sách Minh Quý bắc lược lại đưa ra một cách lý giải khác: "Lý Tự Thành bị bệnh, chết trong núi La Công".
Thuận Trị Hoàng đế của nhà Thanh rất bất an về Lý Tự Thành nếu “diệt cỏ không diệt tận gốc” sẽ di họa về sau. Nhà Vua sai các tướng lĩnh truy kích Lý Tự Thành phải tìm cho ra những bằng chứng về cái chết của nhân vật thủ lĩnh phong trào nông dân này.
Tướng Hà Đằng Giao gởi bản tấu về Bắc Kinh có đoạn: "Không có chứng cứ gì về cái chết của Sấm, thủ cấp của Sấm cũng không thấy". Tướng A Tế Cách (Mãn Châu) cũng có bản tấu về, có đoạn: "Có tên hàng binh ra trình rằng Lý Tự Thành chạy vào núi Cửu Cung, bị dân quê vây, tự thắt cổ mà chết". Nói chung, chẳng có ai có được bằng chứng đích xác khẳng định Lý Tự Thành đã chết hay còn sống và nếu chết, thì chết như thế nào. Tất cả đều chỉ là tin đồn, lời khai lan man.
Còn có hai tư liệu lịch sử khác lại cho rằng Lý Tự Thành vẫn còn sống. Sách Phong Châu kí viết: "Lý Tự Thành chạy trốn đến Giáp Sơn, xuất gia đi tu, bảy mươi tuổi mới chết ở tư thế ngồi...". Tác giả Giang Dục Chí lại viết Lý Tự Thành mộ chí, có đoạn: "Lý Tự Thành quả thực chạy về Phong Châu... cưỡi ngựa mà đi, đến Giáp Sơn đi tu, chết mộ vẫn còn". Theo Giang Dục Chí, tháp xây trên mộ Lý Tự Thành có hàng chữ "Phụng Thiên Ngọc hoà thượng". Giang Dục Chí cũng khẳng định rằng Lý Tự Thành đi tu năm Thuận Trị thứ nhất và là người quan niệm: “Thắng làm Vua, bại làm sư là cách sống của người Trung Quốc”.
Nhà văn võ hiệp Kim Dung viết Lộc Đỉnh ký xây dựng nhân vật Lý Tự Thành trên cơ sở tham khảo các tài liệu từ Phong Châu ký và Lý Tự Thành mộ chí. Trong Lộc Đỉnh ký, Lý Tự Thành sống đến sau năm Khang Hy thứ 10 (1672), về thời gian trùng hợp khi Vi Tiểu Bảo làm Tứ hôn sứ gả Công chúa Kiến Ninh qua Vân Nam làm vợ Ngô Ứng Hùng, con trai Bình Tây vương Ngô Tam Quế, rõ ràng trong truyện Kim Dung gọi Lý Tự Thành là một lão tăng.
Vị “lão tăng” này vô cùng lợi hại: đã tìm đến ngoại thành Côn Minh, biết người tình cũ đang đi tu, không sống chung với Ngô Tam Quế nữa, bèn nối lại cung đàn xưa. Mối tình vụng trộm ấy đã đơm hoa kết quả cho ra đời một cô gái xinh đẹp A Kha. Người đời cứ ngỡ A Kha là con riêng của Ngô Tam Quế với Trần Viên Viên, nhưng là con của Lý Tự Thành. Ân oán ràng buộc này luôn là mô típ truyện của Kim Dung.
Tất nhiên, tiểu thuyết vẫn là tiểu thuyết. Nhưng ngay những sách sử thời Minh mạt - Thanh sơ vẫn không xác định được sự chết, hay sống của Lý Tự Thành thì bảo sao Kim Dung không lãng mạn phóng bút cho nhân vật Lý Tự Thành của mình ở tuổi 70 vẫn sinh ra cô con gái xinh đẹp tuyệt vời, vẫn cầm cây thiền trượng đánh nhau với Hán gian Ngô Tam Quế trước mặt người tình Trần Viên Viên trong hồi 152 của Lộc Đỉnh ký.
Như đã dẫn phần trước, năm 1661 Ngô Tam Quế mang quân truy đổi đến tận kinh đô Madalay của Miến Điện, ép vua Miến Điện phải giao trả Hoàng đế Quế Vương nhà Nam Minh mang về Vân Nam tiêu diệt tận gốc nên được nhà Thanh phong làm Bình Tây Vương, giao trấn thủ ở Vân Nam và Qúy Châu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Ngô Tam Quế không chỉ tại các tỉnh lân cận vừa mới bình định xong là Hồ Nam và Tứ Xuyên, mà còn vang xa đến tận vùng Đông Bắc tại các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc.
Sau khi Lý Tự Thành bị đánh đuổi, Ngô Tam Quế đã xum họp với Trần Viên Viên. Nhưng khi nghe tin sắp được phong vương, ông không dám đưa tên Viên Viên ra trình với Thuận Trị Hoàng đế vì nguồn gốc xuất thân của nàng quá thấp kém. Ngô Tam Quế phải cưới một người vợ khác làm Chính phi và bố trí Trần Viên Viên ra tu tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh (tức thủ phủ của tỉnh Vân Nam).
Sau mười năm tồn tại của “Tam Phiên” như một triều đình nhỏ vùng phiên dậu Nhà Thanh, gồm Ngô Tam Quế (Bình Tây Vương), Bình Nam Vương và Tĩnh Nam Vương. Ngô Tam Quế thật sự trở mặt, chiêu binh rắp tâm diệt nhà Thanh. Nhưng oái oăm làm sao, xưa Ngô từng là Hán gian “phản Minh” rước voi về giày mả tổ, liệu nay uy tín và lời hiệu triệu có mấy ai còn tin vào ông nữa. Ngay cả ái thiếp Trần Viên Viên cũng là người không chấp nhận được nên đã khoác áo đạo cô khi tuổi 40 đang là lúc được sách sử ghi lại đẹp nhất thời, không ai sánh bằng.
Các sử gia chính thống Trung Quốc ngày xưa luôn coi kỹ nữ Trần Viên Viên là kẻ tội đồ, kẻ đốt đền làm sụp đổ triều đại nhà Minh, một dòng dõi Hán tộc. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, sẽ thấy sự sụp đổ của triều Minh là một tất yếu của lịch sử sau hơn 276 năm tồn tại. Bởi nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại nhân.
Số kiếp hồng nhan họa thủy của Viên Viên, đã cho người đời thấy cảnh tượng “vùi hoa dập liễu” mấy lần, mấy lượt, rốt cuộc chỉ là hư không. Nhan sắc bi kịch của Trần Viên Viên đã gây nên hệ lụy sóng gió, binh đao của những anh hùng trong thiên hạ lúc bấy giờ. Kiếp hồng nhan nào có tội? Có lẽ vậy mà đời sau vẫn còn cảm thông chuyện tình, chuyện đời kỹ nữ Trần Viên Viên với Viên Viên khúc…
Câu chuyện Trần Viên Viên làm ta chợt nghĩ đến thương cho Công chúa Mỵ Châu ngày xưa. Khi “bí mật quân sự” giữ thành Cổ Loa bị đánh cắp, Triệu Đà xua quân đánh thành, cả triều đình lẫn Thần Kim Quy và Vua cha An Dương Vương đều trút hết mọi thất bại, tội lỗi lên đầu một cô Công chúa bé nhỏ đang độ tuổi “chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”. Nhát gươm oan nghiệt tự nghìn xưa vẫn còn đau mãi trong lòng hậu thế hôm nay.
Trần Viên Viên xuất thân từ một cô gái thôn dã, mồ côi cha mẹ, cơ cực từ nhỏ. Chỉ tại kiếp hồng nhan, quá xinh đẹp đã đẩy xô số phận đến kỹ viện làm kỹ nữ. Cũng từ nơi này, thêm son phấn điểm trang, nàng trở thành “đệ nhất mỹ nữ Giang Tô” khiến cho hàng ngàn kẻ si tình, hào phú, quan lại điêu đứng, đảo điên tâm thần, ngả nghiêng vì sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” và tiếng đàn tuyệt kỹ.
Nàng trở thành “món hàng” biết nói giúp Chu Hoàng hậu loại bỏ tình địch là Điền Quý phi và làm đảo điên Sùng Trinh Hoàng đế. Rồi bỗng một ngày kia, Trần Viên Viên trở thành món quà tặng cho danh tướng Ngô Tam Quế cưới làm ái thiếp. Danh chính ngôn thuận, thì đây là lần duy nhất và cũng là lần nàng được danh giá và tận hưởng hạnh phúc cuộc đời nhưng tiếc thay lại rất ngắn ngủi.
Nàng trở thành “báu vật” cho những mưu đồ chính trị, bá vương và sự tranh giành, loạn binh đao làm máu chảy đầu rơi, xương chất thành núi, máu chảy thành sông của hàng vạn quân binh ngoài biên ải Sơn Hải Quan giữa Ngô Tam Quế - Lý Tự Thành. Rốt cuộc, người Mãn Thanh chiếm Trung Nguyên, người Hán mất ngôi Vua, sụp đổ tất cả tội lỗi ấy đều trút hết lên đầu một người đàn bà đẹp: kỹ nữ Trần Viên Viên.
Trích đoạn Viên Viên khúc của Ngô Vĩ Nghiệp bày tỏ nỗi oan tình của Trần Viên Viên (bản dịch) để nghe trong sâu lắng nhân tình một nỗi oan:
Đỉnh Hồ ngày ấy bỏ nhân gian / Phá giặc về kinh xuống Ngọc Quan / Khóc lớn sáu quân đều áo trắng / Một phen nổi giận bởi hồng nhạn
Hồng nhan lưu lạc ta không muốn / Nghịch tặc trời làm cho tự mật / Quét giặc Hoàng Cân phá Hắc Sơn / Hết khóc Vua cha lại gặp mặt.
Gặp mặt vừa qua phủ đại thần / Cửa hầu ca múa tựa hoa xuân / Hẹn đem tài khéo ca cầm ấy / Chờ lập công lao bậc tướng quân.
Nhà ở Cô Tô làng giặt vải / Tên tự Viên Viên đẹp lộng lẫy / Thường mơ tới chơi vườn Phù Sai / Cung nữ đưa vào Vua đứng dậy / Tiền thân là gái hái hoa sen / Trước cửa một vùng sông nước chảy
Mệt vì tăm tiếng lẫy lừng / Rước mời, biếu xén tưng bừng đua nhau / Một hộc châu, vạn hộc sầu / Quan sơn phiêu bạt dãi dầu mình ve / Cuồng phong hoa rụng thảm thê / Vô biên xuân sắc biết về nơi nao.
Đường thơm nay cảnh đìu hiu / Chim kêu khắc khoải, sân rêu xanh rì / Dời cung, thay áo sầu bi / Lời ca điệu múa nhớ về Lương Châu / Khúc Ngô chớ hát thêm sầu / Ngày đêm sông Hán, dạt dào về Đông.
Ngô Vĩ Nghiệp (1609-1672), tự là Tuấn Ông, hiệu là Mai Thôn, quê ở Thái Thương (nay thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Ông đỗ Tiến sĩ năm Sùng Trinh thứ tư (1631), ra làm quan với nhà Minh một thời gian. Khi quân Thanh chiếm và cai trị Trung Quốc, ông lặng lẽ lui về sống ẩn cư ở quê nhà.
Năm Thuận Trị thứ 10 (1653), ông buộc phải tuân chiếu chỉ ra làm quan với nhà Thanh, giữ chức "Quốc tử Tế tửu" (tức Hiệu Trưởng trường Quốc Tử Giám) được ba năm sau thì từ quan. Ngô Vĩ Nghiệp là nhà thơ nổi tiếng, đồng thời cũng giỏi cả từ, khúc và hội họa.
Viên Viên ra tu tại một ngôi chùa ở ngoại ô thành Côn Minh, nằm trên núi Minh Phượng. Sau khi xưng Vua một thời gian ngắn, không đánh 1ại được quân Thanh hùng mạnh, ngày 2/10/1678 Ngô Tam Quế mất, thọ 66 tuổi. Hay tin Ngô Tam Quế mất, ít lâu sau đó, Trần Viên Viên đã tự vẫn tại ao sen cạnh chùa. Kết thúc một chuyện tình đầy bi kịch, trắc ẩn nhất trong lịch sử Trung Quốc cuối thời Minh mạt, Thanh sơ.
Ngày nay, ai đến Vân Nam không thể không ghé thăm Chùa Đồng - Kim Điện trên núi Minh Phượng, thành phố Côn Minh để tận mắt thấy và tai nghe câu chuyện tình trác tuyệt về Bình Tây Vương Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên. Kỳ sau chúng ta sẽ tìm về “thành Bắc Kinh thu nhỏ” kim điện, cây tử vi, chùa đồng của Ngô Tam Quế và chiêm ngưỡng mối tình tuyệt đẹp này.
Theo Nam Yên/Khỏe và Đẹp