Thắp hương liên tục trong những ngày Tết
Nhiều gia đình hiện nay vẫn có thói quen trong những ngày Tết thắp hương liên tục. Nhiều khi hương tắt lại châm tiếp với mong muốn lúc nào gian thờ cũng được ấm cúng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh (Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – ĐHXD), như vậy là không đúng. Trong các ngày Tết mọi người không nên thắp hương nhiều, liên tục. Theo ông Linh, chỉ thắp khi cúng dường như lúc chuẩn bị xong mâm cỗ tất niên, mâm cúng giao thừa, thắp lại lần nữa đúng khi chuyển giao năm mới.
Thắp nhiều nén hương trong một bát hương
Về việc thắp hương trong những ngày Tết, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Văn Thắng (Hưng Yên), nhiều người vẫn có thói quen thắp nhiều, như vậy là không đúng. Mọi người chỉ nên thắp trước khi vào cúng và mỗi bát hương chỉ thắp một nén là đủ. Ngoài ra, có thể sử dụng hương vòng để duy trì sự cháy liên tục của hương trên bàn thờ trong những ngày Tết.
Đặt chung đồ mặn với hoa quả
Khi cúng cần tách bạch là khi nào thờ hoa quả và khi nào cúng lễ mặn. Các thứ cần phải để riêng. Đĩa hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn thì để ở ngăn kéo bàn thờ hoặc kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.
Đặt đồ lễ mặn, tiền vàng lên ban thờ Phật
Đối với các gia đình có bàn thờ Phật, trong những ngày 1, 2, 3 cần tuyệt đối tránh việc để tiền vàng và các đồ lễ mặn lên. Ban thờ Phật chỉ đặt các đồ chay, thanh tịnh như hoa, quả tươi, xôi, chè, oản…
Đặt đồ lễ rồi khấn vái lia lịa
Nhiều người chỉ đặt đồ lễ lên ban thờ rồi khấn vái lia lịa mà không biết phải khấn ai cho chính xác. Đồng thời việc khấn nôm theo cách truyền miệng nhau cũng có tam sao thất bản nên có thể chưa được đầy đủ.
Do đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên khi cúng khấn thì người khấn nên tham khảo các nhà sư tại chùa làng hoặc gần nhà hay có thể nhờ những người có hiểu biết hướng dẫn, cung cấp các bài cúng, khấn.
Tuy nhiên, nên tìm những người có kinh nghiệm, tránh bài cúng khấn chưa đúng, thậm chí sai sẽ gây ra điều không tốt cho gia đình.
Dùng vật dụng ăn hàng ngày làm đồ cúng lễ
Các đồ dùng để đựng đồ lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa... cần phải sử dụng những đồ mới, riêng biệt. Không nên dùng những đồ dùng đã dùng chung với các việc khác trong gia đình. Bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, để riêng, không uế tạp.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Văn Thắng cho biết trong những ngày mùng 1, 2, mùng 3 Tết cần hết sức cẩn trọng, chú ý là khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm... Cùng với đó, khi khấn tổ tiên cần phải liền mạch, không ngắt quãng theo kiểu đang khấn thì lại chuyển sang sắp đồ lễ hay làm việc gì đó. Cần thành tâm để cúng, khấn nhằm thể hiện sự tôn trọng với thần linh, tổ tiên, ông bà", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo Tùng Anh/Giadinh.net.vn