Sau khi làm chủ Trung Nguyên, Thanh triều chỉ trong vòng một thời gian ngắn đã có thể ổn định cục diện, bình định thiên hạ, lại mở ra một giai đoạn thịnh thế kéo dài tới hơn 100 năm trong lịch sử Trung Hoa.
Để có được những thành tựu nói trên, ngoài tài năng của các vị Hoàng đế nổi danh như Khang Hi, Ung Chính hay Càn Long thì việc lựa chọn đúng người kế vị để truyền lại cơ nghiệp cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Bởi lẽ, năng lực và phẩm chất của người kế thừa ngai vàng có liên quan trực tiếp và mật thiết với an nguy xã tắc sau này.
Cũng bởi sự lựa chọn kỹ lưỡng của những bậc tiên đế đi trước nên Thanh triều trong giai đoạn sơ kỳ mới có những vị vua nổi bật, mà tiêu biểu chính là một Ung Chính khét tiếng mạnh tay với tham quan hay một Càn Long có công mở rộng bờ cõi.
Thế nhưng chỉ tiếc rằng tới khi vị Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh là Càn Long chọn người kế vị, ông lại quyết định truyền ngai vàng cho một người con bị xem là có tư chất tầm thường hơn cả.
Người đó chính là Ái Tân Giác La Vĩnh Diễm (sau đổi tên thành Ngung Diễm), tức Gia Khánh đế sau này.
Thậm chí theo quan điểm của Qulishi, lựa chọn sai lầm của Càn Long về người kế vị chính là khởi nguồn khiến cho vương triều Đại Thanh bắt đầu trượt dốc trên con đường suy vong.
Nguồn gốc sâu xa của quyết định chọn người kế vị và tham vọng quyền lực của Càn Long
Gia Khánh đế (1760 – 1820) tên thật là Ái Tân Giác La Vĩnh Diễm, là con trai thứ 15 của Hoàng đế Càn Long và cũng là vị vua thứ 7 của vương triều nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa.
Nhận định về vua Gia Khánh, hầu hết những sử liệu chính thống đều khẳng định ông cả đời không hoang dâm, không mê muội, là một vị vua ôn hòa, hiền hậu, chuyên tâm cần chính, mộc mạc giản dị. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho các sử gia mỗi khi đánh giá về vị Hoàng đế ấy đều gói gọn trong hai chữ "bình thường".
Thậm chí, có không ít ý kiến còn cho rằng nếu so với các bậc cha ông như Ung Chính, Càn Long hay so sánh với những người huynh đệ tài hoa, nổi danh khác, Gia Khánh thuở thiếu thời còn bị cho là sở hữu "tư chất tầm thường".
Vậy lý do nào đã khiến cho một người đa mưu túc trí như Càn Long đem ngai vàng truyền lại cho ông?
Càn Long lúc sinh thời hưởng thọ gần 90 tuổi, có tổng cộng 17 người con trai. Trong số đó, Gia Khánh đế Vĩnh Diễm chỉ đứng hàng thứ 15, hơn nữa lại là con của thứ thiếp.
Nếu xét theo quan niệm "lập trưởng không lập thứ" thời phong kiến, Vĩnh Diễm gần như không thể có khả năng kế thừa ngai vị. Trang Qulishi cũng cho rằng, ở vào thời điểm cân nhắc tới vấn đề truyền ngôi, Càn Long ban đầu cũng không hề để mắt tới người con trai này.
Thế nhưng điều mà ngay cả Càn Long cũng không ngờ lại nằm ở chỗ, trong số 14 vị hoàng tử trước Vĩnh Diễm thì có tới 8 người lần lượt qua đời khi còn rất trẻ. Người con trai mà ông vô cùng sủng ái là Ngũ a ca Vĩnh Kỳ cũng nằm trong số đó.
Như vậy, Càn Long đế sau này chỉ có thể xem xét những vị hoàng tử còn lại để chọn ra người kế thừa ngai vàng.
Trên thực tế, ông đã từng phân vân giữa hai nhân vật là Thập nhất a ca Vĩnh Tinh và Thập ngũ a ca Vĩnh Diễm.
Người con trai thứ 11 là Vĩnh Tinh vốn nổi tiếng với tinh thần quả cảm, làm việc hết sức có chủ kiến. Trong khi đó, người con đứng hàng thứ 15 là Vĩnh Diễm lại rất mực khoan hậu, tuy nhiên thiếu đi sự linh động khi hành xử.
Trên thực tế, người ở ngôi Thiên tử không phải chỉ dựa vào việc giữ hòa khí là có thể thu phục lòng người. Cũng bởi vậy cho nên năm xưa, rất nhiều đại thần trong triều đều ủng hộ Vĩnh Tinh làm người kế nghiệp.
Thế nhưng Càn Long vẫn kiên trì chọn Vĩnh Diễm làm Thái tử. Nguyên nhân của lựa chọn này đến từ ý tưởng hết sức đơn giản của vị vua ấy: Hoàng Thái tử phải là người không được gây ra trở ngại đối với việc ông tiếp tục nắm giữ quyền hành.
Mặc dù Càn Long lúc sinh thời từng tuyên bố rằng bản thân không dám cầm quyền quá 60 năm như Tổ phụ Khang Hi. Thế nhưng thực chất sau khi lui về làm Thái thượng hoàng, ông vẫn dùng đủ mọi biện pháp để thao túng quyền hành trong tay mình.
Trong mắt Càn Long, chỉ cần còn sống thêm được ngày nào, ông tuyệt đối sẽ không cho phép người khác làm lung lay quyền lực của bản thân, cho dù đó có là con trai ruột.
Đây cũng là lý do khiến Càn Long e ngại một người con trai đầy chủ kiến như Vĩnh Tinh và kiên định với việc truyền ngôi cho hoàng tử có tư chất bình thường là Vĩnh Diễm.
Quả nhiên không ngoài dự đoán của ông, Vĩnh Diễm sau khi trở thành Hoàng thái tử và ngay cả khi lên ngôi Hoàng đế thì vẫn luôn rất mực nghe lời phụ hoàng, không dám tự ý can dự triều chính.
Năm Gia Khánh thứ nhất, Vĩnh Diễm đã chính thức lên ngôi Hoàng đế. Tuy nhiên Càn Long dù đã thoái vị thì vẫn đường hoàng xưng "trẫm", đem ý chỉ của mình gọi là "sắc chỉ", quyết ở lại Dưỡng Tâm điện chứ không rời đi nơi khác.
Thậm chí vị Thái thượng hoàng này từng thản nhiên tuyên bố rằng:
"Nếu như quốc gia có đại sự hay việc bổ nhiệm chức quan có vấn đề, trẫm tuyệt đối sẽ không bỏ mặc".
Chưa dừng lại ở đó, khi sứ giả Triều Tiên tới bái kiến, Càn Long còn đắc ý tuyên bố:
"Trẫm mặc dù đã thoái vị, nhưng quốc gia đại sự vẫn phải tới tay trẫm lo liệu".
Và phải cho tới tháng 1 năm Gia Khánh thứ tư, Gia Khánh đế mới có thể bắt đầu tự mình chấp chính sau khi Thái thượng hoàng đã băng hà.
Ngay sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh đã nhanh chóng tiêu diệt Hòa Thân cùng đồng đảng, thi hành nhiều chính sách cải cách và chấn chỉnh nội bộ. Tuy nhiên, những chỉnh đốn có hạn trong nội chính căn bản không thể thay đổi đại cục đang bắt đầu lụn bại của Thanh triều.
Trong suốt giai đoạn tại vị của mình, Gia Khánh mặc dù không có thành tựu gì lớn nhưng cũng chưa bao giờ bị xem là hôn quân. Thuở còn đi học, ông đã thông hiểu Tứ thư, Ngũ kinh khi mới 13 tuổi, có thể xem là nhân vật xuất sắc trong đám con em hoàng tộc khi ấy.
Thế nhưng nhược điểm của vị vua này lại nằm ở hai yếu tố: "Y án rập khuôn" và "giữ vững nhân hiếu".
Nếu ở vào giai đoạn giang sơn Đại Thanh còn đang thịnh trị, Gia Khánh chắc chắn sẽ là một vị quân chủ nhân hậu mà không có lấy nửa lời chê trách.
Thế nhưng từ cuối thời Càn Long, quốc gia đã bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề như quốc khố thâm hụt, quan lại hủ bại, nông dân khởi nghĩa…
Trong số này, bất kỳ một phương diện nào không được giải quyết ổn thỏa đều sẽ đưa tới hậu quả khó lường về sau.
Năm Gia Khánh thứ 15, nông dân ở ba vùng Xuyên – Sở - Thiểm đồng loạt khởi nghĩa. Dù đã bị quân triều đình trấn áp, nhưng sự kiện này cũng khiến cho lực lượng của giai cấp thống trị thời bấy giờ bị suy yếu nghiêm trọng.
Khi đó, ở phương Bắc còn nổ ra cuộc khởi nghĩa của Thiên Lý giáo. Bộ phận giáo đồ này dưới sự tiếp ứng của thái giám thậm chí đã thành công lọt vào hoàng cung làm loạn.
Từ những vấn đề nghiêm trọng kể trên, không khó để nhận thấy với tư chất và năng lực của Gia Khánh, việc giải quyết tất cả những rắc rối này dường như là điều không thể nào.
Đây cũng chính là lý do khiến một Đại Thanh vốn từng mạnh mẽ như mặt trời buổi ban trưa đã nhanh chóng lụn bại kể từ sau khi Gia Khánh lên cầm quyền.
Thế nhưng nguyên nhân sâu xa của sự lụn bại này không chỉ nằm ở năng lực có hạn của Gia Khánh mà còn liên quan mật thiết tới tham vọng quyền lực của người tiền nhiệm là Càn Long.
Vì muốn lập được nhiều chiến công để lưu danh sử sách, Càn Long năm xưa đã không ngừng phát động chiến tranh. Kết quả là sự hao hụt và tổn thương mà những trận chiến này để lại đã trở thành vô số hiểm họa đối với một Đại Thanh đang cường thịnh.
Thế nhưng Càn Long từ đầu tới cuối chưa bao giờ thừa nhận sai lầm của mình. Thậm chí tới thời điểm chọn người kế nghiệp, ông vẫn đặt quyền lực của bản thân lên trên cả an nguy xã tắc.
Hậu quả là những cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, Thanh triều bị phương Tây vượt mặt về kỹ thuật, công nghệ, nội bộ vương triều càng ngày càng hủ bại vì đám tham quan, nịnh thần.
Chỉ tiếc rằng hết thảy những điều này vẫn không đủ để Càn Long thức tỉnh. Vô số những tham vọng và mộng tưởng đã khiến ông tiếp tục đưa ra lựa chọn sai lầm trong việc chọn người kế nghiệp, đem cơ nghiệp tổ tông truyền lại cho một người con tư chất bình thường là Gia Khánh.
Cũng chính từ đây, cục diện suy vong của Thanh triều ngày càng hiện rõ. Và kết quả là vương triều này cũng chẳng thể nào tránh được kết cục diệt vong một cách nhanh chóng.
Bởi vậy cho nên có thể nói rằng, vương triều Mãn Thanh thực chất không phải bị hủy trên tay Gia Khánh mà bị hủy trong tay của một vị vua chỉ biết tới tư lợi và tham vọng là Càn Long.
Theo Tổ Quốc