Cuốn sách Từ giấc mơ con đến ước mơ lớn là tự truyện về hành trình làm khuyến học của tác giả Cao Văn Hà trên quê hương xã Đông Tiến (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Với 4 chương, 27 bài viết, tác giả đưa từ thực tiễn trải nghiệm vào sách "luồng gió mới" nhận thức, tư duy, nội dung, phương pháp hoạt động khuyến học đến mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Từ chuyện thời niên thiếu khát vọng con đường học vấn, chuyện học hành của con cháu đến chuyện làng, chuyện xã,… ông rút ra bài học nêu thành khẩu hiệu hành động của mọi người hôm nay: "Học để thay đổi".
|
Bìa sách "Từ giấc mơ con đến ước mơ lớn" (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam). |
Tác giả coi "học để thay đổi" là triết lý của khuyến học và làm mới sự nghiệp khuyến học Đông Tiến như một sứ mệnh.
Là cán bộ về hưu, ông có thể an nhàn, nghỉ ngơi, nhưng ông lại "tự nhận trách nhiệm với quê hương làm mới sự nghiệp khuyến học (của xã) như một sứ mệnh" và dồn hết thời gian, tâm trí cho khuyến học Đông Tiến.
Nói là làm, ông bắt tay đi thăm các mô hình khuyến học thành công ở khắp nơi. Ông kết nối các nhân tố tích cực trong công tác khuyến học và khuyến đọc trong cả nước.
Ông cũng thuyết phục các thành viên trong gia đình, dòng họ và chính quyền nơi mình sinh sống cùng tham gia công tác khuyến học. Với ý chí mạnh mẽ, lòng quyết tâm và uy tín của mình, ông dần xây dựng được lòng tin thu hút mọi người tham gia.
Tác giả động viên thành lập tủ sách gia đình làng cò Đông Xuyên đến thư viện làng Cò mỗi tuần đón hàng trăm độc giả mượn và đọc sách. Ngoài ra, đây còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa như câu lạc bộ học ca trù, quan họ.
Hiện nay trên toàn huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã có nhiều tủ sách gia đình, dòng họ, trường học hoạt động hiệu quả.
Ông còn phát động phong trào "toàn dân học tập". Từ đó, câu chuyện "tiếng trống khuyến học ban đêm" đã là đặc sản của phong trào khuyến học xã Yên Phong. Thành thông lệ, đúng 19h30 mỗi ngày, tiếng trống vang lên nhắc nhở các gia đình giảm âm lượng các thiết bị vô tuyến đốc thúc con cháu ngồi vào bàn học tập.
Cứ nghe tiếng trống, từ trẻ con đến người lớn hô hào: "Tiếng trống ông Hà đấy, vào học đi thôi...".
Năm 2019, lễ khai trương mô hình Khuyến học mới và Quỹ Khuyến học Ước mơ lớn đã diễn ra ở xã Đông Tiến. Tác giả và các đồng sự đã huy động được 7 tỷ đồng vào quỹ khuyến học.
Dấn thân làm khuyến học, ngay từ buổi đầu, ông Cao Văn Hà đã chấp nhận hi sinh cả thời gian, công sức lẫn tiền bạc, nhưng càng làm thì những khó khăn vất vả càng chồng chất mà trước đó khó hình dung hết được.
Ông hòa nhã ghi nhận những ý kiến xây dựng với tinh thần cầu thị, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu nhỏ nhen, luôn kiên định con đường đã chọn, coi đó là định mệnh, là trách nhiệm của đời mình.
Từ giấc mơ con đến ước mơ lớn đã ghi lại những tình huống chân thực nhưng không kém phức tạp, những câu chuyện cảm động trên con đường làm khuyến đọc của tác giả.
Nhà giáo Nghiêm Đình Thường, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học huyện Yên Phong đánh giá cuốn sách là cẩm nang với người làm khuyến học ở cơ sở.
Nhà giáo Nguyễn Vũ Loãn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đông Phong, nhận xét tác phẩm giúp người đọc hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về khuyến học ở nước ta qua các thời kỳ.
"Cuốn sách kể trọn vẹn câu chuyện của ông Cao Văn Hà về hành trình làm khuyến học cho quê hương với sự sáng tạo một mô hình chưa có tiền lệ, gọi là "Mô hình khuyến học mới"", nhà giáo Nguyễn Vũ Loãn nói.
Tác giả Cao Văn Hà, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, người sáng lập Mô hình khuyến học mới và là Chủ tịch danh dự Quỹ Ước mơ lớn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong.
Là hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc và xuất bản tập tản văn Chuyện làng tôi (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2023).
Là người gắn bó với hoạt động khuyến học xã Đông Tiến, ông Cao Văn Hà luôn khát vọng làm mọi việc để thực hiện triết lý "Học để thay đổi" và sự học trước hết là học ở sách.
Theo Viên Minh/Dân trí