Rúng động những khám phá mới về ả đào

Google News

Theo tác giả, chỉ cần đọc Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, nghiên cứu các sơ đồ tiết tấu đánh dấu thời điểm vào trống, tự tìm tư liệu âm thanh trên mạng để thực hành là có thể thành quan viên.

Đổi cơ nghiệp lấy tay trống

Bùi Trọng Hiền từng tổ chức vài khóa dạy đánh trống chầu, mỗi khóa chừng 2-3 tháng, cũng được độ dăm quan viên ra lò. Giờ đây, theo anh chỉ cần đọc cuốn Ả đào- Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, nghiên cứu các sơ đồ tiết tấu đánh dấu thời điểm vào trống và tự tìm tư liệu âm thanh trên mạng để nghe và thực hành là có thể thành quan viên. Tương lai, công trình mất 9 năm (2014-2023) để hoàn thành của Bùi Trọng Hiền có thể sẽ được phát hành phiên bản điện tử kèm âm thanh sẽ giúp cho quá trình tự học nhanh hơn.

Rung dong nhung kham pha moi ve a dao

Tác giả Bùi Trọng Hiền thực hành đánh trống chầu theo sơ đồ đã được anh khái quát Ảnh: N.M.HÀ.

Trong một thời gian dài, vì quan viên quá hiếm nên thường được coi là nhạc công. Ông Nguyễn Trúc Hiền, nghệ nhân trống chầu vào hàng cự phách (cầm chầu trong tất cả các bản thu của NSND Quách Thị Hồ tại Dihavina) cho GS. Trần Văn Khê hay rằng, bản thân cũng phải tốn kém rất nhiều tiền của đi theo đào kép mới thành nghề. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ kể với Bùi Trọng Hiền, thời trước ở nông thôn, các cụ muốn làm quan viên có khi bán mấy sào ruộng mời đào kép về nhà mình ở cả tháng để học các khổ phách và trống chầu. Tất nhiên khách có thể đến ca quán và tha hồ điểm chầu tùy ý vì chính họ trả tiền cho chầu hát. Tất nhiên họ sẽ bị chê cười (sau lưng) nếu không biết đánh.

Phép đánh trống chầu từ các cụ truyền lại là phải biết nghe phách của đào nương để vào cho chuẩn. Nếu nhìn chằm chằm vào tay phách đảm bảo không trượt nhưng sẽ bị chê là đánh “trống chờ”. Dựa vào lời hát để điểm không những dễ bị trượt (vì hát cũng phải theo phách) mà còn bị coi là “nhà quê”.

Theo nghiên cứu của Bùi Trọng Hiền, vị trí điểm trống trong một bài ca trù mang tính quy luật - song hành cùng khổ phách, chỉ có quan viên chọn tiếng nào, cắc hay tom để điểm mà thôi. Nghe lâu cũng có thể tự ngấm cách đánh trống, với điều kiện tai phải tinh sẵn. Nhưng trong hoàn cảnh các chầu hát ca trù vô cùng hiếm hoi như bây giờ, cách này là bất khả.

Câu hát thất truyền

Từng có một cuốn “sổ tay” về trống chầu gần 70 trang của tác giả Vô Danh Thị (bút danh chung của 3 người mà một trong số đó được Bùi Trọng Hiền phát hiện ra chính là nhà viết kịch Vũ Đình Long) xuất bản lần đầu năm 1927. Anh Hiền cho biết, cuốn này chỉ đưa ra một sơ đồ chung kèm ví dụ cụ thể vào từng bài, còn anh đưa ra nguyên tắc tổng hợp.

Điều làm cho cuốn Sách dạy đánh chầu được đánh giá là một trong hai tư liệu quý nhất về ca trù xưa nay (cuốn kia là Việt Nam ca trù biên khảo) là ngoài việc “lược đồ hóa các khổ phách theo chiều thời gian”, tác giả đã cung cấp toàn bộ lời của nhiều bài ca trù. Từ đó Bùi Trọng Hiền có cơ sở đối sánh với các băng ghi âm để biết tình trạng biến dị của các bài hát.

Bài Thét nhạc ngay từ thời đó đã được Vô Danh Thị mô tả là “tam sao thất bản, ả đào học truyền miệng mỗi người hát một khác”, “sai lầm chắc nhiều mà nghĩa lý không biết đâu mà xét”. Nhưng chính từ văn bản tác giả chép trong sách này mà Hiền nhận ra phần thu âm của bà Quách Thị Hồ thiếu mất 3 câu, trong khi bà Nguyễn Thị Chúc và Phó Thị Kim Đức (cùng học một thầy) hát thiếu 6 câu.

Rung dong nhung kham pha moi ve a dao-Hinh-2

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (bên phải) thăm nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trong chuyến điền dã tháng 9/2014 Ảnh: NVCC.

Như vậy, những câu bị thiếu ở cả hai phiên bản đã vĩnh viễn thất truyền. Trước thắc mắc của tôi liệu có thể “phổ nhạc” cho những câu này sao cho phù hợp với bài hát không, Bùi Trọng Hiền đáp: “Đã nắm được cung điệu, âm luật và lời ca thì có thể làm được nhưng vấn đề là làm xong, ai hát. Hiện nay dị bản của bà Hồ còn chưa có ai đàn hát nổi”.

Về logic cũng có thể ghép các câu của hai phiên bản để tạo thành một bản đầy đủ hơn cả, nhưng anh cho hay, mỗi đào nương đều giữ nguyên bài bản mà thầy họ đã dạy và cứ thể hát cả đời. Bản của bà Hồ vốn dành để hát thờ nên đầy đủ hơn.

Trong nhạc ả đào, bài bản dài nhất là Tỳ bà hành, hiện còn lưu lại 2 dị bản hát đủ số câu trọn vẹn. Một là bản thu của bà Quách Thị Hồ và kép đàn Đinh Khắc Ban dài 35 phút; hai là bản thu âm của bà Như Tuyết và kép Tư Mã (cả hai di cư vào Sài Gòn từ năm 1940) dài tới 47 phút. Theo Bùi Trọng Hiền, đây là bài hát dài nhất thế giới: “Hiện chưa có một đào nương nào có thể hát lại đầy đủ bài Tỳ bà hành mà chỉ hát dạng trích đoạn”.

Cấu trúc độc nhất vô nhị 

Trong diễn xướng, đào nương có thể kéo dài bài hát tùy ý bằng cách biến hóa cấu trúc các câu thơ. Bùi Trọng Hiền chỉ ra: “Các cụ thường dùng thủ pháp phá cấu trúc thơ bằng cách đảo từ, đưa các âm tiết giữa hoặc cuối câu lên đầu hoặc hát liền ở chỗ đáng ra phải ngắt theo nhịp thơ”. Vì vậy, theo anh nếu nói ca trù là “cuộc hội ngộ của thơ và nhạc” chưa thực sự chuẩn. Vì trong mối quan hệ này, thơ phải “hy sinh” cho nhạc là chuyện thường.

GS. Tô Ngọc Thanh đã đúc kết ra 3 loại cấu trúc trong cổ nhạc Việt Nam đó là: ca khúc dân gian (chèo, quan họ); làn điệu (hát ru, chầu văn, xẩm); lòng bản (cung đình và thính phòng Huế, lễ nhạc và tài tử cải lương Nam Bộ). Với công trình Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, Bùi Trọng Hiền chính thức công bố cấu trúc thứ 4: lắp ghép (module). Cấu trúc này gần đây mới được thế giới sử dụng trong âm nhạc thể nghiệm đương đại.

Tri ân những "Vị cứu tinh" 

“Phải cảm ơn những cán bộ sưu tầm, lưu trữ ở Viện Âm nhạc, không có các ông ghi âm lại từ cách đây nửa thế kỷ, bây giờ chúng ta sẽ vĩnh viễn mất trắng nhiều bài bản quan trọng”, Bùi Trọng Hiền nói.

Những băng ghi âm ca trù vô giá đến với anh theo con đường khá vòng vèo. Một phần do nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan sưu tầm và trao cho khi anh bắt đầu hành trình nghiên cứu “lội ngược dòng” cuối 2014. Phần còn lại được lưu trữ trong 10 cuốn cát-xét mà Viện Âm nhạc chuyển cho nhạc sĩ Vũ Nhật Tân để ký âm quãng năm 1996. Sau này Hiền được GS. Vũ Nhật Thăng (tức bố của Tân) giao lại. Anh mất hai tuần thức trắng đêm để lau từng đoạn băng bị mốc. Sau khi số hóa, anh có trong tay 66 bản thu của những đào kép tài danh, trong đó có 11 bản thu của NSND Quách Thị Hồ.

Trong tư liệu âm thanh sưu tầm, kho tàng bài bản của đào nương Đinh Thị Bản do Viện Âm nhạc thu năm 1979 có chất lượng hơn cả. Trước mỗi phần thu đều có lời giới thiệu, chẳng hạn: “Sưu tầm thu thanh nhạc ả đảo ngày 15/2/1979. Người sưu tầm Huy Chân và Xuân Ninh. Nghệ nhân trình diễn: bà Đinh Thị Bản…” (tức là chỉ 2 ngày sau, Trung Quốc nổ súng tại biên giới phía Bắc).

Ông Đinh Xuân Ninh - người thu thanh cuốn băng đó - kể lại: “Khi đấy bọn anh thu rất gấp vì Trung Quốc có thể tấn công vào Hà Nội bất cứ lúc nào. Viện Âm nhạc phải tiến hành thu thật nhanh để sau đó chuyển vào TPHCM”. Do vậy mà bà Đinh Thị Bản được thu liền 23 bài trong gần 2 tuần.

“Mỗi bài bản ả đào là một sơ đồ kết nối liền mạch các mô hình khổ phách/khổ đàn xác định. Tuỳ từng bài bản, các sơ đồ đó lại có những biến dị ngẫu hứng nhất định gọi đó là cấu trúc lắp ghép. Khi hiểu ra tôi cảm thấy rúng động - tại sao từ thời cổ ông bà lại nghĩ ra trò chơi xếp hình này. Cho đến nay có thể khẳng định đây là cấu trúc độc nhất vô nhị trên thế giới”

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

  *Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại.
Theo Nguyễn Mạnh Hà/Tiền Phong