Nhiếp ảnh gia Damir Sagolj của hãng tin Reuters và một đồng nghiệp đã có cái nhìn chân thực về nỗi đau da cam mà nhiều gia đình ở Việt Nam trải qua khi có chuyến đi đến đất nước hình chữ S.
Theo Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc màu da cam/dioxin khi quân đội Mỹ rải hàng triệu lít hóa chất nhằm làm rụng lá cây rừng để bộ đội ta không còn nơi ẩn náu cách đây 42 năm. Thêm nữa, hơn 3 triệu người khác đã mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng của chất độc màu da cam.
Ban đầu, nhiếp ảnh gia Sagolj chụp cận cảnh khuôn mặt và cơ thể biến dạng của các nạn nhân, trong đó có trẻ sơ sinh bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, khi tới thăm một trung tâm bảo trợ xã hội ở ngoại ô Hà Nội, ông Sagolj cảm thấy cần phải khắc họa các câu chuyện về những số phận bất hạnh chứ không chỉ đơn thuần là hình ảnh về những đôi mắt, những khuôn mặt bị tổn thương.
|
Cựu chiến binh Nguyen Hong Phuc ngồi trên giường với con trai Nguyen Dinh Loc là hai nạn nhân của chất độc da cam ở Việt Nam. |
Cụ thể, nhiếp ảnh gia Sagolj muốn đưa những hình ảnh này so sánh với bức tranh đất nước Việt Nam sau 42 năm chấm dứt chiến tranh, đất nước lập lại hòa bình. Ông muốn tìm hiểu cuộc sống và nơi ở của con cháu những người lính bị nhiễm chất độc màu da cam để tìm hiểu vì sao những thế hệ thứ hai và ba vẫn mang hình hài dị tật khi được sinh ra. Thêm nữa, ông cũng muốn biết họ có hiểu được mức độ nguy hiểm của loại hóa chất này cũng như họ phát hiện bản thân nhiễm chất độc da cam/dioxin từ khi nào.
Theo đó, nhiếp ảnh gia Sagolj ghi nhận được số lượng các nạn nhân nhiễm chất độc dioxin càng tăng dần lên. Ông và đồng nghiệp giữ liên lạc với Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng như nơi họ sống.
Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam, lãnh đạo địa phương cùng các thành viên trong gia đình đã cho nhiếp ảnh gia Sagolj biết về tình trạng sức khỏe của họ bị ảnh hưởng như thế nào khi cha mẹ hoặc ông bà bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Trong cuộc gặp cựu chiến binh Le Van Dan - một cựu quân nhân Việt Nam, nhiếp ảnh gia Sagolj đã được nghe câu chuyện cảm động. Ông Dan đã kể về việc mình bị các máy bay Mỹ phun trực tiếp chất độc da cam lên người như thế nào khi đang chiến đấu không xa ngôi nhà ông ở hiện nay. Cả hai cháu trai của ông đều bị ảnh hưởng bởi dioxin và sinh ra với thân thể khuyết tật.
|
Cựu chiến binh Le Van Dan có hai người cháu trai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. |
Tại một ngôi làng nhỏ ở Thái Bình, trong căn phòng lạnh lẽo không đồ đạc, ông Sagolj đã chụp lại hình ảnh Doan Thi Hong Gam cuộn tròn trong tấm chăn mỏng. Cô đã sống tách biệt trong căn phòng này từ năm 16 tuổi vì mắc bệnh tâm thần. Đến nay, cô đã 38 tuổi. Cha của cô Gam là một cựu chiến binh, đang nằm trên giường trong căn phòng bên cạnh phòng con gái. Sức khỏe của ông rất yếu sau khoảng thời gian bị phơi nhiễm chất độc da cam trong thời gian chiến tranh.
Khi đến một ngôi làng khác, nhiếp ảnh gia Sagolj và đồng nghiệp gặp cựu chiến binh Do Duc Diu. Ông Diu chỉ cho nhiếp ảnh gia hãng tin Reuters một ngôi mộ trên quả đồi mà ông xây cho 12 người con đều đã qua đời không lâu sau khi được sinh ra không lành lặn. Bên cạnh còn có những hố chôn đã được đào sẵn cho những cô con gái của ông Diu vẫn còn sống nhưng sức khỏe lại rất yếu.
Ông Diu là một cựu chiến binh ở miền Bắc Việt Nam bị nhiễm chất độc màu da cam. Trong hơn 20 năm qua, ông và vợ ông đã cố gắng sinh một người con hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, lần lượt từng người con của ông qua đời và cho rằng mình đã bị một lời nguyền ám nên đã nhờ cậy thầy cúng. Tuy nhiên, điều này không có tác dụng. Khi sinh người con thứ 15 vẫn ốm yếu, vợ chồng ông Diu mới phát hiện ra rằng họ bị phơi nhiễm dioxin.
>> Mời quý độc giả xem video người mẹ của những em nhỏ là nạn nhân của chất độc da cam (nguồn: VTV):
Ngay cạnh khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhiếp ảnh gia Sagolj ghé thăm một cặp vợ chồng trẻ sống và làm việc ở đây từ cuối những năm 1990. Khi mới chuyển đến nơi này sinh sống, người chồng thường đi câu cá, bắt ốc, hái rau mang về nhà ăn.
Người chồng không hề hay biết rằng, chất độc da cam từng lưu trữ gần đó đã nhiễm vào nguồn nước và tất cả sông hồ gần đường băng của sân bay. Do không biết điều này nên họ đã sinh con gái đầu lòng năm 2000. Tuy nhiên, con của họ qua đời khi mới 7 tuổi. Tới năm 2008, họ sinh tiếp một người con trai nhưng cũng ốm yếu và có những triệu chứng tương tự như đứa con đầu.
Sau khi chụp một vài bức ảnh, ông Sagolj cùng gia đình đến bệnh viện để truyền máu cho cậu bé bị mù và thường xuyên đau ốm. Những câu chuyện của các nạn nhân chất độc da cam đã khiến ông Sagolj không thể nào quên nên đã đăng tải những bức ảnh kèm theo câu chuyện của họ để mọi người biết đến nỗi đau da cam mà các nạn nhân đã và đang trải qua.
Tâm Anh (theo Reuters)