Tục nhuộm răng đen của người Việt có từ lâu đời, đi sâu vào sinh hoạt, văn hóa của người dân. Ca dao có câu: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng / Bõ công trang điểm má hồng răng đen”.
Phong tục phổ biến
Sách Dệt nên triều đại phục dựng trang phục thời Lê viết: “Một lối trang điểm rất đặc sắc của người Việt ở thời Lê là nhuộm răng đen. Trên thực tế, nhuộm răng đen đã được ghi chép là phong tục phổ biến của người Việt từ tận thời nhà Lý. Ở thời Lê, nó là một dạng trang điểm cao quý”.
|
Hình ảnh trong sách Dệt nên triều đại.
|
Cách nhuộm răng đen của người Việt được ghi lại trong An Nam phong tục sách (tác giả Mai Viên Đoàn Triển) ghi: “Trai gái hơn 10 tuổi, răng sữa đã thay hết, răng mới mọc đều thì ai nấy bắt đầu nhuộm răng. Cách làm là lấy cánh kiến tán nhỏ hòa với nước chua thành thuốc, quết lên lá cau, buổi đêm dán lên răng, làm hơn mười lần là thành màu đỏ. Lại lấy phèn đen hòa lẫn với thuốc trên, dán vào răng độ thêm dăm ba lần nữa là thành màu đen. Đàn ông nhuộm một lần, đàn bà thì vô số lần, vì phải đen nhánh thì mới gọi là đẹp".
Trong Kỹ thuật của người An Nam - một công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở nước ta được người Pháp tên Henri Oger và nghệ nhân người Việt Nam thực hiện năm 1908-1909 - cũng đưa ra hình ảnh nhuộm răng.
|
Tranh nhuộm răng trong Kỹ thuật của người An Nam.
|
Trong bộ truyện tranh dã sử Long thần tướng lấy bối cảnh thời Trần, các tác giả đều vẽ nhân vật lịch sử có hàm răng đen.
Từ vương hầu tới quan quân đều mang hàm răng đen huyền, chỉ trừ nhân vật Long được để răng trắng.
Người Việt Nam đều nhuộm răng. Vì những chất dùng để nhuộm răng là những chất nồng và cay, nên môi và lưỡi đều sưng.
Một số ảnh về người Việt đầu thế kỷ 20 do người Pháp chụp lại cho thấy chiếc môi sưng vì nhuộm răng và ăn trầu.
“Tục nhuộm răng đen vẫn duy trì qua suốt thời nhà Nguyễn. Đến nay, do yếu tố thẩm mỹ thay đổi, tục nhuộm răng đen không còn được ưa chuộng nữa, các cách nhuộm cũng dần không còn được nghiên cứu kĩ”, sách Dệt nên triều đại viết.
Răng đen dưới góc nhìn người ngoại quốc
Không chỉ tác giả trong nước, một số tác giả ngoại quốc khi tới Việt Nam cũng viết về tục nhuộm răng đen của người xưa.
Sách Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh dẫn lời giáo sư Henri Maspéro, cho rằng tục nhuộm răng cũng như tục ăn trầu, dân ta có từ thời đại Văn Lang: “Nhưng hai phong tục ấy không phải phong tục đặc biệt của người Việt Nam, vì người Cao Man, người Ấn Độ, người Mã Lai ăn trầu còn nhiều hơn người Việt Nam, mà răng nhuộm thì ta thấy người Nhật Bản xưa cùng người Mã Lai và ít nhiều giống thổ dân ở Nam Dương quần đảo cũng có tục ấy”.
Sách Ngàn năm áo mũ của học giả Trần Quang Đức trích lại một số miêu tả về cái răng cái tóc của người Việt xưa trong con mắt người ngoại quốc.
|
Ảnh thiếu nữ Việt với hàm răng đen do Léon Busy chụp năm 1915. Ảnh thuộc bộ sưu tập của Albert Kahn.
|
William Dampier - nhà thám hiểm 3 lần đi vòng quanh thế giới - đã thực hiện chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688.
Ông ghi chép về phong tục nhuộm răng của người Việt: “Răng họ đen hết mức họ có thể làm được, vì họ coi đây là một lối trang điểm cao quý”.
Sứ thần Mẫn Ảm người Triều Tiên khi nói về người Việt thuật lại: “Bất kể sang hèn đều buông xõa tóc, nhai trầu cau luôn miệng, đối đáp khách cũng không ngừng, răng đều đen như sơn”.
Lí Túy Quang mô tả về Phùng Khắc Khoan: “Cả đoàn hai mươi ba người đều xõa tóc. Người cao sang thì sơn răng, kẻ hạ tiện thì mặc áo ngắn đi đất […] Chừng phong tục của họ là vậy”.
Năm 1884, bác sĩ Hocquard tham gia quân đội Pháp tới Bắc Kỳ. Được tiếp xúc một vị quan tổng đốc, Hocquard mô tả: “Ông có một nốt ruồi và bộ râu đen khá rậm. Răng ông đều tăm tắp và hẳn là rất đẹp, nếu không nhuộm đen theo tục lệ An Nam. […] Cái tục lệ khiến chúng ta ngạc nhiên khi tới đây đã có từ thời xa xưa và trở thành phổ biến”.
Dưới góc nhìn một người châu Âu, Hocquard nói về tục lệ người Việt hơn 100 năm trước trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ: “Nếu người châu Âu ghê tởm hàm răng đen thì người An Nam cũng không chịu nổi hàm răng trắng của chúng ta”.
Trong một ngày hội tổ chức ở dinh thống đốc Sài Gòn, một sĩ quan Pháp ghé vào tai một viên quan An Nam đang ngắm khách mời khiêu vũ, hỏi nhỏ: “Này, quan lớn thấy phụ nữ Pháp chúng tôi thế nào?”
Vị quan đáp lại: “Đẹp đấy, phải mỗi tội răng như răng chó ấy!”.
Cho tới đầu thế kỷ 20, người Việt vẫn còn nhuộm răng đen. Bài thơ Bên kia sông Đuống được thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1948 ca ngợi vẻ đẹp của thiếu nữ răng đen: “Những cô hàng xén răng đen / Cười như mùa thu tỏa nắng”.
Theo Zingnews