Con người hiện đại nhìn chung kết hôn muộn hơn, thậm chí có xu hướng sống độc thân khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên, tìm mọi cách để thúc giục chuyện cưới xin.
Thế nhưng bạn biết không, có rất nhiều phương pháp thúc giục chuyện cưới xin từ thời cổ đại. Những phương pháp này thậm chí còn kinh khủng hơn ngày nay rất nhiều. Ngoài cha mẹ, người thân, bạn bè, thậm chí chính quyền cũng chủ động và đưa ra nhiều chính sách để buộc trai ế, gái ế sớm thành gia lập thất, đi đến hôn nhân một cách nhanh nhất. Thậm chí, nếu giấu diếm việc độc thân, hình phạt nghiêm trọng nhất chính là hại cả cha mẹ bị xử tử.
Theo tìm hiểu, vào thời nhà Chu đã có một ban bộ chính thức phụ trách việc hôn nhân giữa nam và nữ, được gọi là "Môi thị". Ban bộ này chịu trách nhiệm chính về việc ghi lại tên và giờ sinh của nam và nữ trên khắp đất nước. Thế rồi, cứ đến hàng năm, vào giữa mùa xuân, ban bộ này lại đưa ra thông báo, lệnh cho những nam thanh nữ tú đến độ tuổi kết hôn gặp nhau, xây dựng gia đình. Nếu ai đó vi phạm độ tuổi kết hôn hoặc các quy tắc khác, họ sẽ bị xử phạt cực nghiêm.
Đến thời nhà Hán, chuyện thúc giục cưới xin còn được nâng tầm hơn nữa. Quy định trong luật chính thức của nhà Hán có ghi, những cô gái độc thân trên 15 tuổi phải nộp "thuế độc thân" hàng năm là 150 văn tiền, mãi cho đến khi họ kết hôn mới được miễn. Sau Hán Huệ Đế thấy mức tiền không đủ răn đe, tăng lên 600 văn khiến nhiều gia đình dù không muốn cũng phải nhanh chóng tìm cách gả con gái.
Đến triều đại Tây Tấn, chuyện hôn nhân tiếp tục được quan tâm chú ý. Tấn Võ Đế Tư Mã Viêm quy định, thiếu nữ 17 tuổi chưa kết hôn sẽ bị chính quyền nhúng tay vào hôn nhân. Cụ thể, giới chức địa phương sẽ can thiệp và chủ động chỉ định chồng cho những cô gái này.
Vào thời nhà Đường, hoàng đế Đường Thái Tông đã ban hành sắc lệnh về hôn nhân, thuyết phục dân chúng kết hôn, tái hôn liên tục. Cụ thể, sắc lệnh này có ghi, nam trên 20 tuổi, nữ trên 15 tuổi, những người góa chồng, góa vợ, những người hết thời hạn để tang, quan lại địa phương phải tích cực mai mối, để những người này được lập gia đình, sinh con đẻ cái sớm.
Nếu người dân đến độ tuổi hoặc không vướng bận gì mà không chịu kết hôn, để triều đình biết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp thăng tiến của quan chức địa phương. Ngược lại, nếu làm tốt việc mai mối, đảm bảo bách tính đều tìm được mối lương duyên thì quan lại sẽ được ghi công, thăng chức nhanh chóng.
Ngoài những phương thức thúc giục kết hôn nêu trên, một số triều đại thậm chí còn trực tiếp coi chuyện độc thân là một tội ác, chẳng hạn, Việt vương Câu Tiễn từng ra lệnh: "Nữ 17 không lấy chồng, nam 20 không lấy vợ, cha mẹ sẽ mang tội, không thể dung thứ".
Trong Tống Thư - Chu Lãng truyện cũng ghi chép: "Nữ 15 tuổi chưa kết hôn, toàn gia đình sẽ bị nghiêm phạt". Tàn nhẫn nhất là hoàng đế Bắc Tề - Cao Vĩ từng ban bố nghiêm lệnh: "Nữ từ 14 đến 20 chưa chịu lấy chồng, đều thu về tỉnh. Kẻ nào trốn, cha mẹ sẽ bị xử tử hình. Nếu cha mẹ giấu diếm chuyện con gái không lấy chồng cũng sẽ bị xử tử".
Theo PV/ Tiền Phong