Quần thể di tích Hạc Lâm: Dấu ấn thời Lê vùng Kinh Bắc

Google News

Giữa vùng quê Hương Lâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang), đình – chùa Hạc Lâm lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc, tiêu biểu cho truyền thống “tiền thần – hậu Phật” của vùng Kinh Bắc từ hàng trăm năm trước.

Quần thể đình – chùa Hạc Lâm không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư qua nhiều thế hệ, mà còn là nguồn tư liệu quý báu để nghiên cứu về lịch sử quần cư, tín ngưỡng thờ thần – thờ Phật thời trung đại Việt Nam.
Ngôi chùa Già Đề: Hơi thở Phật giáo từ thời Lê
Chùa Hạc Lâm, còn gọi là chùa Già Đề, được hình thành từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những đường nét kiến trúc cổ kính. Toàn bộ chùa được quy hoạch theo kiểu “nội công ngoại quốc” truyền thống, với các hạng mục chính gồm: tiền đường 3 gian, thượng điện 1 gian, nhà mẫu 4 gian và nhà khách 3 gian.
Quan the di tich Hac Lam: Dau an thoi Le vung Kinh Bac
Chùa Hạc Lâm, di tích lịch sử xây dựng từ thời Lê
Tòa tiền đường được xây theo lối bình đầu bít đốc, khung gỗ bên trong kết cấu theo kiểu thượng con chồng, hạ kẻ, cho thấy kỹ thuật mộc cổ truyền khéo léo. Nghệ thuật chạm khắc ở chùa tương đối giản dị, mộc mạc, phản ánh tinh thần Phật giáo thời hậu Lê, thiên về nội tâm và sự thanh tịnh.
Một điểm nhấn quý giá trong khuôn viên chùa là cây hương đá dựng từ niên hiệu Vĩnh Khánh (thời Lê), được chạm khắc công phu. Nội dung văn bia ghi lại công đức của những người dân làng xưa góp tiền dựng hương, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của người Việt.
Quan the di tich Hac Lam: Dau an thoi Le vung Kinh Bac-Hinh-2
 Cây hương đá được chạm khắc công phu
Đình Hạc Lâm: Công trình lưu giữ thần tích và nghệ thuật chạm khắc tinh xảo
Liền kề chùa Hạc Lâm là đình Hạc Lâm (hay còn gọi là đình Hược Lâm), tạo nên thế bố cục “tiền thần – hậu Phật” hài hòa. Ngôi đình được dựng từ thế kỷ XVIII, dưới triều Lê, với quy mô bề thế: đại đình 3 gian 2 chái, mái ngói mũi, tường xây gạch chỉ, bốn góc đình có mái đao cong vút uyển chuyển.
Quan the di tich Hac Lam: Dau an thoi Le vung Kinh Bac-Hinh-3
Đình Hạc Lâm với quy mô bề thế, bốn góc đình có mái đao cong vút uyển chuyển
Bên trong đình, hệ thống kết cấu gỗ với 4 vì được làm theo kiểu con chồng giá chiêng, cốn mê, đặc trưng cho kiến trúc đình làng thời Lê. Các đầu dư, vì kèo đều được chạm lộng hình đầu rồng sắc sảo, mang phong cách mỹ thuật thế kỷ XVII–XVIII.
Đình hiện còn lưu giữ được hệ thống sắc phong, ngọc phả, văn tế và đặc biệt là 4 tấm bia đá ghi việc lập hậu thần. Trong đó, tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 27 (1766) được đánh giá có giá trị nghệ thuật cao nhất. Theo các tài liệu Hán Nôm lưu lại, đình Hạc Lâm thờ các vị thần Đô Giang, Linh Quang và Diên Bình Minh Thục công chúa - những nhân thần có công lao lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm và bảo vệ quê hương đất nước.
Quan the di tich Hac Lam: Dau an thoi Le vung Kinh Bac-Hinh-4
Khuôn viên di tích Hạc Lâm, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang 
Hội làng Hạc Lâm được tổ chức vào mùng 4 tháng Giêng hàng năm, với nhiều trò chơi dân gian và hình thức sinh hoạt văn nghệ truyền thống, làm sống lại không khí lễ hội đậm đà bản sắc Kinh Bắc.
Giếng cổ gỗ xoắn ốc: Phát hiện mới hé lộ chiều sâu văn hóa – kỹ thuật
Gần đây, trong quá trình cải tạo cảnh quan khu vực chùa – đình Hạc Lâm, người dân đã tình cờ phát hiện một giếng cổ nằm sâu dưới lòng đất. Điều đặc biệt là giếng được cấu tạo bằng gỗ và có hình dáng xoắn ốc – kiểu kết cấu hiếm gặp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phần thân giếng được kè bằng các lớp gỗ dày, xếp chặt theo hình xoắn. Kết cấu này không chỉ giúp chống sạt lở mà còn đóng vai trò như lớp lọc tự nhiên, bảo vệ mạch nước bên trong. Dạng giếng này thuộc loại giếng mạch đứng – lấy nước từ tầng sâu – vốn được đánh giá sạch hơn và ổn định hơn so với giếng mạch ngang nông phổ biến thời xưa.
Quan the di tich Hac Lam: Dau an thoi Le vung Kinh Bac-Hinh-5
Toàn cảnh giếng cổ Hạc Lâm, một di tích vừa được phát hiện tại Hiệp Hòa, Bắc Giang 
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, chuyên gia khảo cổ học lịch sử, giếng chưa thể xác định chính xác niên đại, để xác định chính xác niên đại và giá trị của giếng cổ, cần tiến hành lấy mẫu gỗ để phân tích carbon phóng xạ (C14) cũng như thực hiện các nghiên cứu liên ngành kết hợp khảo cổ, địa chất và lịch sử – văn hóa.
Không chỉ là một công trình kỹ thuật độc đáo, giếng cổ Hạc Lâm còn mang dấu ấn tâm linh sâu sắc. Nguồn nước giếng có thể từng được dùng trong các nghi lễ làng, nấu cỗ cúng, làm xôi lễ hoặc tắm tượng Phật vào dịp lễ trọng. Đây là biểu tượng văn hóa đặc biệt, phản ánh quan niệm "nước – nguồn sống – linh thiêng" trong đời sống người Việt.
Quan the di tich Hac Lam: Dau an thoi Le vung Kinh Bac-Hinh-6
Cận cảnh miệng giếng cổ được phát hiện tại Hạc Lâm 
Phát hiện giếng cổ không chỉ góp phần làm phong phú thêm giá trị khảo cổ và văn hóa của quần thể đình – chùa Hạc Lâm, mà còn mở ra hướng nghiên cứu mới về kỹ thuật đào giếng, xử lý đất – nước của người Việt thời trung đại.
 
Trần Liên