Lương Thế Vinh
Dòng họ Lương ở xã Trác Vĩnh, giáp Cổ Đằng (nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vốn có tiếng là hay chữ. Thời nhà Lê có ông Lương Hay vốn là người thông minh học rộng, đỗ giải nguyên (tức đỗ đầu thi Hương) năm 1460 thời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Thái thường Tự thừa, được vua cử đi sứ nhà Minh.
Cũng như những người khác, khi có tuổi, Lương Hay mở lớp nhận học trò. Ông đã đào tạo dược nhiều nhân tài phụng sự Xã Tắc, nhưng học trò làm ông ưng ý nhất chính là Lương Thế Vinh.
Lương Thế Vinh nổi tiếng là thần đồng, học nhanh thuộc, nhanh hiểu, lại rất giỏi tính toán. "Trò giỏi" tìm được "thầy hay" nên tiến bộ rất nhanh.
Khoa thi năm 1463, Lương Thế Vinh 22 tuổi đăng ký dự thi và trở thành Trạng nguyên. Ông là một trong những Trạng nguyên nổi tiếng nhất sử Việt. Vua Lê Thánh Tông mừng rỡ vì tìm được nhân tài là Tam khôi lúc đó, đã làm bài thơ rằng:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh
Lương Đắc Bằng may mắn gặp được "thầy hay"
Ông Lương Hay còn có người con trai tên là Lương Ngạn Ích, từ nhỏ được giáo dục chu đáo và cũng rất nổi tiếng.
Năm 1484 khi Lương Ngạn Ích 12 tuổi thì ông Lương Hay bị ốm nặng. Do tuổi cao sức yếu, trước khi mất ông dặn còn trai đến tìm học trò của mình là Trạng nguyên Lương Thế Vinh để theo học. Xét về vai vế thì Lương Thế Vinh là bác họ của Lương Ngạn Ích.
Lương Ngạn Ích tiến bộ rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thông tỏ tứ thư ngũ kinh.
Năm 1499 Lương Ngạn Ích dự thi kỳ thi Hội và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, bài thi của ông rất hay và nổi tiếng khiến vua Lê Hiến Tông cảm phục.
Lương Ngạn Ích vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình, bài thi của ông được chấm đỗ đầu ngang với bài thi của Đỗ Lý Khiêm, nhưng ngôi Trạng nguyên chỉ có một, nên Triều đình ra thêm bài ứng chế cho 2 người làm. Kết quả chấm hai bài cũng đều hay như nhau, Triều đình lại quyết định ra thêm một bài nữa cho 2 người thi tài.
Lương Ngạn Ích làm bài rất hay và được chấm loại ưu. Đỗ Lý Khiêm qua quá trình tiếp xúc cũng nhận thấy tài năng và phẩm chất của Lương Ngạn Ích, nên ông đã chủ động viết một bài qua loa lấy lệ nhằm nhường ngôi Trạng nguyên cho Lương Ngạn Ích.
Vua xem bài của Đỗ Lý Khiêm thấy viết rất nông cạn khác hẳn các bài ông làm trước đây thì đoán biết ông muốn nhường lại ngôi vị Trạng nguyên. Vua nói việc này cho Lương Ngạn Ích biết, Lương Ngạn Ích cảm thấy hổ thẹn vì nhân phẩm của mình không sánh được với Đỗ Lý Khiêm, nên quyết định nhường lại ngôi vị Trạng nguyên cho Đỗ Lý Khiêm.
Khoa thi năm 1499 trở thành khoa thi độc nhất vô nhị khi 2 người tài nhất đều nhường nhau, cuối cùng các quan liền nghĩ ra một cách là vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi vào, quyển thi của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên.
Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Lương Ngạn Ích nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Ngạn Ích đỗ thứ hai tức Bảng nhãn.
Triều đình đánh giá rất cao tài văn của Lương Ngạn Ích, Vua đổi tên cho ông thành Lương Đắc Bằng và giữ chức quan Thị Độc, sau đó thăng lên Hàn lâm viện Thị độc Tham chưởng Hàn lâm viện, rồi Lại bộ Tả Thị lang.
Năm 1504 vua Lê Uy Mục lên ngôi, Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả vị Vua này là: "Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy".
Nhiều quan không theo Lê Uy Mục, đón Giản tu công Lê Dinh lên ngôi Vua, trong đó có Lương Đắc Bằng.
Năm 1509 Lương Đắc Bằng soạn hịch kể tội Lê Uy Mục, rồi Lê Dinh cho xuất quân ra Thăng Long, Lê Uy Mục không có người theo nên nhanh chóng bị bắt. Giản tu công Lê Dinh lên ngôi Vua, hiệu là Lê Tương Dực.
Năm 1510 vua Lê Tương Dực thưởng cho công thần, Lương Đắc Bằng được phong làm Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các học sĩ, dạy cho Vua và Thái tử. Tuy nhiên Lương Đắc Bằng không nhận.
Tương truyền một lần đi sứ nhà Minh, Lương Đắc Bằng được một vị quan đồng cấp tặng cho sách quý về lý học như "Thái Ất Thần Kinh" và vài cuốn khác về Kinh Dịch. Về nước ông chịu khó học hỏi nhờ đó mà giỏi về lý số. Nhận thấy nhà Lê đã qua giai đoạn cực thịnh và đang trên đà suy vi, ông liên dâng 14 kế sách gọi là "trị bình" mong Vua áp dụng để trị quốc.
Tuy nhiên, Lương Đắc Bằng sau đó nhận thấy Vua không còn chú ý nghe theo 14 kế sách của mình nhằm ổn định Triều chính, nên cáo quan về quê dạy học. Lương Đắc Bằng đoán trước quả không sai, Vua không nghe theo lời ông khiến cho nhà Lê ngày càng suy yếu, cuối cùng rơi vào tay nhà Mạc.
Lương Đắc Bằng về quê nhà ở xã Trác Vĩnh (sau đổi tên là làng Hội Triều) dạy học, dù nơi đây xa kinh đô cũng như trung tâm, nhưng tiếng tăm Bảng nhãn Lương Đắc Bằng từ lâu đã vang xa, học trò nô nức tìm đến ông. Nhiều học trò của ông thi đậu Tam khôi, tiến sĩ và trở thành trụ cột của Triều đình.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Người học trò mà Lương Đắc Bằng tâm đắc nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dù ở tận Hải Dương, nhưng nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm không quản ngại xa xôi từ Hải Dương đến tận làng Hội Triều ở Thanh Hóa để theo học.
Dù Lương Đắc Bằng có nhiều "trò giỏi" và gia thế theo học, nhưng với sự thông minh sáng dạ lại chăm chỉ của mình, chẳng mấy chốc Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành trò giỏi nhất của thầy hay. Không chỉ dạy chữ nghĩa, Lương Đắc Bằng còn dạy cả đạo lý cho học trò, ông rất ân cần tỉ mỉ.
Là người tinh thông lý số, Lương Đắc Bằng cũng thấy trước được tương lai của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này, vì thế ông còn dạy thêm cả lý học. Sau này ông trao cho Nguyễn Bỉnh Khiêm "Kinh Dịch" và "Thái Ất Thần Kinh" và căn dặn đây là sách quý, có thể theo đến cảnh giới cao thâm. Trò giỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này vượt thầy hay Lương Đắc Bằng, trở thành nhà tiên tri nổi tiếng nhất sử Việt.
Lương Đắc Bằng muộn đường con cái, mãi đến ngoài 50 tuổi thì một người thiếp của ông là Hoàng Thị Thục mới có mang. Lúc đó ông đau yếu do tuổi cao, biết mình không qua khỏi liền dặn vợ đặt tên con là Lương Hữu Khánh, sau này nhờ học trò là Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy học cho nó, rồi sau đấy ông qua đời.
Nghe tin ông mất học trò khắp nơi về dự tang rất đông, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở lại làng Hội Triều chịu tang thầy 3 năm mới đi.
Dù có tài năng hơn người nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra thi cử, suốt hơn 9 khoa thi ông đều không tham dự. Dường như ông đã biết trước nhà Lê đang suy vong nên ông cũng không tham dự, vì làm quan trong thời điểm đó cũng chẳng giúp được gì cho Giang Sơn Xã Tắc.
Đến khi nhà Mạc thay nhà Lê, 2 kỳ thi đầu Nguyễn Bỉnh Khiêm đều bỏ qua không dự. Đến năm 1535 thời vua Mạc Thái Tông, lúc nhà Mạc thịnh trị nhất ông mới đi thi và đỗ ngay Trạng nguyên khi đã 45 tuổi. Ông được phong làm Đông Các hiệu thư (chuyên việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư của triều đình), sau đó kinh qua các chức vụ khác nhau như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ.
Nhưng giai đoạn làm quan phụng sự Xã Tắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có được 5 năm. Năm 1540 Mạc Thái Tông mất, con trưởng là Mạc Phúc Hải lên ngôi lúc còn rất nhỏ, vì thế mà quyền thần thao túng triều chính. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ lên Vua đề nghị trị tội 18 lộng thần, Vua còn nhỏ bị chi phối nên không nghe theo.
Nguyễn Bỉnh Khiêm liền xin từ quan về quê vào năm 1542. Đến năm 1544 nhà Mạc lại cho mời ông vào Triều. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công, vua Mạc xem ông như quân sư.
Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy rằng nhà Mạc ngày càng suy tàn, cố gắng cũng không sao thay đổi được, ông ít khi ở kinh thành mà chủ yếu ở quê. Nhưng đặc biệt các việc lớn thì các bậc vua chúa thời này đều đến hỏi ông, ông trở thành người quyết định thế cuộc lúc đó.
Khi vận nước rối bời, vua Mạc Mậu Hợp đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình đã đáp rằng: "Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời". 7 năm sau vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long, nhớ lời dặn cụ Trạng, liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa.
Khi Nguyễn Hoàng lo lắng bị chúa Trịnh sát hại bèn hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình không trả lời chỉ nói rằng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", nghĩa là: "Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời". Nguyễn Hoàng liền đến phía nam dãy Hoàng Sơn chính là vùng đất Thanh Hóa, xây dựng cát cứ lập ra nhà Nguyễn sau này.
Khi vua Lê Trung Tông mất, Trịnh Kiểm muốn nhân cơ hội này chiếm ngôi Vua của nhà Lê, bèn hỏi ý kiến Phùng Khắc Khoan. Nhưng Phùng Khắc Khoan cũng không biết nên làm thế nào, bèn phái người bí mật hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng "Năm nay thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ", "Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản".
Phùng Khắc Khoan hiểu ý, nói với chúa Trịnh rằng phải thờ vua Lê thì mới được lâu dài.
Sau này con cháu nhà Trịnh nhiều người muốn cướp ngôi nhà Lê, tìm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ông đều nói rằng "Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong", khiến chúa Trịnh không dám cướp ngôi vua Lê. Đến đời vua cuối cùng của nhà Lê là Lê Chiêu Thống mất ngôi thì nhà Trịnh cũng bị diệt.
Hai học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Sau khi Bảng nhãn Lương Đắc Bằng mất, vợ ông là bà Hoàng Thị Thục sinh con trai, nghe lời chồng đặt tên con là Lương Hữu Khánh. Khi con lớn lên bà theo lời căn dặn trước của chồng cho theo học với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lương Hữu Khánh được thầy xem như người nhà và cho ăn học tử tế.
"Trò giỏi" gặp được "thầy hay" nên Lương Hữu Khánh thành đạt rất nhanh, năm 12 tuổi đã đỗ kỳ thi Hương, sau này thi Hội thì đỗ cao thứ nhì, nhưng ông không dự kỳ thi Đình để làm quan cho nhà Mạc, mà chọn vào Thanh Hóa phò vua Lê. Lương Hữu Khánh lập công lớn khôi phục nhà Lê Trung Hưng. Lấy dân làm trọng, ông phù vua Lê thay đổi cục diện Nam Bắc Triều kéo dài.
Một người học trò khác mà Nguyễn Bỉnh Khiêm ưng ý là Phùng Khắc Khoan, vốn cũng là một thần đồng từ nhỏ. Sau ông theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, được truyền dạy cả lý số.
Dù tài năng nhưng Phùng Khắc Khoan không chọn đi thi làm quan cho nhà Mạc, mà vào Thanh Hóa giúp cho nhà Lê. Năm 1557 khi đã 29 tuổi Phùng Khắc Khoan đỗ đầu kỳ thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa), Thái sư Trịnh Kiểm nghe tiếng biết ông là người có mưu lược liền cho trông coi 4 vệ quân và dự việc cơ mật.
Năm 1580 vua Lê Thế Tông mở kỳ thi Hội, Phùng Khắc Khoan tham dự và đỗ Hoàng giáp. Theo bài tựa tập thơ "Ngôn chí thi tập" của ông thì Phùng Khắc Khoan làm quan đến "Công thần Kiệt tiết Tuyên lực, đặc ân Kim tử vinh lộc đại phu, làm chức Tán trị thừa chánh sứ ty các xứ Thanh Hoa".
Năm 1593 nhà Lê đánh bại nhà Mạc và trở về kinh thành Thăng Long. Năm 1594 Phùng Khắc Khoan được thăng dần lên làm Công bộ Tả thị lang và được cử đi sứ sang nhà Minh.
Trong những lần đi sứ sang nhà Minh ông đã đem hạt giống đậu đen, đậu nành, hạt ngô về nước, hướng dẫn người dân gieo trồng, làm ngũ cốc thêm phong phú.
Những lần đi sứ, ông xem xét học hỏi tỉ mỉ từ người dân địa phương cách kéo tơ từ kén tằm sao cho nhỏ, kĩ thuật làm cho sợi tơ thêm bóng, mềm và mượt. Ông cũng để ý đến kết cấu của các khung cửi sao cho dệt được nhiều loại lụa, cách dệt lụa sao cho mịn và bóng, ghi chép lại kỹ thuật rất cẩn thận. Khi về nước ông đã phổ biến kỹ thuật đó cho dân làng Bùng quê ông, dệt ra thứ lượt bằng tơ đẹp nổi tiếng được gọi là "lượt Bùng", rồi nghề này được lan truyền đến các làng khác. Người dân yêu mến gọi ông là Trạng Bùng.
Nhà Lê vốn bị nhà Mạc cướp ngôi, nay đánh bại nhà Mạc và trung hưng trở lại, Phùng Khắc Khoan lĩnh ấn đi sứ nhà Minh để vua Minh đồng ý sắc phong công nhận vua Lê. Phùng Khắc Khoan bằng tài năng của mình đã thuyết phục vua Minh phải công nhận nhà Lê mà không làm nhục mệnh Vua.
Theo Trần Hưng/Tri thức