Atacama là sa mạc "khó sống" bậc nhất thế giới thuộc địa phận Chile, từ lâu đã được biết đến như một vùng địa chất có lịch sử cực kỳ phức tạp, rất nhiều quái thú từng thống trị, nhiều nhóm người cổ đại đến rồi đi.
Theo Science Alert, nghiên cứu quốc tế mới dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Diego Salazar từ Đại học Chile cho thấy dải đất ven biển của Atacama từng có nhiều người sinh sống vào khoảng 3.800 năm trước. Tuy nhiên ngay sau đó dấu vết con người đột ngột "mất tích" 1.000 năm rồi mới xuất hiện trở lại.
|
Một hố sâu do các nhà nghiên cứu đào hé lộ những tàn tích từ cuộc sống con người đã bị xáo tung do thảm họa - Ảnh: ĐẠI HỌC SOUTHAMTON |
Điều này đã dẫn các nhà khoa học đến cuộc nghiên cứu về trầm tích biển. Rất nhiều dấu vết thuộc về con người và động vật đã được hé lộ theo cách không được mong đợi: tồn tại khá lâu ở khu vực trầm lặng ven biển rồi bị ném đột ngột vào sâu trong đất liền.
Nghiên cứu vừa công bố trên Science Advances này cũng cho hay cấu trúc đất cũng được nâng lên một cách bất thường trong giai đoạn 3.800 năm về trước đó.
Theo nhà địa chất và chuyên gia sóng thần James Goff từ Đại học New South Wales (Úc), thành viên nhóm nghiên cứu, điều đó chỉ có thể được xảy ra bởi một siêu sóng thần ngoài sức tưởng tượng.
Mà nguồn gốc của siêu sóng thần là một trận động đất "quái vật" lên tới 9,5 độ richter. Để so sánh, trận động đất nổi tiếng tháng 4-2015 gây nên chuỗi thảm họa liên hoàn ở nhiều vùng thuộc Nepal - Ấn Độ, lở cả núi Everest và khiến ít nhất 8.000 người thiệt mạng, có cường độ 7,8 hoặc 8,1 độ richter.
Khu vực này từ trước đã được cho là khu vực "dễ tổn thương" bởi các siêu động đất, do nằm gần nơi hội tụ của các mảng kiến tạo Nazca và Nam Mỹ.
Vào 3.800 năm trước, con người sinh sống tại đây là cộng đồng thời đại đồ đá, vẫn sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm. Chuỗi siêu thảm họa đã lật tung các cấu trúc đá tới 2 lần, kèm theo một luồng sóng thần mạnh mẽ gây tàn phá khi nó ập vào lẫn khi nó chảy ngược ra biển và cuốn theo mọi thứ.
Sự hủy diệt khủng khiếp đến nỗi tác động với bất kỳ con người hiếm hoi nào còn sống sót phải rất mạnh mẽ, khiến toàn bộ khu vực trở nên không người suốt gần 1.000 năm bất chấp dải đất này đã là nơi định cư quen thuộc của con người cổ đại trong suốt 10.000 năm trước đó.
Theo tiến sĩ James Goff, do nguyên nhân sâu xa là từ tác động giữa các mảng kiến tạo vẫn không ngừng dịch chuyển, "siêu quái vật" từ lòng đất vẫn có thể trỗi dậy lần nữa. Hiện khu vực đông dân cư và là điểm du lịch nổi tiếng, vì thế thảm họa sẽ rất thảm khốc "trừ khi chúng ta rút kinh nghiệm từ phát hiện này", ông nhấn mạnh.
Theo Anh Thư/Người lao động